Gắn kết đội ngũ để tối ưu hóa nguồn lực doanh nghiệp

Trong bối cảnh môi trường kinh doanh đầy biến động như hiện nay, gắn kết đội ngũ để tối ưu hóa nguồn lực doanh nghiệp là rất quan trọng.

Cải thiện điều kiện làm việc để nhân viên phát huy tiềm năng

Một nghiên cứu mới đây của Gallup Global cho thấy, một tổ chức của Mỹ có hơn 50 năm chuyên về gắn kết đội ngũ chỉ ra rằng, doanh nghiệp có tỷ lệ gắn kết đội ngũ cao giúp tăng 22% lợi nhuận kinh doanh. 

Ảnh minh họa.

Theo ông Andy Huỳnh Ngọc Minh - Fouder của Success, Training and Coaching, niềm vui chính là sự gắn kết chặt chẽ nhân lực của doanh nghiệp. Và ở đó, theo tháp nhu cầu Maslow nổi tiếng, chính niềm vui sẽ khiến nhân viên cảm thấy được an toàn, được tôn trọng. Đây chính là nhu cầu cơ bản về tâm lý của con người. Do đó, nhân viên phải được tự do, được thể hiện tài năng và được đóng góp, được phụng sự. 

Cũng theo Gallup Global, bên cạnh sự gắn kết và hài lòng của nhân viên trong môi trường làm việc giúp doanh nghiệp tăng 22% lợi nhuận, nó còn giúp giảm 25% tỷ lệ biến đổi nhân sự và giảm thiểu 41% tai nạn lao động.

Cũng theo ông Andy Huỳnh Ngọc Minh, gắn kết là khi điều kiện làm việc luôn được cải thiện để nhân viên phát huy tối đa tiềm năng, từ đó có thể giúp tăng 21% hiệu suất làm việc. Trong đó, phải kể đến ý nghĩa quan trọng của sự tương thích giữa lý tưởng của nhân viên với mục tiêu phát triển của doanh nghiệp hay tổ chức.

Bà Ô Mỹ Phương - Giám đốc Đối ngoại Công ty TNHH Vương Lực cho biết: "Vương Lực đang chuẩn bị để  phát triển bứt phá. Với đội ngũ nhân sự gồm những nhân viên trên 25 năm kinh nghiệm làm việc và cả những nhân sự vừa ra trường, còn rất trẻ cả về tuổi đời lẫn tuổi nghề, nhưng nếu những bạn mới cần thể hiện năng lực, tôi luôn ở sau động viên họ, em cứ làm, làm đi, sai chị chịu. Người lãnh đạo cần hiểu điểm mạnh, điểm yếu của mỗi nhân viên. Kết quả, sau quá trình thử, chúng tôi phát hiện một điều, có những bạn đa nhiệm và có những bạn chuyên sâu. Có những bạn xuất sắc về online nhưng offline thì không biết trình bày ý tưởng. Có những bạn làm sale, làm kỹ thuật nhưng được phát hiện giỏi về marketing. Chủ doanh nghiệp thấy được sự đa dạng về khả năng của thành viên trong công ty để giúp họ định giá chính giá trị của họ, giúp họ định hướng chính xác bản thân và quan trọng, giúp họ thỏa mãn các quyền lợi, từ đó họ gắn bó, trung thành với công ty".

Sự gắn kết nhân sự là yêu cầu cần thiết và quan trọng, đặc biệt là trong điều kiện doanh nghiệp phải đối diện với sự gắn bó lỏng lẻo của nguồn nhân lực thế hệ gen Z. Một trong những thông tin mới về đặc trưng nhân sự, nhân viên gen Z hiện nay làm việc 6 tháng tại một công ty đã được cho là "trung thành". 

Bên cạnh việc giảm thiểu sự biến động nhân sự, tai nạn lao động, tăng lợi nhuận kinh doanh, thì sự gắn kết của nhân viên trong doanh nghiệp còn giúp tăng sự hài lòng của khách hàng. Nhân viên gắn kết với doanh nghiệp, gắn kết với nhau giúp họ cảm thấy gắn bó hơn với khách hàng của công ty. Khi tương tác với khách hàng, họ đam mê công việc hơn và có khả năng để lại ấn tượng tích cực với khách hàng. Điều này ngoài việc giữ chân khách hàng còn có thể tạo ra trải nghiệm khách hàng tốt hơn và có thể giúp tăng 10% khách hàng mới.  

Gắn kết phải từ tâm

Một trong những thách thức lớn mà nhiều nhà quản trị nhân sự đồng tình chính là phải thấu hiểu sự gắn kết nhân sự. Nếu người lãnh đạo không ưu tiên chính sách phát triển con người thì các team cũng khó cùng nhau phát triển. 

Thêm một góc nhìn khác đối với việc gắn kết nhân sự, bà Ngụy Kim Thanh - nhà sáng lập Công ty Kiên Thành Tín nhấn mạnh, gắn kết nhân sự phải đến từ tâm. Cũng theo bà Thanh, nhiều chủ doanh nghiệp triển khai việc gắn kết theo phong trào dẫn đến kết quả là xác suất thành công không cao. Vì vậy, trước khi triển khai bất kỳ hoạt động gắn kết nào, cần xác định "đây có phải là điều thực sự quan trọng đối với công ty trong hành trình này không". Trả lời đúng điều ấy thì doanh nghiệp sẽ tìm được động lực để gắn kết chặt chẽ nguồn nhân lực. 

Tại Kiên Thành Tín, học tập chính là một trong những hoạt động gắn kết nhân viên. Nhân viên công ty đã tham gia một khóa học nào đó thì phải có trách nhiệm tổ chức một buổi chia sẻ kiến thức đã học được cho các thành viên còn lại. Trước hết, nhân viên phải bắt đầu buổi truyền đạt kiến thức bằng lòng biết ơn những người đã cáng đáng công việc để bản thân có điều kiện đi học. Thứ hai, chia sẻ điều đã học. Thứ ba, tìm người đồng hành để hỗ trợ, giúp đỡ cùng trao đổi kiến thức và cùng nhau luyện kỹ năng thực hành.

Là một doanh nghiệp chuyên tư vấn và thi công nhà giặt ủi cho các resort, khách sạn, bệnh viện, spa, đợt dịch Covid-19 vừa rồi, Công ty TNHH Vương Lực đã xây dựng thành công một nhà giặt công suất 150 tấn/năm cho Vinpearl Phú Quốc - một quần thể nghỉ dưỡng 5 sao của Vingroup trong điều kiện tưởng chừng như không thể. 

Một lãnh đạo của Vương Lực chia sẻ: "Là giám đốc đối ngoại, tôi tiếp xúc với  nhiều đối tác nước ngoài cung cấp thiết bị, đối tác hỗ trợ những công trình phụ trong nước. Nếu không gắn kết chân thành với họ thì trong các đợt dịch sẽ không hoàn thiện được một nhà giặt công suất lớn như vậy. Trong điều kiện đi lại ngặt nghèo, việc gửi nhân sự kỹ thuật cao cấp từ nước ngoài qua Việt Nam là vô cùng khó. Rồi việc cách ly, chi phí ăn ở, đi lại, sinh hoạt. Chúng tôi thẳng thắn đặt câu hỏi với chuyên gia nước ngoài, với một nhà giặt 150 tấn/năm, ông có thể  hoàn thiện trong ba tháng được không? Và chính trong sự chần chừ của chuyên gia nước ngoài, chúng tôi phát hiện đội ngũ của Vương Lực có thể thực hiện được 80% công việc lắp đặt nhà giặt. Và sau đó, nhờ gắn kết với đối tác nước ngoài, họ nhiệt tình hướng dẫn online, tìm mọi cách để dẫn dắt đội ngũ của chúng tôi làm việc hiệu quả nhất. Và nhà giặt được bàn giao đúng thời hạn. Như vậy, gắn kết không phải chuyện một sớm một chiều, mà phải có quá trình làm việc gắn bó để tin nhau".

Link gốc.


  • 10/04/2023 04:08
  • Theo https://doanhnhansaigon.vn/
  • 4322