GIZ chia sẻ về kinh nghiệm ứng dụng công nghệ truyền tải điện một chiều - HVDC

Ngày 16/11, tại Hà Nội, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) phối hợp với Tổ chức hợp tác phát triển Đức tại Việt Nam (GIZ Việt Nam) tổ chức Hội thảo kỹ thuật chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng công nghệ truyền tải điện một chiều cao áp - HVDC.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Tổng giám đốc EVNNPT - ông Lưu Việt Tiến cho biết Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 5/2023 định hướng xây dựng 5.200 - 8.300km đường dây và 40.000 – 60.000MW dung lượng trạm biến áp siêu cao áp một chiều trong giai đoạn 2031 - 2050. Trong bối cảnh phát triển 70.000 – 91.500MW nguồn điện gió ngoài khơi đến 2050 thì việc ứng dụng HVDC là cần thiết nhằm tăng khả năng truyền tải xa, giảm tổn thất điện năng, tăng độ ổn định cho hệ thống điện, giảm diện tích đất sử dụng cho hành lang lưới điện. Vì vậy công nghệ lưới điện truyền tải cao áp một chiều HVDC được chứng minh là một giải pháp tiên tiến được nhiều quốc gia lựa chọn để giải quyết vấn đề trên.

Đông đảo đại biểu tham gia hội thảo

Ông Markus Bissel, Giám đốc Chương trình Đối tác Năng lượng Việt Nam – CHLB Đức, GIZ Việt Nam, cho biết Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể về năng lượng tái tạo trong vài năm qua. Với mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 cho thấy Việt Nam đang quyết tâm chuyển sang sử dụng năng lượng sạch và giảm lượng khí thải carbon. Tuy nhiên, việc tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và năng lượng gió vào lưới điện quốc gia đặt ra nhiều thách thức. Một trong những thách thức đáng kể nhất là giới hạn truyền tải của lưới điện quốc gia. HVDC được coi là công nghệ tiên tiến nhất hiện nay, mang lại nhiều lợi thế so với công nghệ HVAC truyền thống. Theo kinh nghiệm thực tiễn, việc đầu tư lưới điện truyền tải cao áp HVDC sẽ giúp giải quyết được nhiều vấn đề, trong đó không chỉ giúp nâng cao giới hạn truyền tải giúp giải tỏa công suất liên vùng, tăng tỷ trọng trao đổi điện năng giữa các nước láng giềng, hỗ trợ tích hợp tỷ lệ cao nguồn năng lượng tái tạo, mà còn hỗ trợ công tác vận hành hệ thống điện an toàn, hiệu quả, giúp giảm dòng ngắn mạch, giảm tổn thất điện năng.

Tại hội thảo, các chuyên gia đã chia sẻ lợi ích và giải pháp chuyển đổi đường dây truyền tải điện trên không xoay chiều (AC) hiện hữu thành đường dây một chiều (DC); các công nghệ và ứng dụng HVDC; kinh nghiệm thực tế 10 năm vận hành hệ thống liên kết HVDC back-to-back giữa Bangladesh và Ấn Độ để nhập khẩu điện.


  • 17/11/2023 02:12
  • Xuân Tiến
  • 4244