EVNNPC chủ động các giải pháp đảm bảo điện mùa nắng nóng

Ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nắng nóng gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm, nhu cầu tiêu thụ điện của khách hàng tăng mạnh,…, đó là những thách thức mà Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) đã và đang phải đối mặt trong việc đảm bảo điện mùa nắng nóng năm nay.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Ông Lê Văn Trang - Phó Tổng giám đốc EVNNPC cho biết, hiện nay, thành phần điện quản lý - tiêu dùng chiếm tỷ trọng khoảng 30% trong tổng sản lượng điện thương phẩm của EVNNPC. Chính vì vậy, trong mùa nắng nóng, hầu hết các tỉnh đều có mức tăng sản lượng cao, từ 10% - 15%.

Bên cạnh đó, thời tiết nắng nóng kéo dài cũng làm giảm hiệu suất mang tải của thiết bị, làm tăng nguy cơ xuất hiện các bất thường hoặc sự cố trên lưới điện. Ngoài ra, ảnh hưởng của dịch COVID -19 cũng dẫn tới tiến độ cung cấp vật tư thiết bị từ nước ngoài bị ảnh hưởng, khiến các dự án lưới điện của EVNNPC bị chậm tiến độ, ảnh hưởng đến việc cấp điện cho mùa hè và sản xuất sau khi dịch bệnh được kiểm soát.

Lường trước những thách thức, EVNNPC đã triển khai đồng bộ các giải pháp, nhằm đảm bảo cung cấp điện an toàn, tin cậy trong mùa nắng nóng 2020 - ông Lê Văn Trang cho hay.

Công nhân Công ty Điện lực Nam Định thực hiện nâng công suất máy biến áp Cầu Sắt 2, đáp ứng nhu cầu phụ tải cho Trường THPT Trần Hưng Đạo (TP. Nam Định)

Cụ thể, các đơn vị trực thuộc EVNNPC đã chủ động rà soát, xử lý những khiếm khuyết trên lưới điện để giảm thiểu nguy cơ sự cố trong cao điểm nắng nóng. Đặc biệt, EVNNPC cũng đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác quản lý, vận hành lưới điện như điều khiển xa, sửa chữa điện hotline, rửa sứ hotline,…, giảm thiểu tối đa thời gian mất điện cho khách hàng.

Các công ty điện lực cũng đẩy nhanh tiến độ nâng cấp, cải tạo lưới điện; kịp thời luân chuyển thay thế các MBA phân phối, cân đảo pha lưới điện hạ thế để chống quá tải. Chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ các vật tư, phương tiện dự phòng để tổ chức khắc phục kịp thời nếu xảy ra sự cố. Bố trí lực lượng cán bộ, công nhân trực thường xuyên, liên tục 24/24h trong các đợt nắng nóng kéo dài. 

Theo ông Vũ Mạnh Hà - Phó Giám đốc Điện lực thành phố Nam Định (Công ty Điện lực Nam Định), thông lệ hằng năm, cuối tháng 5 các trường học đã được nghỉ hè. Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19, lịch học kéo dài nên trong những ngày nắng nóng cao điểm vừa qua, toàn bộ trường học trên địa bàn thành phố đều sử dụng điện tăng đột biến. Đặc biệt, có những MBA quá tải đến 130-140%. Để đảm bảo cung cấp điện cho các trường học, Điện lực thành phố Nam Định đã rà soát, lập phương án thay thế/nâng công suất toàn bộ các máy biến áp quá tải.

Còn tại Quảng Ninh, ông Vũ Đình Tân - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Ninh chia sẻ, ngay từ trước mùa nắng nóng, công ty đã chuẩn bị và triển khai các phương án, biện pháp để đảm bảo việc cung ứng điện thông suốt cho mọi hoạt động kinh tế - xã hội cũng như sinh hoạt của nhân dân; sẵn sàng mọi nguồn lực để ứng phó, xử lý sự cố nhanh nhất có thể. Đặc biệt, khi nhiệt độ trên 36 độ C, công ty tuyệt đối không cắt điện, trừ xử lý sự cố đột xuất.

Đổi mới trong tuyên truyền tiết kiệm điện

Tuyên truyền tiết kiệm điện cũng là một giải pháp được EVNNPC đặc biệt chú trọng trong mùa nắng nóng. Trong 5 tháng đầu năm 2020, toàn Tổng công ty đã thực hiện tuyên truyền tiết kiệm điện 760 lượt trên đài phát thanh, 230 lượt trên báo địa phương, 458 lượt trên đài truyền hình. Đồng thời, đã thực hiện trên 80.000 lượt tư vấn sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả trực tiếp đến khách hàng. 

Bà Lê Thị Mai Loan – Phó Trưởng Ban Kinh doanh EVNNPC cho biết, với khách hàng sử dụng điện cho mục đích sinh hoạt, EVNNPC đã đổi mới cách thức tuyên truyền, giúp người dân nhận thấy được những lợi ích to lớn của tiết kiệm điện thông qua những con số cụ thể, những hình ảnh trực quan, sinh động. Mỗi hộ gia đình chỉ cần tiết kiệm 1 kWh điện, thì với hơn 9,6 triệu khách hàng của EVNNPC, sản lượng điện tiết kiệm được đã là rất lớn.

Với khối sản xuất, EVNNPC phối hợp với các doanh nghiệp triển khai kiểm toán năng lượng, giúp các doanh nghiệp nhận ra được những dây chuyền đang lãng phí điện, để từ đó có giải pháp tiết kiệm năng lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh; trong đó ưu tiên những doanh nghiệp tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải điện (DR). Đồng thời, Tổng công ty cũng lập đầu mối liên hệ tại Sở Công Thương các tỉnh/thành phố để kiểm soát tình hình sử dụng điện hàng tháng của khách hàng, kịp thời làm rõ những trường hợp sử dụng điện tăng bất thường và đề xuất hướng giải quyết...


  • 16/06/2020 05:22
  • Mai Hương
  • 6057