Hội nghị công tác phòng chống thiên tai các tỉnh miền núi phía Bắc

Ngày 13/7, tại Lào Cai, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Lào Cai tổ chức Hội nghị công tác phòng chống thiên tai khu vực miền núi phía Bắc năm 2020.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai - Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại hội nghị

 

Dự hội nghị có:

- Ông Nguyễn Xuân Cường - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT

- Ông Nguyễn Hoàng Hiệp – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT

- Ông Đặng Xuân Phong - Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai

- Ông Trần Quang Hoài – Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai

- Về phía EVN có: Ông Ngô Sơn Hải – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn, cùng lãnh đạo Tổng công ty Điện lực miền Bắc, lãnh đạo các công ty thủy điện thuộc EVN tại khu vực này. 

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, từ đầu năm 2020 đến nay, tại các tỉnh miền núi phía Bắc đã xảy ra 92 trận dông, lốc, mưa đá, mưa lớn. Tính đến ngày 9/7/2020, thiên tai đã làm 19 người chết, 79 người bị thương; 1.618 nhà sập, 52.015 nhà bị hư hại, tốc mái; 10.009 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại. Tổng thiệt hại ước tính là 610 tỷ đồng.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong nửa cuối năm, các tỉnh miền núi phía Bắc có mưa, lũ tập trung vào tháng 8 đến giữa tháng 10. Lượng mưa tháng 7 ở mức thấp, khoảng từ 10-25% so với trung bình nhiều năm (TBNN). Đỉnh lũ lớn nhất trên các sông suối từ tháng 7 đến tháng 10 phổ biến ở mức báo động 1 - báo động 2. Lũ quét, sạt lở đất có nguy cơ cao xảy ra tại khu vực vùng núi, đặc biệt khu vực Tây Bắc.

Bão có xu hướng hoạt động muộn hơn so với TBNN. Có khả năng xuất hiện khoảng 11 - 13 cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông, trong đó có 5 - 6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta vào những tháng cuối năm. Bão xảy ra muộn vào thời kỳ các hồ thủy điện đã tích nước, hoàn lưu sau bão thường gây mưa lũ lớn sẽ ảnh hưởng đến an toàn đập và xả lũ ngập lụt hạ du, an toàn hệ thống đê điều.

Ngoài ra, khu vực miền núi phía Bắc có thể còn tiếp tục xuất hiện các hình thái thời tiết nguy hiểm như dông lốc, sét, mưa đá.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường trao Bằng khen của Bộ cho những tập thể, cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác phòng chống thiên tai năm 2019. Trong ảnh: Ông Phạm Hồng Long - Trưởng ban An toàn EVN (thứ 2 từ phải sang) và ông Khương Thế Anh - Giám đốc Công ty Thủy điện Sơn La (ngoài cùng bên phải) nhận Bằng khen của Bộ trưởng. 

Theo báo cáo của Cục trưởng Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường công nghiệp thuộc Bộ Công Thương (ISEA), tính đến tháng 6/2020, khu vực miền núi phía Bắc có 225 hồ chứa thủy điện đã có quy trình vận hành đơn hồ chứa, trong đó có 145 hồ chứa thủy điện nhỏ. Qua công tác quản lý, ISEA đánh giá, các chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện đã thực hiện đúng, đầy đủ trách nhiệm của chủ sở hữu trong công tác vận hành xả lũ, vận hành phát điện bảo đảm an toàn cho vùng hạ du. Các chủ đập, hồ chứa thủy điện đã nghiêm túc thực hiện quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy điện.

Đối với công tác vận hành hồ chứa thủy điện trong mùa mưa bão, ISEA kiến nghị Ban Chỉ đạo Trung ương có ý kiến để Bộ NN&PTNT sớm tham mưu cơ quan có thẩm quyền, hoặc ban hành theo thẩm quyền về cách xác định vùng hạ du đập, hồ chứa thủy điện; rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến việc xây dựng phương án ứng phó thiên tai, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp để xử lý theo hướng chỉ cần xây dựng phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp (bao gồm cả tình huống khẩn cấp do thiên tai hoặc sự cố kỹ thuật công trình hoặc cả hai yếu tố này gây ra); chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh, chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện rà soát tổng thể, xác định trách nhiệm xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ du làm cơ sở để xây dựng phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp.

Kết luận hội nghị, ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cung cấp kịp thời các thông tin về mưa và dòng chảy phía thượng nguồn; cập nhật, nâng cấp bản đồ nguy cơ sạt lở đất đá để cung cấp cho các địa phương trong khu vực.  Viện Vật lý địa cầu tăng cường theo dõi, cung cấp nhanh chóng các bản tin động đất tới các cơ quan chuyên môn, chính quyền và người dân để ứng phó kịp thời. 

Bộ trưởng cũng yêu cầu Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo rà soát, lắp đặt đầy đủ các trang thiết bị theo dõi, quan trắc, giám sát, cảnh báo xả lũ xuống hạ du; phối hợp với địa phương giám sát việc xả lũ theo quy trình đã được phê duyệt. Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẵn sàng theo phương án "4 tại chỗ" để sớm khôi phục hệ thống điện nếu có mưa, bão, lũ ảnh hưởng đến hệ thống điện.


  • 13/07/2020 12:00
  • Huyền Thương
  • 4450