Dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương còn có các thành viên Ban Chỉ đạo, Ủy ban Quốc gia; lãnh đạo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo, Văn phòng Ủy ban quốc gia; lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố; đại diện các tổ chức quốc tế, đối tác giảm nhẹ thiên tai…
Về phía EVN, Phó Tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải, lãnh đạo Ban An toàn EVN tham dự Hội nghị.
Nắng nóng vượt lịch sử tại nhiều nơi
Theo thống kê của Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai, từ đầu năm 2024 đến nay, một số đợt thiên tai nghiêm trọng đã xảy ra trên cả nước như rét đậm, rét hại tại khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ; hạn hán, xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long; hạn hán khu vực Tây Nguyên; mưa đá, dông lốc liên tiếp xảy ra tại 19 tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ; nắng nóng vượt lịch sử tại 110/186 trạm quan trắc trên cả nước…
Từ đầu năm 2024 đến nay, thiên tai đã làm 14 người chết, mất tích, thiệt hại vật chất ước tính trên 399 tỷ đồng.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu chỉ đạo Hội nghị
|
Theo Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường), từ nay đến cuối năm, tình hình tiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp, cực đoan và khó lường. Tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ nắng nóng đã xảy ra sớm và gia tăng về cường độ từ tháng 4-6/2024. Đáng nói, hiện tượng nắng nóng và nắng nóng gay gắt có khả năng xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm trong tháng 7-8/2024, đề phòng xảy ra nắng nóng đặc biệt gay gắt. Nắng nóng tại khu vực Nam Bộ tiếp tục duy trì nhiều ngày trên khu vực đến khoảng nửa đầu tháng 5/2024.
Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ tình trạng khô hạn còn tiếp diễn trong thời kỳ tháng 4 đến nửa đầu tháng 5/2024. Ở khu vực Trung Bộ khả năng xuất hiện khô hạn kéo dài trong thời kỳ từ 4-8/2024.
Số lượng bão và áp thấp nhiệt đới trên biển Đông xấp xỉ trung bình nhiều năm, với khoảng 11-13 cơn trên biển Đông, trong đó 5-7 cơn đổ bộ vào đất liền. Trên phạm vi cả nước có tiếp tục xảy ra các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như: Dông, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh từ nay cho tới cuối năm 2024.
Đảm bảo bộ máy PCTT&TKCN hoạt động mạnh hơn, hiệu quả hơn
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá cao các cấp, các ngành đã theo dõi sát tình hình; chủ động trong công tác chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả tương đối tốt trên bình diện chung của cả nước so với nhiều năm trước đây; chất lượng dự báo khí tượng thủy văn tiến bộ hơn rất nhiều; cơ chế chính sách có sự điều chỉnh rất kịp thời, nhất là sự ra đời của Luật Phòng thủ dân sự góp phần làm giảm thiểu tối đa thiệt hại của thiên tai, sự cố trong thời gian qua.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới như: Một số nơi chưa thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc; công tác giám sát, dự báo, cảnh báo sớm cũng có những vấn đề cần chấn chỉnh; một số quy định pháp luật chưa thông suốt, còn chồng chéo, hoặc chưa phù hợp...
Đông đảo đại biểu tham dự Hội nghị
|
Để thực hiện tốt công tác PCTT&TKCN trong thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần tập trung chuẩn bị kiện toàn bộ máy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn theo Luật Phòng thủ dân sự, bảo đảm bộ máy mới hoạt động nhanh hơn, mạnh hơn, hiệu quả hơn.
Các bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện việc sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật; mạnh dạn đề xuất các quy định mới nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ, thuận lợi cho công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Cần làm tốt hơn, hiệu quả hơn nữa công tác truyền thông nâng cao nhận thức của tất cả mọi người, trước hết là những người có trách nhiệm…, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng yêu cầu phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đặc biệt là trước mùa mưa lũ; thường xuyên rà soát, tính toán, cập nhật kịch bản ứng phó thiên tai, sự cố cho sát với thực tiễn nhất. Cơ quan dự báo khí tượng thủy văn tiếp tục tăng cường chất lượng dự báo sao cho kịp thời, chuẩn xác nhất có thể.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh sự cần thiết phải cố gắng huy động nguồn lực đầu tư và các nguồn lực khác cho công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, trong đó chú trọng huy động nguồn lực từ xã hội cho công tác khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố trên tinh thần phát huy truyền thống sẻ chia trong lúc khó khăn, hoạn nạn.
Lãnh đạo Chính phủ cũng mong các tổ chức quốc tế tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam, nhất là trong trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm của các quốc gia khác trong công tác PCTT&TKCN.
Thùy Lê
Share