Để huyện đảo luôn “tỏa sáng”
Cách trung tâm thành phố Hải Phòng chưa đầy 30 km là huyện đảo Cát Hải gồm 2 thị trấn là Cát Hải, Cát Bà và 10 xã .
Đưa chúng tôi đi tham quan một vòng quanh đảo Cát Bà, ông Trần Ngọc Quỳnh - Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng chia sẻ: “Việc đưa điện lưới quốc gia ra các huyện đảo Hải Phòng chủ yếu phải sử dụng cáp ngầm xuyên biển. Vì vậy, công tác cấp điện cho huyện đảo Cát Hải nói chung và đảo Cát Bà nói riêng gặp nhiều khó khăn, phức tạp về điều kiện giao thông, thời tiết, khí hậu, đặc biệt là vào thời điểm sóng to, gió lớn. Tuy nhiên, để người dân biển đảo có điện sử dụng, Công ty Điện lực Hải Phòng vẫn quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, duy trì cấp điện ổn định, góp phần nâng cao đời sống, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và an ninh quốc phòng”.
Trục đường chính vào xã Việt Hải đã được xây mới từ ngày có điện
|
Năm 2010, Công ty đã triển khai xây dựng TBA 110 kV tại thị trấn Cát Hải trị giá 40 tỷ đồng. Hiện tại, Công ty cũng đang tiếp tục thi công tuyến đường dây 110 kV Chợ Rộc – Cát Bà với tổng vốn đầu tư 144 tỷ đồng từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Thế giới và vốn đối ứng của Công ty. “Thi công qua nhiều khu vực có địa hình phức tạp là một thử thách lớn đối với chủ đầu tư và các đơn vị thi công. Tuy nhiên, quyết tâm của những người thợ điện đã vượt lên tất cả”, ông Trần Ngọc Quỳnh khẳng định. Dự kiến, công trình sẽ hoàn thành và đi vào vận hành trong năm 2012, cung cấp điện cho hơn 6.800 khách hàng ở đảo Cát Bà.
Điện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội huyện đảo
“Có điện lưới quốc gia là một bước đột phá lớn cho huyện Cát Hải nói chung và đảo Cát Bà nói riêng trong phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là đảm bảo an ninh, quốc phòng”, ông Bùi Trung Nghĩa - Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cát Hải khẳng định. .
Trước đây, đảo Cát Bà chỉ có điện khoảng 3 - 4 giờ/ngày vào buổi tối, số khách sạn, nhà nghỉ trên đảo chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tuy nhiên, năm 1998 đã đánh dấu một sự kiện đẹp
trong ký ức mỗi người dân đảo Cát Bà. Đó là thời điểm người dân Cát Bà được sử dụng điện lưới quốc gia. Để sớm có điện lưới, người Cát Bà đã tự hiến đất, chặt cây, phát quang tuyến, tạo hành lang an toàn lưới điện, xung phong chở vật tư, hỗ trợ công nhân kéo dây điện. Đến tháng 5/1998, điện lưới quốc gia đã vượt biển ra đến thị trấn Cát Bà và đến năm 2009, xã xa nhất là Việt Hải đã có điện.
Công nhân Điện lực Hải Phòng kéo dây cáp đưa điện ra xã Việt Hải
|
Từ khi có điện lưới quốc gia, các ngành kinh tế, dịch vụ, đặc biệt là lĩnh vực du lịch trên huyện đảo phát triển mạnh. Trước năm 1998, trung bình du lịch Cát Bà chỉ đón khoảng trên 120.000 lượt khách/năm. Nhưng đến năm 2008, con số này đã tăng lên 1 triệu khách/năm và đến năm 2011 là 1,2 triệu lượt khách/năm. Thu nhập của người dân cũng tăng lên đáng kể, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của ngành Điện.
Ông Nguyễn Quốc Vinh - Giám đốc điều hành Khu nghỉ mát Cát Bà Island Resort & Spa cho hay: Năm 2006, khi mới đầu tư vào lĩnh vực du lịch tại đảo Cát Bà, việc kinh doanh của tôi gặp một số khó khăn, trong đó có yếu tố nguồn điện chưa ổn định. Tuy nhiên, nhờ có sự quan tâm của ngành Điện, đặc biệt là từ tháng 3/2011 khi Cát Bà được bổ sung thêm nguồn điện 110 kV từ thị trấn Cát Hải, máy móc, trang thiết bị, chất lượng dịch vụ đã được cải thiện đáng kể. Vì vậy có thể khẳng định, điện là một khâu quan trọng trong phát triển du lịch đối với khu nghỉ mát của tôi nói riêng và Cát Bà nói chung.
ª Năm 1991 - 1993: Đưa điện lưới quốc gia ra thị trấn Cát Hải, gồm 30 km đường dây 35 kV, 1 TBA trung gian 35/10 kV, tổng vốn đầu tư gần 20 tỷ đồng.
ª Năm 1995 – 1998: Đưa điện lưới quốc gia ra đảo Cát Bà, gồm 30 km đường dây 35 kV, tổng vốn đầu tư trên 40 tỷ đồng.
ª Năm 2010: Đấu nối đường dây 110 kV Chợ Rộc (Quảng Ninh) - Cát Hải (Hải Phòng), vốn đầu tư 40 tỷ đồng.
|