Trong những năm gần đây, việc tìm kiếm vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng đã dẫn đến sự gia tăng đột biến các giải pháp sáng tạo, từ tấm quang điện mặt trời đến mái nhà xanh. Một trong những bước phát triển hứa hẹn nhất trong lĩnh vực này là sự ra đời của gỗ trong suốt - một loại vật liệu có tiềm năng trong việc thiết kế và xây dựng các tòa nhà tiết kiệm năng lượng.
Gỗ trong suốt được tạo ra thông qua quá trình loại bỏ lignin - một thành phần chịu trách nhiệm về màu sắc và độ cứng của gỗ. Qua quá trình xử lý gỗ bằng hoá chất và áp suất cao, sẽ cho ra cấu trúc gỗ xốp, không màu. Gỗ sau đó được ngâm tẩm với một loại polymer trong suốt, chất này sẽ lấp đầy các lỗ rỗng và làm cho vật liệu trở nên trong suốt hơn mà vẫn giữ được độ cứng và độ bền.
Một trong những lợi thế quan trọng nhất của gỗ trong suốt là khả năng giảm tiêu thụ năng lượng trong các tòa nhà. Bằng cách cho phép ánh sáng tự nhiên thâm nhập sâu hơn vào bên trong tòa nhà, từ đó giúp giảm nhu cầu chiếu sáng nhân tạo (vốn chiếm một phần đáng kể trong việc sử dụng năng lượng của tòa nhà). Hơn nữa, đặc tính cách nhiệt của gỗ có thể giúp duy trì nhiệt độ trong nhà ổn định, giảm nhu cầu sử dụng hệ thống sưởi ấm và làm mát. Bằng cách này, gỗ trong suốt có thể đóng góp vào hiệu quả năng lượng tổng thể của tòa nhà, giúp giảm cả lượng khí thải carbon và chi phí vận hành.
Gỗ trong suốt có khả năng nhìn xuyên thấu các vật thể đằng sau. Ảnh minh hoạ
|
Ngoài tiềm năng tiết kiệm năng lượng, gỗ trong suốt còn mang lại một số lợi ích khác khiến nó trở thành một lựa chọn hấp dẫn cho các kiến trúc sư và kỹ sư xây dựng. Thứ nhất, vật liệu này nhẹ và dễ gia công, giúp nó trở thành một giải pháp thay thế bền vững hơn cho các vật liệu xây dựng truyền thống như bê tông và thép. Hơn nữa, việc sử dụng gỗ trong suốt có thể giúp tạo ra một không gian nội thất hấp dẫn và ấm áp hơn về mặt thị giác, vì độ ấm và kết cấu tự nhiên của vật liệu này có thể giúp làm dịu đi những đường nét cứng nhắc và bề mặt lạnh lẽo thường thấy ở những kiến trúc hiện đại.
Sự phát triển của gỗ trong suốt vẫn đang ở giai đoạn đầu và các nhà nghiên cứu đang tiếp tục khám phá những cách mới để cải thiện các đặc tính của vật liệu và mở rộng các ứng dụng tiềm năng của nó. Ví dụ, các nhà khoa học tại Viện Công nghệ Hoàng gia KTH ở Thụy Điển gần đây đã phát triển một phương pháp sản xuất gỗ trong suốt không chỉ bền và chắc hơn các phiên bản trước, mà còn có khả năng lưu trữ và giải phóng nhiệt. Điều này cho phép vật liệu có thể được sử dụng như một hệ thống sưởi ấm năng lượng mặt trời thụ động, tăng khả năng tiết kiệm năng lượng.
Khi nhu cầu về vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng tiếp tục gia tăng, gỗ trong suốt sẵn sàng đóng vai trò ngày càng quan trọng trong tương lai của kiến trúc bền vững. Với sự kết hợp độc đáo giữa độ bền, tính linh hoạt và đặc tính truyền ánh sáng, loại vật liệu sáng tạo này có khả năng giải quyết một số thách thức cấp bách nhất mà các kiến trúc sư ngày nay phải đối mặt. Khi các nhà nghiên cứu tiếp tục tinh chỉnh và mở rộng khả năng của gỗ trong suốt, vật liệu này có khả năng sẽ được kết hợp vào một loạt các dự án xây dựng, từ nhà ở đến văn phòng thương mại.
Minh Khuê (Theo EnergyPortal.eu)
Share