Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh đồng chủ trì hội nghị.
Về phía EVN, có Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm cùng lãnh đạo Tổng công ty Điện lực miền Nam, Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh.
Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng giám đốc EVN (hàng đầu, thứ ba từ trái sang) dự hội nghị. Nguồn ảnh: https://baophapluat.vn
Báo cáo tại hội nghị, Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm cho biết EVN và các đơn vị đã nỗ lực cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội cả nước nói chung và các tỉnh, thành phía Nam nói riêng. Về điện thương phẩm, 8 tháng đầu năm 2023 toàn EVN đạt 164,66 tỷ kWh, tăng trưởng 2,59% so với cùng kỳ. Trong đó, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) có sản lượng khoảng 55 tỷ kWh, Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh (EVNHCMC) 18,8 tỷ kWh.
Tổng công suất nguồn điện khu vực miền Nam đến nay đạt khoảng 35.000MW. Đối với công tác đầu tư lưới điện truyền tải 220-500kV, EVN và Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đã hoàn thành nhiều công trình quan trọng để đảm bảo cung cấp điện cho các tỉnh miền Nam như: các đường dây 500kV Pleiku – Mỹ Phước – Cầu Bông, Vĩnh Tân – rẽ Sông Mây – Tân Uyên, Sông Mây – Tân Định, Mỹ Tho – Đức Hòa; các trạm biến áp 500kV Sông Mây, Tân Uyên, Mỹ Tho, Chơn Thành; lưới điện 220kV khu vực TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh...
Độ tin cậy cung cấp điện tại các tỉnh, thành phía Nam được đảm bảo. Trong đó, 8 tháng đầu năm 2023, Tổng công ty Điện lực miền Nam thực hiện các chỉ số SAIDI (thời gian mất điện bình quân của một khách hàng) là 143,81 phút, giảm 12,9% so cùng kỳ.
Đối với công tác công tác tiết kiệm điện và điều chỉnh phụ tải (DR), ngay từ đầu năm 2023, các công ty điện lực tỉnh, thành phố đã phối hợp với các Sở Công Thương, các cơ quan ban ngành trên địa bàn tổ chức tuyên truyền, vận động khách hàng sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, xây dựng phương án cung cấp điện tương ứng với các kịch bản tăng trưởng phụ tải và trong tình huống cực đoan của thời tiết, chuẩn bị sẵn sàng thực hiện sự kiện DR khi có yêu cầu vận hành hệ thống điện của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia.
Tại hội nghị, báo cáo của EVN cũng đề cập về một số nội dung liên quan tại các tỉnh, thành phía Nam như: công tác phát triển điện mặt trời mái nhà; công tác quản lý điện nông thôn và tình hình thực hiện Tiêu chí số 4 về điện trong Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2022; công tác phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm sử dụng điện; cung cấp dịch vụ điện trực tuyến; thực hiện thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt; công tác dịch chuyển ngày ghi chỉ số...
Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm, sát sao của các Bộ, ngành, Tỉnh ủy, UBND các tỉnh, thành phía Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị thành viên đã hoàn thành tốt nhiệm vụ cung cấp điện cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Tại hội nghị, Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm trân trọng cảm ơn sự giúp đỡ của các cấp lãnh đạo Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố và mong muốn EVN sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ trong thời gian tới.
Khu vực phía Nam là đầu tàu kinh tế lớn nhất cả nước, phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, bền vững. Trong đó, vùng Đông Nam Bộ (mà hạt nhân là TP. Hồ Chí Minh) là trung tâm lớn, năng động về kinh tế, khoa học công nghệ; vùng Đồng bằng sông Cửu Long là vùng trọng điểm sản xuất lương thực, thủy sản, trái cây, góp phần quan trọng vào đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đóng góp lớn vào xuất khẩu nông, thủy sản của cả nước. Theo Bộ Công Thương, năm 2023 ngành Công Thương các tỉnh, thành khu vực phía Nam phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp toàn khu vực đạt trên 9%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 3.232 nghìn tỷ đồng, tăng 10,85% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa toàn khu vực ước đạt 235,15 tỷ USD.
PV
Share