Giải pháp hữu ích, làm lợi 500 triệu đồng/năm

Đây là giải pháp kỹ thuật do Trưởng ban Kinh doanh Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) - Lê Thị Phương Cẩm và nhóm tác giả của Công ty Điện lực Khánh Hòa nghiên cứu, triển khai áp dụng thành công trong toàn EVN. Giải pháp được đánh giá làm lợi 500 triệu đồng/ năm, đoạt giải đặc biệt tại cuộc thi “Phụ nữ EVN sáng tạo” năm 2018.

Nhanh chóng, chính xác

Tổng công ty Điện lực miền Trung hiện quản lý hơn 4 triệu khách hàng, trải dài với diện tích gần 100 nghìn km2. Dù số khách hàng của EVNCPC chiếm gần 20% tổng số khách hàng toàn EVN, nhưng sản lượng điện thương phẩm chỉ xấp xỉ 10%. Do đó, lãnh đạo EVNCPC luôn trăn trở làm thế nào để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, trong đó có nâng cao giá bán điện bình quân. Một trong những giải pháp hiệu quả cho mục tiêu trên chính là “Chương trình phân tích, tính toán chênh lệch giá mua-giá bán điện cho các phần tử trên lưới điện (TBA, xuất tuyến)”. 

Theo bà Lê Thị Phương Cẩm, tác giả giải pháp: “Đây là chương trình tổng hợp số liệu sản lượng, doanh thu tiêu thụ điện của khách hàng; tính toán chi phí mua điện theo từng xuất tuyến trung áp, từng trạm biến áp, phân tích dữ liệu, từ đó sẽ có các giải pháp cung cấp điện, dịch vụ khách hàng, đầu tư lưới điện, kiểm tra áp giá điện… một cách phù hợp nhất”. 

Chương trình khai thác dữ liệu trên CMIS (hệ thống thông tin quản lý khách hàng sử dụng điện) để tính toán, phân tích và ước số liệu giá bán điện bình quân trong tương lai phục vụ việc giao kế hoạch cho các đơn vị. Chương trình được chia làm 03 công cụ chính gồm: Phân hệ tính toán dự kiến giá bán; phân hệ phân tích giá bán điện; phân hệ phân tích giá mua điện và tính chênh lệch giá mua - giá bán điện.

Trưởng ban Kinh doanh EVNCPC Lê Thị Phương Cẩm (áo dài cam) nhận Bằng khen và giải đặc biệt tại cuộc thi “Phụ nữ EVN sáng tạo” năm 2018

Một module hữu ích của chương trình CMIS

Giải pháp đã được xây dựng hoàn thành từ tháng 4/2016 và thử nghiệm tại Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa, sau đó được triển khai trong 13 đơn vị trực thuộc EVNNPC từ tháng 5/2016. Tháng 10/2016, EVN đã sử dụng giải pháp này để áp dụng thống nhất trong 05 tổng công ty điện lực trực thuộc. Chương trình trở thành một module trong hệ thống CMIS của toàn Tập đoàn.  

Hiệu quả đem lại khi áp dụng giải pháp là tăng năng suất lao động trong công tác kinh doanh điện, nhờ rút ngắn thời gian tính toán, phân tích và dự kiến giá bán với độ chính xác cao, số liệu trực quan. Bên cạnh đó, các tổng công ty phân phối điện, các đơn vị có cái nhìn tổng quan về tình hình giá bán của các TBA, của từng xuất tuyến để phục vụ công tác kinh doanh, kiểm tra áp giá, lập lịch công tác…

Ông Nguyễn Quang Việt, Phó Trưởng Ban Khoa học công nghệ và Môi trường EVN, thành viên Hội đồng giám khảo cuộc thi “Phụ nữ EVN sáng tạo” nhận định: Ngoài giá trị làm lợi 500 triệu đồng mỗi năm, giải pháp còn cung cấp công cụ hỗ trợ tính toán giá bán điện bình quân, để giao kế hoạch từ tổng công ty phân phối đến các công ty; các công ty giao cho các điện lực, cung cấp công cụ trực quan, minh bạch cho các cấp quản lý điều hành… Tất cả những lợi ích đó giúp EVN và các đơn vị nâng cao năng suất lao động và tăng hiệu quả kinh doanh điện năng. 

Bà Lê Thị Phương Cẩm – tác giả giải pháp:

Sinh ngày 21/11/1978
Chức vụ: Trưởng ban Kinh doanh Tổng công ty Điện lực miền Trung
Một số sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học đã được công nhận và áp dụng:
- Chương trình quản lý đóng cắt điện khách hàng do nợ tiền điện.
- Chương trình tự động tổng hợp quyết toán điện năng và ký điện tử áp dụng trong EVNCPC.
- Giải pháp nâng cao tỷ lệ thu thập của hệ thống RF Spider.
- Giải pháp quản lý thông tin hiện trường bằng ứng dụng trên thiết bị di động (quản lý thông tin khách hàng, công tơ và sơ đồ lưới điện hạ áp trên nền bản đồ google map).


  • 15/08/2019 03:10
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 37673