Hà Nội đứng trước nguy cơ thiếu điện vì chậm tiến độ đường dây 500kV Tây Hà Nội – Thường Tín

Được yêu cầu hoàn thành trong tháng 3/2020, tuy nhiên đến nay, dự án đường dây 500kV Tây Hà Nội – Thường Tín chưa thể hoàn thành dẫn đến nguy cơ thiếu điện cho Thủ đô trong thời gian tới. Vậy nguyên nhân là do đâu?

Dự án đường dây 500kV Tây Hà Nội - Thường Tín là công trình trọng điểm có tính cấp bách được triển khai xây dựng từ năm 2018 nhằm nâng cao chất lượng điện năng, đảm bảo cung cấp điện an toàn và tin cậy cho khu vực phía Tây TP. Hà Nội, giảm tải cho Trạm biến áp 500kV Thường Tín và các đường dây 220kV trong khu vực. 

Trạm biến áp Tây Hà Nội đã hoàn thành từ tháng 11/2018, nhưng đến nay chưa thể đưa vào vận hành do tuyến đường dây 500kV Tây Hà Nội – Thường Tín đang gặp vướng mắc trong công tác bồi thường hành lang tuyến.

Theo Ban QLDA các công trình điện miền Bắc (NPMB), theo yêu cầu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) công trình hoàn thành đóng điện tháng 3/2020. Tuy nhiên, cho đến nay, đã chậm so với kế hoạch 16 tháng và thời gian chậm tiến độ sẽ kéo dài hơn nữa vì hiện nay công trình đang phải dừng thi công do chưa giải phóng xong hành lang tuyến 2 khoảng cột. Nếu công trình không hoàn thành trong năm nay, thì năm 2022, Hà Nội sẽ có nguy cơ thiếu điện, đặc biệt là phía Tây Thành phố.

Đường dây 500kV Tây Hà Nội - Thường Tín có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo điện cho Thủ đô Hà Nội nhưng đến nay chậm tiến độ 16 tháng do vướng mắc trong bồi thường giải phóng mặt bằng

Phân tích thêm về nguy cơ thiếu điện tại Thủ đô trong thời gian tới, ông Lưu Việt Tiến – Phó Tổng giám đốc EVNNPT cho biết: Hiện nay tổng công suất sử dụng điện của TP Hà Nội lên đến 5.000MW, các trạm biến áp 500kV hiện nay trên địa bàn Thủ đô không còn dự phòng công suất. Nếu đường dây 500kV Tây Hà Nội – Thường Tín tiếp tục chậm tiến độ sẽ làm giảm độ tin cậy cung cấp điện cho thành phố. Cùng với đó, sau khi dịch COVID-19 được khống chế, nhu cầu sử dụng điện tăng cao thì Hà Nội chắc chắn không được đảm bảo cung cấp điện.

Theo NPMB, tiến độ thi công phần móng và cột đã xong 96/96 vị trí. Tuy nhiên, công trình hiện đang vướng mắc giải phóng mặt bằng tại khoảng cột 61 – 62, trên địa bàn xã Thanh Mai (huyện Thanh Oai), có 6 hộ dân có đất ở trong hành lang an toàn lưới điện không nhận tiền đền bù. UBND huyện Thanh Oai đã có văn bản báo cáo UBND Thành phố Hà Nội xin ý kiến chỉ đạo cho phép tổ chức cưỡng chế. UBND Thành phố đã giao Thanh tra Thành phố kiểm tra hồ sơ, báo cáo đề xuất về kiến nghị của UBND huyện Thanh Oai. Ngày 11/5/2021, thanh tra Thành phố đã làm việc với huyện thanh Oai và các cơ quan liên quan để rà soát hồ sơ thủ tục.

Tại khoảng cột 90-91, trên địa bàn xã Tiền Phong, huyện Thường Tín, có 7 hộ dân phải thu hồi đất, tài sản nằm trong hành lang an toàn. Ngày 26/5/2021, UBND Thành phố Hà Nội đã có quyết định thu hồi gần 3000m2 đất tại xã Tiền Phong để thực hiện xây dựng hạ tầng khu tái định cư. Ngày 11/6/2021, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố đã có tờ trình đề nghị UBND Thành phố giao đất cho các hộ dân.

Chia sẻ về những thiệt hại do chưa bàn giao mặt bằng dự án cho đơn vị thi công, ông Đoàn Ngọc Sơn – Giám đốc Công ty Xây dựng Sông Đà 11.1 cho biết: Nếu có mặt bằng đơn vị sẽ huy động tối đa nhân lực triển khai thi công chỉ trong 10 ngày là hoàn thành các khoảng cột còn lại. Tuy nhiên trong 16 tháng qua đơn vị phải chờ đợi mặt bằng khoảng cột này. Mọi chi phí kho bãi, lực lượng thi công, lực lượng bảo vệ vật tư thiết bị… của đơn vị vẫn đang chờ trực để triển khai thi công

Để đảm bảo tiến độ dự án, ông Lê Văn Khải – Phó Giám đốc NPMB kiến nghị UBND TP Hà Nội và các địa phương sớm giao đất tái định cư để các hộ dân bàn giao mặt bằng thi công dự án. Về phân mình, NPMB đã lên phương án hợp lý để bảo vệ thi công. Bên cạnh đó, NPMB đã bám sát công trường, nhắc nhở các nhà thầu bố trí đủ phương tiện và nhân lực đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành, nghiệm thu đóng điện dự án vào quý III/2021.

Công trình đường dây 500kV Tây Hà Nội – Thường Tín:

- Khởi công: Ngày 31/7/2018;

- Là công trình năng lượng cấp đặc biệt, nhóm B;

- Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) làm chủ đầu tư;

- Sử dụng nguồn vốn vay ODA từ Ngân hàng Thế giới (WB) cho phần xây lắp và mua sắm vật tư thiết bị; vốn của EVNNPT được sử dụng cho các công việc còn lại.

- Đường dây có chiều dài 40,7km, điểm đầu từ TBA 500kV Tây Hà Nội và điểm cuối là TBA 500kV Thường Tín;

- Đường dây đi qua các huyện Quốc Oai, Chương Mỹ, Thanh Oai và Thường Tín. 


  • 11/07/2021 05:00
  • Huyền Thương
  • 4319