Giáo sư Trần Đình Long nói gì về điện mặt trời mái nhà, điện hạt nhân?

Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với GS. Viện sĩ, TSKH Trần Đình Long về điện mặt trời mái nhà, điện hạt nhân.

Khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà đúng nghĩa

Giáo sư Trần Đình Long 

- Thưa Giáo sư, thời gian qua, một số chủ đầu tư điện mặt trời mái nhà đã gặp khó khăn trong việc “thanh toán” vì chưa đủ các điều kiện theo quy định. Đã có nhiều ý kiến tranh luận về loại hình này, vậy quan điểm của Giáo sư như thế nào là điện mặt trời mái nhà?

- Khái niệm điện mặt trời mái nhà có thể hiểu là nhà ở tư nhân hoặc công cộng, diện tích ít thì 40-50 m2 và nhiều thì 200-300 m2. Công suất của điện mặt trời mái nhà thường không lớn, chỉ loanh quanh gia đình sử dụng, khoảng từ 5-15 kWh. Mỗi mái nhà ở có thể lắp tấm quang năng với công suất như vậy, và như thế chỉ tốt chứ không có hại vì: Công suất không lớn, thừa cũng không nhiều, đối với đường dây và lưới điện phân phối không gây ảnh hưởng gì.

Tuy nhiên khi vận dụng, người ta cố tình xây các công trình với diện tích lớn không còn là mái nhà ở nữa, điện mặt trời lúc này cũng đã sang loại hình khác. Nên nhớ, với mỗi loại điện mặt trời đều có ưu đãi riêng và điện mặt trời mái nhà đúng nghĩa nên có rất nhiều ưu đãi vì có nhiều cái lợi: không chiếm đất, giảm nhiệt độ trong nhà (giúp giảm sử dụng thiết bị điện làm mát), bảo vệ mái nhà nhờ có tấm quang năng…

Do đó, phải có định nghĩa cụ thể hơn cho từng loại điện mặt trời mái nhà. Thế nào là mái nhà, thế nào là nhà ở, nhà công cộng hay nhà để dùng cho sản xuất, kinh doanh đơn thuần để có ưu đãi riêng và quy định riêng. Bên cạnh đó, cũng cần định nghĩa rõ các loại hình điện mặt trời mái nhà mới (như các trang trại nông nghiệp công nghệ cao, khu công nghiệp, tích hợp các loại hình khác nhau, các sản phẩm hấp thụ năng lượng mặt trời như ngói, gạch ốp tường…) để phân loại cụ thể.

Nếu làm được việc đó, thì đây sẽ là hướng giải quyết cho những bất cập trong phát triển điện mặt trời mái nhà hiện nay. Theo tôi, nếu đúng là điện mặt trời mái nhà đúng nghĩa thì nên khuyến khích, tạo mọi cơ chế phát triển.

Điện hạt nhân có thể là xu hướng của tương lai

- Vừa qua, một số ý kiến cho rằng, Việt Nam cần nghiên cứu, xem xét phát triển điện hạt nhân vì đây là nguồn điện nền quan trọng và sạch, nhất là trong bối cảnh sẽ không phát triển nhiệt điện than, thuỷ điện tới hạn, năng lượng tái tạo không ổn định... Quan điểm của Giáo sư về vấn đề này là gì?

- Theo tôi, điện hạt nhân ngày nay người ta quay trở lại quan tâm, vì nó được xem là nguồn điện sạch, tương đối an toàn bởi công nghệ điện hạt nhân đang ngày càng nâng cao, thảm hoạ khó xảy ra, rất hi hữu. Nếu ta tuân thủ đúng quy trình, quy định; làm tốt công tác quản lý, vận hành thì có thể giảm thiểu tối đa rủi ro.

Nhiều quốc gia hiện đang quay trở lại phát triển hạt nhân, thậm chí trong quá trình loại điện này bị công kích nhiều, các quốc gia vẫn âm thầm phát triển và coi đây là con đường không thể khác.

Đối với Việt Nam, việc phát triển điện hạt nhân cần có sự cân nhắc ở cấp lãnh đạo cao nhất. Do đó, các cơ quan làm quy hoạch, tư vấn cho Chính phủ cần nghiên cứu thấu đáo, tìm ra các lý lẽ đầy đủ nhất để tham mưu cho Đảng, Nhà nước trong vấn đề này. Chúng ta cũng có thể tranh luận công khai, thảo luận, thậm chí lấy ý kiến người dân rộng rãi. Riêng tôi thấy cần phát triển điện hạt nhân.

Cần hài hoà các nguồn điện

- Thời gian gần đây, nhiều địa phương có đề xuất phát triển điện năng lượng tái tạo và điện khí, công suất vượt xa so với công suất quy hoạch. Trong khi đó, nguồn điện năng lượng tái tạo cũng đang gặp khó khăn vì phụ thuộc vào thời tiết, chưa có hệ thống lưu trữ; nguồn điện khí phát triển phải nhập khẩu…Ý kiến của Giáo sư về vấn đề này như thế nào?

- Thứ nhất, nhu cầu sử dụng điện chỉ có giới hạn nên khi phát nguồn điện này thì nguồn điện khác phải hạn chế lại. Chúng ta đã hạn chế phát triển nhiệt điện than và những nhà máy nào cũ, ô nhiễm thì nên dần hạn chế, gỡ bỏ và thay thế bằng nguồn điện tái tạo. Tuy nhiên, nếu toàn bộ công suất điện của hệ thống chỉ là điện tái tạo thì buổi tối không có mặt trời, không có gió thì lấy gì thay thế? Đây là điều các nhà quy hoạch cần tính đến.

Thứ hai, vai trò giữa thuỷ điện và điện năng lượng tái tạo phải xử lý hài hoà. Ví dụ, lúc nào mặt trời phát tối đa thì giảm thuỷ điện để tích nước, lúc nào không có mặt trời thì ra lại xả nước. Mối quan hệ giữa tỷ lệ giữa thuỷ điện và điện tái tạo là như vậy.

Ngoài ra, chúng ta nên phát triển các nhà máy thuỷ điện tích năng, là các nhà máy vừa tích điện, vừa phát điện, có khả năng phối hợp tốt với điện mặt trời. Khi nhiều điện mặt trời, các nhà máy này sẽ dùng năng lượng điện mặt trời để bơm nước lên, tích lại dưới dạng thế năng của thuỷ điện. Đến khi không có mặt trời lại xả ra để phát điện, hình thành nên một hệ thống tuần hoàn khép kín. Cái này ở Việt Nam phát triển còn rất yếu, trong quy hoạch đã có từ lâu nhưng phát triển còn chậm và hạn chế. Trong bối cảnh năng lượng tái tạo nhiều thì nên phát triển mạnh các thuỷ điện tích năng.

Giá điện của loại này tất nhiên cao hơn thuỷ điện thông thường, nhưng còn thấp hơn nhiệt điện hay tích điện bằng ắc quy. Mặt khác, thuỷ điện tích năng khác với thuỷ điện thông thường là không cần nguồn thuỷ lực lớn. Thuỷ điện tích năng chỉ cần hai hồ với độ cao chênh lệch để bơm hoặc xả nước, và khi đó nước cũng chỉ còn là công cụ trung gian. Các loại nhà máy này có thể xây dựng cả ở bờ biển.

- Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư.

Link gốc


  • 06/07/2022 03:21
  • Theo congthuong.vn
  • 14377