Làm việc với đoàn công tác, về phía EVN có ông Võ Quang Lâm – Phó Tổng giám đốc EVN.
Đoàn công tác của Hội đồng sơ tuyển và Tổ chuyên gia xét Giải thưởng Chất lượng Quốc gia đã đi khảo sát thực tế, đánh giá môi trường làm việc tại trụ sở Tòa nhà EVN (số 11 Cửa Bắc, Ba Đình, Hà Nội). Đoàn công tác cũng đã chia thành các nhóm thảo luận, đánh giá về hoạt động của EVN dựa trên các tiêu chí theo quy định: Lãnh đạo; Chiến lược; Khách hàng; Đo lường, phân tích và quản lý tri thức; Lực lượng lao động; Điều hành; Kết quả hoạt động.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, là lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.
Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng giám đốc EVN phát biểu tại buổi làm việc
|
Trong nhiều năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, EVN đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh, tập trung đầu tư xây dựng phát triển hệ thống điện để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao “Giữ vai trò chính trong việc đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội đất nước”.
Gần 68 năm xây dựng và phát triển, đến nay EVN đã trở thành tập đoàn năng lượng hàng đầu trong nước và khu vực. Tính đến cuối năm 2021, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt 76.620 MW, tăng gần 7.500 MW so với năm 2020, trong đó tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) là 20.670MW, chiếm tỷ trọng 27%.
Quy mô hệ thống điện Việt Nam đã vươn lên đứng đầu khu vực ASEAN về công suất đặt và đường dây truyền tải. Cũng trong khu vực ASEAN, EVN đứng thứ 2 về sản lượng điện thương phẩm; thứ 4 về tổn thất điện năng và chỉ số tin cậy cung cấp điện; thứ 5 về độ tin cậy cung cấp điện và năng suất lao động.
Ông Nguyễn Khắc Sự - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hà Nội (ngoài cùng bên trái) khảo sát nhà ăn dành cho CBCNV của EVN
|
Đặc biệt, chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam năm 2019 đạt 88,2/100 điểm, duy trì thứ hạng 27/190 quốc gia, nền kinh tế trên thế giới và thứ 4 khu vực ASEAN, vượt trước 2 năm so với mục tiêu của Chính phủ. Sau 6 năm (2013-2019), chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam cải thiện 129 bậc, là chỉ số có mức độ cải thiện nhiều nhất và là một trong 3 chỉ số có thứ hạng tốt nhất trong 10 chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam.
EVN cũng đã ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào các hoạt động sản xuất kinh doanh từ nguồn điện, truyền tải, phân phối, điều độ, kinh doanh và dịch vụ khách hàng…
Riêng trong công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng, năm 2021, có tới 99,67% các yêu cầu của khách hàng được EVN tiếp nhận trực tuyến qua 5 Trung tâm chăm sóc khách hàng của ngành Điện, Trung tâm Hành chính công các địa phương, Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
EVN cũng là đơn vị đi đầu cả nước trong việc tổ chức đấu thầu qua mạng và được Cục Quản lý Đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) biểu dương. Năm 2021, tỷ lệ đấu thầu qua mạng tính trên tổng số các gói thầu đấu thầu rộng rãi, hạn chế và chào hàng cạnh tranh đạt trên 99% về số lượng và 60% về giá trị.
EVN cũng đã và đang chuyển đổi số mạnh mẽ. Sau 1,5 năm triển khai Đề án Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam, tính đến ngày 21/8/2022, toàn tập đoàn hoàn thành đạt khối lượng bình quân là 84%. EVN đặt mục tiêu, đến năm 2025, hoàn thành chuyển đổi thành doanh nghiệp số, phát triển các hệ thống điều độ tiên tiến, ứng dụng rộng rãi công nghệ lưới điện thông minh. Sau năm 2025, 100% trạm biến áp 220kV được điều khiển xa và không người trực.
Đoàn công tác tham quan Nhà truyền thống ngành Điện
|
Tại Chiến lược phát triển EVN từ nay đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, EVN đặt ra sứ mệnh trong giai đoạn tới là: Cung cấp điện với chất lượng dịch vụ ngày càng tốt hơn, đồng thời có trách nhiệm với môi trường và cộng đồng. EVN cũng hướng tới là tập đoàn kinh tế hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam và khu vực châu Á.
H.Hoa
Share