Ông Nguyễn Mạnh Hùng
|
PV: Từ góc độ đại diện người tiêu dùng, ông nhận xét như thế nào về các mức hỗ trợ giảm tiền điện, giảm giá điện?
Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Theo hướng dẫn của Bộ Công Thương, 100% khách hàng sử dụng điện sinh hoạt tương ứng 26,6 triệu hộ gia đình đều được giảm 10% giá điện của bốn bậc thang đầu. Hơn 2 triệu khách hàng sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được giảm 10% giá bán lẻ điện. Các khách hàng là cơ sở lưu trú du lịch đáp ứng điều kiện của Luật Du lịch năm 2017 được chuyển đổi từ giá kinh doanh sang giá sản xuất. Bên cạnh đó, các bệnh viện, cơ sở y tế điều trị COVID-19 và các khu cách ly tập trung cũng được miễn, giảm tiền điện trong thời gian 3 tháng.
Có một số ý kiến cho rằng, giá điện chỉ giảm 10% cho khách hàng sinh hoạt, kinh doanh, sản xuất là còn ít. Tôi không nghĩ như vậy! Bởi lẽ, mục tiêu của chính sách này, phương án này là để giảm bớt phần nào gánh nặng cho doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình trong mùa dịch COVID-19. Dự tính, trong 3 tháng, tổng giá trị hỗ trợ vào khoảng 11.000 tỷ đồng - đây là con số rất lớn.
Chúng ta đều biết, do các yếu tố đầu vào làm cho giá thành sản xuất điện tăng, nên giá bán điện từ trước đến nay chưa giảm lần nào. Đối với đợt giảm giá này, do bối cảnh đại dịch COVID-19 đang gây thiệt hại nghiêm trọng cho kinh tế đất nước, EVN đã đề xuất Chính phủ, Bộ ngành cho phép giảm giá điện cho khách hàng. Tôi đánh giá cao động thái này của EVN. Đây là một hành động thiết thực, thể hiện sự chủ động, trách nhiệm xã hội cao, chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng, góp sức cùng Chính phủ tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội.
Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam hoan nghênh đề xuất này của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
PV: Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 có nhiều diễn biến phức tạp, EVN cũng đang phải đối mặt với nhiều áp lực trong cung ứng điện cho đất nước. Ông đánh giá EVN thực hiện nhiệm vụ này như thế nào?
Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Tôi hiểu sâu sắc rằng, để đảm bảo điện cho đất nước, nhất là trong đại dịch COVID-19, ngành Điện đã phải nỗ lực rất nhiều.
Khi dịch bệnh bùng phát, sản xuất bị ảnh hưởng, sinh hoạt bị đảo lộn. Trong mỗi gia đình, nhu cầu điện cho sinh hoạt khi thực hiện cách ly xã hội sẽ tăng lên. Nhưng quan trọng và cấp bách hơn cả là cung ứng điện cho các cơ sở y tế, bệnh viện - nơi điều trị, cứu chữa bệnh nhân, nhất là những bệnh nhân nặng phải chạy ECMO (tim, phổi nhân tạo), phải thở máy, lọc máu liên tục, thì điện không thể gián đoạn, dù chỉ một giây.
Để cung cấp điện ổn định, liên tục, rõ ràng ngành Điện phải nỗ lực rất nhiều và EVN đã thực hiện tốt nhiêm vụ của mình. Tôi cũng biết rằng, trong lúc này, có rất nhiều CBNV ngành Điện phải xa gia đình để tập trung ở tại nơi sản xuất, thực hiện nhiệm vụ cung ứng điện. Chúng tôi ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực, hy sinh của CBNV ngành Điện.
PV: Xin cảm ơn ông!
N.Hương (thực hiện)
Share