EVNNPT làm việc với chủ đầu tư các nguồn điện tại Lào

Vừa qua, tại thủ đô Viêng Chăn (Lào), đoàn công tác của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) do ông Nguyễn Tuấn Tùng – Chủ tịch HĐTV EVNNPT làm trưởng đoàn, có buổi làm việc với chủ đầu tư các dự án nguồn điện sẽ xuất khẩu điện sang Việt Nam qua các đường dây truyền tải.

Làm việc với Công ty Impact Energy Asia Development Limited (IEAD) - chủ đầu tư Nhà máy điện gió Monsoon, Chủ tịch HĐTV EVNNPT Nguyễn Tuấn Tùng mong muốn Công ty IEAD thường xuyên trao đổi thông tin với EVNNPT về tiến độ triển khai dự án nhà máy này, cũng như đường dây 500kV Monsoon - Thạnh Mỹ (phần trên địa phận Lào) và TBA 500kV Monsoon. 

Dự án Nhà máy điện gió Monsoon có tổng công suất 600MW được xây dựng ở phía Đông Nam Lào, nằm cách biên giới Lào - Việt Nam khoảng 22 km, được triển khai theo Biên bản ghi nhớ giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào nhằm mục tiêu nhập khẩu nguồn điện năng lượng tái tạo từ Lào về Việt Nam. Đây là dự án trang trại điện gió đầu tiên ở Lào và là một trong những dự án điện gió lớn nhất Đông Nam Á đến thời điểm hiện nay, mục tiêu vận hành thương mại (COD) vào quý II năm 2025.

Buổi làm việc giữa EVNNPT và IEAD

Dự án được truyền tải về Việt Nam thông qua đường dây 500kV mạch kép từ TBA 500kV Monsoon (Lào) đến TBA 500kV Thạnh Mỹ (Quảng Nam, Việt Nam), trong đó chiều dài đường dây trên địa phận Lào dài 22 km (do IEAD làm chủ đầu tư), phần trên lãnh thổ Việt Nam dài 44 km (do EVN làm chủ đầu tư, Ban QLDA Điện 2 thực hiện quản lý dự án). Ngoài ra, đường dây này còn truyền tải công suất của các cụm nhà máy thủy điện Xekong (3A, 3B, 5), Xekaman (2A, 2B) do Tập đoàn Phongsubthavy (Lào) làm chủ đầu tư đấu nối vào TBA 500kV Monsoon với tổng công suất khoảng 870MW.

Ông Nguyễn Tuấn Tùng cho biết thêm, đây là đường dây 500kV đầu tiên liên kết lưới truyền tải của Việt Nam với quốc gia khác. Để đường dây có thể đấu nối vào TBA 500kV Thạnh Mỹ do EVNNPT đang quản lý vận hành, EVNNPT đang thực hiện dự án mở rộng ngăn lộ và cải tạo TBA 500kV Thạnh Mỹ (triển khai từ tháng 9/2021 và phấn đấu hoàn thành tháng 12/2024).

Cũng tại Thủ đô Viêng Chăn, đoàn đã có buổi làm việc với Tập đoàn Phongsubthavy - chủ đầu tư của cụm Nhà máy Thủy điện Nậm Sum và rất nhiều NMTĐ khác tại Lào.

Tập đoàn Phongsubthavy (PGC) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã ký 7 biên bản ghi nhớ về việc nhập khẩu điện từ 26 dự án nhà máy thủy điện từ Lào về Việt Nam; trong đó đã ký 14 hợp đồng mua bán điện với tổng công suất là 471MW và đang trình Chính phủ 2 nước về chủ trương nhập khẩu điện với tổng công suất khoảng 1.000MW.

Buổi làm việc giữa EVNNPT và PGC

Theo lãnh đạo EVNNPT, trong năm 2022 và những năm tiếp theo, Việt Nam sẽ tăng cường nhập khẩu điện từ Lào. Hiện, EVNNPT đang triển khai đường dây 220kV Nậm Sum - Nông Cống (phần trên địa phận Việt Nam) có quy mô 2 mạch, dài khoảng 130 km. Dự án được khởi công vào tháng 12/2021 và dự kiến hoàn thành tháng 4/2023.

Để đẩy nhanh tiến độ thi công dự án đường dây 220kV Nậm Sum - Nông Cống, đảm bảo đồng bộ với tiến độ phát điện của cụm Nhà máy Thủy điện Nậm Sum, Chủ tịch HĐTV EVNNPT Nguyễn Tuấn Tùng đề nghị Tập đoàn Phongsubthavy tích cực trao đổi thông tin, phối hợp và hỗ trợ EVNNPT làm việc với UBND các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa để giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng trên địa bàn các tỉnh này để dự án hoàn thành đúng tiến độ.


  • 22/08/2022 09:00
  • Tin: Xuân Tiến - Ảnh: Lê Việt
  • 5585