Hội nghị khảo sát các mô hình đối thoại trong doanh nghiệp tại Công đoàn Điện lực Việt Nam

Sáng 14/5, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức Hội nghị khảo sát các mô hình đối thoại trong doanh nghiệp tại Công đoàn Điện lực Việt Nam. Đồng chí Trần Thị Thanh Hà - Trưởng ban Quan hệ Lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị, về phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam có đồng chí Đỗ Đức Hùng, Ủy viên BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam; các đồng chí Phó Chủ tịch: Uông Quang Huy; Đinh Thị Thanh Bình; đồng chí Lê Viết Ngọc, Phó Trưởng ban Tổ chức và nhân sự Tập đoàn; cùng đại diện hai đơn vị tham gia khảo sát là Công đoàn Tổng công ty Phát điện 1 và Công đoàn Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Dương.

Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam Đỗ Đức Hùng phát biểu tại Hội nghị.

Theo Trưởng ban Quan hệ Lao động Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thị Thanh Hà, việc đẩy mạnh công tác đối thoại, thương lượng tập thể được xác định là một trong 3 khâu đột phá của nhiệm kỳ 2023-2028 Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam. Do đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức khảo sát việc thực hiện đối thoại tại 11 liên đoàn lao động tỉnh và công đoàn tập đoàn, tổng công ty, trong đó có Công đoàn Điện lực Việt Nam - đơn vị đang làm rất tốt công tác này.

Kết quả khảo sát tại các đơn vị sẽ được Tổng LĐLĐ Việt Nam lấy làm cơ sở để nghiên cứu, xây dựng Đề án “Thí điểm các mô hình đối thoại cấp ngoài doanh nghiệp” sát với thực tiễn và triển khai thực hiện hiệu quả trong thời gian tới. 

Tại Hội nghị, Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam Đỗ Đức Hùng cho biết, trong những năm gần đây, EVN đã thực hiện tốt việc tổ chức đối thoại, có sự trao đổi thường xuyên giữa người lao động/Công đoàn với Tổng Giám đốc Tập đoàn tại các cuộc họp, nên hầu hết các ý kiến của người lao động đã được Tổng Giám đốc Tập đoàn quan tâm trả lời và giải quyết kịp thời, thỏa đáng. Các ý kiến phát sinh thuộc cấp đơn vị thành viên, đơn vị trực thuộc đã được lãnh đạo các đơn vị giải quyết.

Phó Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam Uông Quang Huy báo cáo đoàn khảo sát về mô hình đối thoại trong doanh nghiệp tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Tổ chức công đoàn các cấp trong hệ thống Công đoàn Điện lực Việt Nam (ĐLVN) đã phối hợp với lãnh đạo chuyên môn cùng cấp triển khai công tác đối thoại có hiệu quả, thực hiện theo Quy chế Dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và quy định về pháp luật lao động. Ngoài nội dung trao đổi thông tin về tình hình sản xuất kinh doanh, nội dung đối thoại chủ yếu về các vấn đề liên quan đến chế độ của người lao động (như: chế độ lương, thưởng; định mức lao động; thời giờ làm việc và nghỉ ngơi đối với người lao động làm việc có tính chất đặc thù…) và điều kiện làm việc (như: xây dựng nhà trực vận hành, dụng cụ làm việc nhằm đảm bảo an toàn và hiệu quả lao động…).

Đề xuất tại Hội nghị, Công đoàn ĐLVN mong muốn Tổng LĐLĐ Việt Nam xem xét có văn bản hướng dẫn một số nội dung trong đối thoại và thương lượng tập thể đối với các Công đoàn Tổng công ty có loại hình doanh nghiệp đặc thù như: vai trò công ty mẹ đối với các đơn vị thành viên/liên kết và ngược lại; nghiên cứ mô hình, cơ cấu tổ chức công đoàn phù hợp với loại hình doanh nghiệp nhà nước có nhiều loại hình doanh nghiệp trong một doanh nghiệp lớn với ban lãnh đạo doanh nghiệp quản lý, chỉ đạo chung.

Trong khuôn khổ chương trình, Công đoàn Tổng công ty Phát điện 1 và Công đoàn Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Dương đã báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện đối thoại tại nơi làm việc giai đoạn 2018 -2023; đồng thời đề xuất một số giải pháp làm tốt hơn công tác này trong thời gian tới.

Đại diện Công đoàn Tổng công ty Phát điện 1 và Công đoàn Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Dương báo cáo tại Hội nghị.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Trưởng ban Quan hệ Lao động Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thị Thanh Hà đánh giá cao việc thực hiện công tác đối thoại trong các cấp công đoàn trực thuộc Công đoàn ĐLVN, đồng thời đề nghị bên cạnh những kết quả đã đạt được, Công đoàn ĐLVN cần mở rộng hơn nữa những nội dung đối thoại giữa công đoàn với lãnh đạo Tập đoàn, tranh thủ sự chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng ủy và Đảng bộ các cấp để tổ chức hoạt động này một cách hiệu quả.

Đồng chí Trần Thị Thanh Hà cũng mong muốn đội ngũ cán bộ công đoàn cần phải tiếp tục nâng cao năng lực, sự hiểu biết trong các lĩnh vực lao động, tiền lương để đủ khả năng đối thoại hiệu quả; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thu thập ý kiến đoàn viên, người lao động; tăng cường công tác giám sát để kịp thời nắm bắt và điều chỉnh phương pháp đối thoại phù hợp; đồng thời làm tốt công tác đào tạo, hướng dẫn cho cán bộ cán bộ công đoàn cơ sở về kỹ năng đối thoại theo hướng sát với điều kiện cụ thể của từng doanh nghiệp, đơn vị.

Căn cứ Điều 63 Bộ luật Lao động 2019 quy định về tổ chức đối thoại tại nơi làm việc như sau:

Đối thoại tại nơi làm việc là việc chia sẻ thông tin, tham khảo, thảo luận, trao đổi ý kiến giữa người sử dụng lao động với người lao động hoặc tổ chức đại diện người lao động về những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích và mối quan tâm của các bên tại nơi làm việc nhằm tăng cường sự hiểu biết, hợp tác, cùng nỗ lực hướng tới giải pháp các bên cùng có lợi.

Đối thoại tại nơi làm việc thường được tổ chức ít nhất 01 năm 1 lần, đồng thời tổ chức khi có yêu cầu của một hoặc các bên; khi có vụ việc cần giải quyết theo quy định.