Hóa đơn tiền điện và gas tăng gần gấp đôi ở nhiều nước châu Âu

Chi phí năng lượng của các hộ gia đình trên khắp châu Âu tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021. Cụ thể, hóa đơn gas đã tăng 111% và tiền điện tăng 69%, theo số liệu mới nhất từ báo cáo Chỉ số giá năng lượng hộ gia đình.

Tính trung bình, hóa đơn năng lượng gas và điện đã tăng thêm khoảng 90%, nghĩa là tăng gần gấp đôi so với tháng 10 năm 2021.

Nghiên cứu được công bố đầu tháng 11/2022 bởi cơ quan Quản lý thị trường điện và khí đốt của Chính phủ Áo (Energy-Control Austria), Cơ quan quản lý năng lượng và tiện ích công cộng Hungary (MEKH) và Công ty tư vấn năng lượng VaasaETT. Báo cáo Chỉ số giá năng lượng hộ gia đình đã khảo sát giá khí đốt và điện từ năm 2009 đến tháng 10/2022 tại 33 quốc gia châu Âu, bao gồm các quốc gia thành viên EU cũng như các quốc gia Montenegro, Na Uy, Serbia, Ukraine, Vương quốc Anh và Thụy Sĩ.

Nhà thờ tại Berlin (Đức) tắt bớt đèn, chỉ chiếu sáng một phần

Báo cáo đã nhấn mạnh tác động nặng nề của cuộc chiến tại Ukraine đối với châu Âu; gây ra cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt và đẩy nhiều nền kinh tế vào tình trạng khó khăn. Trong bối cảnh đó, vào tháng 9, Nga thậm chí đã giảm/ngừng cung cấp khí Nord Stream cho châu Âu.

Giá năng lượng gần đây đã tăng đột biến, sau mức tăng kỷ lục vào năm 2021. Các nhà nghiên cứu nhận định, giá năng lượng cao hơn đáng kể so với một năm trước, có thể là do sự kết hợp của nhiều yếu tố như: nhu cầu năng lượng tăng cao liên quan đến sự phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, điều kiện thời tiết bất thường, giá khí đốt tự nhiên cao kỷ lục và các khoản hạn mức phát thải CO2

Từ tháng 10/2021 đến tháng 10/2022, giá trung bình mỗi kWh điện và giá gas tại châu Âu đã tăng đột biến.

Đối với giá điện, khách hàng sử dụng điện phải trả các mức tiền rất khác nhau trên khắp châu Âu. Theo báo cáo, đối với các hộ gia đình châu Âu thì Copenhagen (Đan Mạch) và Rome (Ý) là những thành phố có mức đắt đỏ nhất, tiếp theo là Amsterdam (Hà Lan) và Berlin (Đức).

Trước khủng hoảng năng lượng, thủ đô nước Đức đã tắt đèn tiết kiệm điện ở nhiều địa danh nổi tiếng nhất, chẳng hạn như Đại học Humboldt, Bảo tàng Lịch sử Đức và Cổng Brandenburg. Không chỉ tiết kiệm năng lượng ở thủ đô, chính quyền nhiều địa phương tại Đức đã kêu gọi người dân hạn chế sử dụng nước nóng, tắm bằng nước lạnh.

Những người dân ở Đông và Trung Âu được hưởng mức giá điện rẻ nhất, trong đó người dân Kyiv (Ukraine) chi trả giá ít nhất, tiếp theo là người dân địa phương ở Belgrade (Serbia), Budapest (Hungary) và Podgorica (thủ đô của Montenegro).

Ở Praha (Séc) và Tallinn (thủ đô Estonia), giá điện ở trên mức trung bình của khu vực.

Báo cáo Chỉ số giá năng lượng hộ gia đình cũng đã xem xét các quốc gia riêng lẻ, nêu bật những thay đổi quan trọng nhất về tiền điện trong tháng 10. Ba thủ đô có mức tăng giá nhiều nhất là Dublin (44%), Rome (30%) và Vienna (24%).

Tại thủ đô của Ireland, báo cáo ghi nhận "mức tăng giá đáng chú ý" do giá bán buôn tăng liên tục chưa từng thấy, đặc biệt là đối với khí đốt. Khí đốt tự nhiên cung cấp khoảng 1/3 năng lượng của Ireland, có nghĩa là quốc gia này dễ bị ảnh hưởng trước những cú sốc về giá.

Như vậy, báo cáo lưu ý rằng giá điện hộ gia đình các thủ đô ở châu Âu cơ bản tiếp tục xu hướng tăng trong tháng 10.

 


  • 24/11/2022 11:00
  • PV (lược dịch theo Euronews)
  • 4783