Theo ông Nguyễn Mạnh Hiến - Chủ tịch Hội đồng khoa học Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam, nước ta có tiềm năng lớn về năng lượng mặt trời (NLMT). Mật độ NLMT trung bình khoảng 4,6 kWh/m2/ngày, số ngày nắng trong năm trung bình khoảng 2.000 giờ. Từ khu vực Tây Nguyên trở vào Nam bộ, mật độ NLMT càng tăng dần. Cường độ bức xạ mặt trời khu vực này trung bình đạt 4,9 - 5,7 kWh/m2/ngày. Đây là nguồn tài nguyên thiên nhiên sạch dồi dào để chuyển hóa thành điện năng.
Theo Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ ban hành ngày 25/11/2015, tỷ lệ điện năng từ NLMT sẽ chiếm lần lượt: 0,5% vào năm 2020, khoảng 6% năm 2030 và khoảng 20% vào năm 2050 trong tổng sản lượng điện sản xuất.
Chính phủ cũng đang khuyến khích phát triển NLMT với Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg vừa ban hành hồi tháng 4/2017, công bố giá mua điện mặt trời cố định ở mức 9,35 US cents/kWh, bước đầu tạo sức hấp dẫn với các nhà đầu tư.
Hội thảo do ABB Việt Nam, Solar Electric Việt Nam (SEV) phối hợp tổ chức tại Hà Nội ngày 12/10
|
“Dù có tiềm năng lớn và được hậu thuẫn từ chính sách của Chính phủ, việc phát triển điện mặt trời ở Việt Nam vẫn còn 1 số rào cản như: Kỹ thuật đấu nối vào lưới điện quốc gia còn phức tạp, vốn đầu tư ban đầu lớn, dự án NLMT tập trung trên mặt đất đòi hỏi diện tích rộng lớn” - ông Nguyễn Mạnh Hiến cho biết.
Do đó, tại Hội thảo, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã đề xuất nhiều giải pháp để thúc đẩy phát triển điện mặt trời như: Phát triển đồng thời các dự án NLMT nối lưới trên mặt đất và dự án lắp đặt trên mái nhà; đề xuất thành lập quỹ hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo nhằm hỗ trợ, trợ giá hơn nữa cho các nguồn năng lượng sạch; lựa chọn công nghệ sản xuất điện mặt trời hiệu quả cao;…
Các chuyên gia cũng khuyến nghị, các dự án NLMT nguồn tập trung sẽ phát huy hiệu quả cao nhất nếu được lắp đặt trên mặt hồ, mặt nước; nên lựa chọn công nghệ, thiết bị phù hợp với điều kiện đặc thù của Việt Nam như thời tiết nhiều mưa, bão.
Tại Hội thảo, đại diện ABB Việt Nam cũng giới thiệu một số giải pháp công nghệ kết nối và tích hợp năng lượng mặt trời vào lưới điện, hệ thống dự trữ năng lượng, các giải pháp điều khiển và tự động hóa tại nhà máy điện mặt trời. Bên cạnh đó, đại diện Đại sứ quán ÚC, UNDP Việt Nam, Tổ chức Hợp tác phát triển Đức cũng chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo.