Hàn Quốc: Nhân viên văn phòng 'sốc' khi nhìn thấy hóa đơn tiền điện

Một số người dân tại Hàn Quốc đang cảm thấy sốc khi phải đối mặt với tình trạng "bùng nổ” hóa đơn tiền điện. Nguyên nhân là do mức sử dụng điện tăng đột biến trong tháng 9 của nhiều hộ gia đình khi điều hòa phải chạy liên tục trong thời tiết nắng nóng kéo dài trên 30 độ C.

Đợt nắng nóng kéo dài khiến hóa đơn tiền điện tại nhiều gia đình tăng đột biến tại Hàn Quốc. Người dân trong nước bày tỏ sự lo ngại và mong muốn chính phủ kéo dài thời gian áp dụng giảm bậc giá điện.

"Dù có bật máy điều hòa một chút, nhưng tôi không ngờ tiền điện tháng 9 năm nay lại gần 3 triệu đồng" - Chị Yoon, một người nội trợ sống tại một căn hộ ở quận Gangnam, Seoul, đã rất ngạc nhiên khi nhận được hóa đơn tiền điện vào ngày 20 vừa qua. Cụ thể, tiền điện từ ngày 17/8 đến 16/9, dựa trên ngày kiểm tra đồng hồ điện (16/9), đã lên tới 2,7 triệu đồng (quy đổi theo tỷ giá đồng Won ở thời điểm hiện tại), tăng hơn 1 triệu đồng so với cùng kỳ năm ngoái.

Thời tiết nắng nóng kỷ lục gây ra hóa đơn điện "khủng" trong tháng 9

Theo Sở Giao dịch Điện lực Hàn Quốc, vào ngày 11/9, khi nhiệt độ tại Seoul đạt mức 34,1 độ C, nhu cầu sử dụng điện trên toàn quốc đã đạt 98,5GWh, cao nhất từ trước đến nay trong tháng 9. Nắng nóng kỷ lục tiếp tục kéo dài từ tháng 8 và suốt kỳ nghỉ lễ Trung thu, khiến nhiều gia đình phải bật điều hòa suốt đêm.

Kể từ giữa tháng 8/2024, nhiều cư dân sống trong các khu chung cư đã cực kỳ choáng váng khi nhận hóa đơn tiền điện. Đặc biệt là ở những hộ gia đình 1 người sử dụng máy điều hòa cũ, hiệu suất thấp. Anh Park, 29 tuổi, nhân viên văn phòng sống tại một căn studio ở Seongnam, tỉnh Gyeonggi-do, chia sẻ: “Tiền điện tháng 9 của tôi lên tới gần 3 triệu đồng, cao hơn khoảng 400 nghìn đồng so với tháng 8, mặc dù tôi đã vắng nhà một tuần vào đầu tháng 8. Điều này thật khó hiểu khi hóa đơn tháng 9 của nhà tôi lại cao hơn tháng 8.”

Lý do khiến nhiều người dân bất ngờ khi nhận hóa đơn tiền điện tháng này là do chính sách mở rộng các bậc tính tiền điện chỉ được áp dụng trong hai tháng 7 và 8. Trước đó, chính phủ Hàn Quốc đã đưa vào áp dụng chế độ tính tiền điện lũy tiến 3 bậc từ năm 2018, trong đó tháng 7, tháng 8 hàng năm sẽ tạm thời mở rộng các bậc này để giảm gánh nặng tiền điện cho người dân khi nhu cầu sử dụng điều hòa tăng cao trong mùa hè. Thông thường, các bậc lũy tiến tính tiền điện sẽ được áp dụng ở mức 200kWh và 400kWh. Nhưng vào mùa hè, các giới hạn này sẽ nâng lên 300kWh và 450kWh. Có nhiều quan điểm cho rằng, những hộ gia đình có ngày kiểm tra đồng hồ điện vào cuối tháng - tức phần lớn số điện tiêu thụ được tính vào tháng 9 sẽ phải chịu gia tăng chi phí đáng kể.

Cần cải thiện hệ thống để đồng bộ ngày kiểm tra đồng hồ điện

Năm 2018, Ủy ban Thương mại Công bằng Hàn Quốc (KFTC) đã khuyến cáo Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc (KEPCO) về việc xây dựng một hệ thống đồng bộ ngày kiểm tra đồng hồ để tránh sự chênh lệch hóa đơn do ngày kiểm tra khác nhau. Khi đó, người dân có thể thay đổi ngày kiểm tra thông qua trang web hoặc trung tâm chăm sóc khách hàng của KEPCO. Tuy vậy, tại các khu chung cư lớn có hệ thống quản lý riêng, bao gồm cả quản lý điện thì việc thay đổi ngày kiểm tra cho từng hộ gia đình tại đây là điều gần như không thể.

Với thực tế việc biến đổi khí hậu khiến các đợt nắng nóng hàng năm kéo dài đến tháng 9, nhiều ý kiến cho rằng chính phủ Hàn Quốc nên mở rộng thời gian áp dụng chế độ “giảm giá điện mùa hè” không chỉ cho hai tháng 7,8 mà nên áp dụng cho cả tháng 9. Trước tình hình đó, Cơ quan Khí tượng Hàn Quốc đã ra thông báo sẽ bắt đầu điều chỉnh lại độ dài các mùa ở Hàn Quốc để thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu - thời tiết bị kéo dài hơn 13 ngày so với trước đây.

Tuy nhiên, cũng có quan điểm phản đối cho rằng nếu mở rộng chế độ “giảm giá điện mùa hè” mà không tăng giá điện hộ gia đình, gánh nặng cho KEPCO – vốn đã chịu lỗ nặng – sẽ tăng lên, và điều này có thể khuyến khích việc tiêu thụ điện năng của người dân Hàn Quốc tăng lên.

Theo KEPCO, với mức sử dụng điện trung bình là 363 kWh/hộ gia đình trong tháng 8, hóa đơn sẽ là 1,2 triệu đồng. Với mức sử dụng điện tương tự, chi phí điện tại Nhật Bản và Pháp đang cao gấp đôi, tại Mỹ cao gấp 2,5 lần và tại Đức cao gấp 2,9 lần so với Hàn Quốc. Số hộ gia đình tiêu thụ trên 1000kWh và phải đối mặt với hóa đơn tiền điện "khủng" - khoảng 5,5 triệu đồng đã tăng từ 11.433 hộ trong tháng 8/2020 lên 41.421 hộ vào tháng 8 năm ngoái, tăng gấp 3,7 lần.


  • 24/09/2024 07:58
  • Vũ Mai (theo hankyung.com)
  • 1692