Hồi ức Tết trên công trường xây dựng lưới truyền tải điện

“Mọi công trình truyền tải điện đều cấp bách, thời gian thi công thường liên tục, không có ngày nghỉ. Chính vì vậy, những người xây dựng đường dây truyền tải điện thường không được về quê đón Tết” - Kể lại với chúng tôi về những năm tháng xông pha trên những công trình đường dây, ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, Nguyên Phó Tổng giám đốc EVN chia sẻ.

Từ đường dây quan trọng nhất miền Trung…

Nhớ lại những ngày Tết trên công trường xây dựng đường dây truyền tải điện, ông Trần Viết Ngãi không thể quên được công trình đường dây 220 kV Vinh – Đồng Hới. Vào năm 1985, khi đó miền Trung gần như không có điện, chỉ có các tổ máy diesel tại chỗ cung cấp điện cho các cơ quan hành chính. Lúc đó ông Ngãi là Giám đốc Công ty Xây lắp Đường dây và Trạm 5, được giao nhiệm vụ thi công Đường dây 220 kV Vinh – Đồng Hới, chiều dài 200 km, phải hoàn thành trong vòng 2 năm, 5 tháng. 

Đây là tuyến đường dây truyền tải điện quan trọng ở miền Trung lúc đó, vì có nhiệm vụ truyền tải công suất từ miền Bắc vào miền Trung. Việc thi công công trình với cung đoạn từ Vinh đến Hà Tĩnh và từ Hà Tĩnh đến vị trí cột bên bờ sông Gianh tỉnh Quảng Bình đều diễn ra suôn sẻ. Nhưng căng thẳng nhất là công đoạn kéo dây vượt sông Gianh với chiều rộng khoảng 1,2 km và chiều dài khoảng cách cột 1,8 km mà không được để bị dính nước mặn từ cửa biển, ảnh hưởng đến chất lượng dây dẫn. 

Trong suy nghĩ của mình, ông Ngãi cho rằng, đây thực sự là vấn đề đau đầu, bởi lúc đó đã là ngày 26 tháng Chạp năm Đinh Mão (1987), tiến độ thi công đang gấp rút. Sau 2 đêm suy nghĩ, ông quyết định trao đổi với lãnh đạo huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình mượn thuyền của người dân làng chài neo lại để kéo dây qua sông. 

Ông Trần Viết Ngãi - Phó Trưởng Ban chỉ đạo công trình đường dây siêu cao áp 500 kV Bắc - Nam, Giám đốc Công ty Xây lắp điện 3 giới thiệu về thiết bị an toàn lao động với Thủ tướng Võ Văn Kiệt 

“Với sự giúp sức của chính quyền địa phương, chúng tôi đã mượn được 450 thuyền của một làng chài phục vụ cho kéo dây. Ngay trong những ngày Tết, chúng tôi huy động 70 xe tải ra Thanh Hóa mua 20 vạn cây luồng neo lại giữ cho thuyền không bị tròng trành, tạo thành một chiếc cầu bắc qua sông, khi kéo dây không bị dính nước. Lúc đó 2 bên bờ sông Gianh như đại công trường, tôi đến động viên công nhân tích cực thi công, tập trung vào công việc, quên bớt nỗi nhớ nhà trong những ngày Tết. Kết quả,  đường dây được kéo từ 6h sáng đến 3h chiều ngày mùng 3 Tết thì hoàn thành trong tiếng reo hò vui sướng của công nhân trên công trường vì đã vượt qua được khó khăn”, ông Ngãi chia sẻ.

Đây là bước ngoặt quan trọng để toàn tuyến hoàn thành ngày 6/7/1988, vượt trước tiến độ 4 tháng so với kế hoạch, đồng thời là tiền đề quan trọng để các tỉnh miền Trung được sử dụng điện lưới quốc gia.

…Đến đường dây siêu cao áp mạch 1

Tuy nhiên, đối với ông Ngãi, gian nan vất vả nhất chính là việc thi công đường dây 500 kV Bắc - Nam mạch 1 trong giai đoạn 1992 - 1994. Tết Tân Mùi năm 1991, Thủ tướng Võ Văn Kiệt gặp lãnh đạo Bộ Năng lượng và lãnh đạo một số doanh nghiệp trong đó có ông, lúc đó là Giám đốc Công ty Xây lắp điện 3. Thủ tướng đặt vấn đề, miền Nam đang thiếu điện, miền Bắc thừa điện, Bộ Năng lượng phải tìm cách đưa điện từ Bắc vào Nam trong thời gian 2 năm.

Nhận được chủ trương của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Vũ Ngọc Hải đã cho triển khai ngay các thủ tục xây dựng đường dây cao áp 500 kV đưa điện từ miền Bắc vào miền Nam. Đây là lần đầu tiên Việt Nam xây dựng đường dây cao áp 500 kV dài gần 1.500 km, trong lúc đó trên thế giới đường dây dài nhất cũng chỉ từ 700 - 800 km và phải xây dựng trong 7-8 năm.

Công trình được chia thành 4 cung đoạn. Trong đó, cung đoạn 2 từ Hà Tĩnh đến Kon Tum dài 624 km do ông Ngãi làm Tổng chỉ huy là cung đoạn khó khăn, phức tạp nhất. Có khoảng 400 km đồi núi, rừng già cùng với nhiều khoảng vượt sông lớn như sông Lam, sông Gianh, sông Thạch Hãn… Trong nhiều cuộc họp giao ban, nói về tiến độ công trình đường dây 500 kV, Thủ tướng Võ Văn Kiệt luôn nhắc: “Nếu cung đoạn của Công ty Xây lắp điện 3 xong thì toàn tuyến coi như xong”.

Hàng trăm chiếc thuyền đánh cá được ghép lại để kéo dây vượt sông Gianh đưa điện từ miền Bắc vào miền Trung 

Trong cung đoạn này, đoạn từ đèo Hải Vân đến đèo Lò Xo là “cam go nhất”. Ở đây, rừng già mênh mông, từ quốc lộ 14 đi vào vị trí đúc móng dài tới 30 km, mà không có cách nào vào được. Chính phủ phải huy động Quân khu 4,5,7, Binh đoàn 15, 12, Quân đoàn 3… đi dọn hành lang tuyến thi công. Việc tập kết vật liệu như sỏi đá, xi măng… vận chuyển lên đỉnh núi vô cùng gian nan, vất vả. Có vị trí không thể dùng máy móc đưa vật tư lên được, anh em công nhân và cả người dân địa phương phải gùi từng cân xi măng, sắt thép, cát, đá, từng can nước lên đỉnh núi cheo leo phục vụ đúc móng tại đỉnh đèo Lò Xo, Hải Vân, đồi núi Đại Lộc, Giằng, Khâm Đức… và có cả sự hi sinh, mất mát trên tuyến đường này.
Ông Ngãi nhớ lại, dịp Tết năm 1993, việc cung cấp thiết bị cũng như thi công công trình vẫn đảm bảo tiến độ. Duy nhất có dây cáp quang do Việt Nam ký hợp đồng với Nhật Bản chậm 6 tháng. Phát hiện ra vấn đề này, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã cử ông sang Nhật Bản giải quyết. Nhờ cách ngoại giao và quan hệ tốt, việc xử lý tiến độ cung cấp cáp quang đã được giải quyết kịp thời. 

“Trong 2 năm, cả ngày lẫn đêm, ngày nghỉ, ngày lễ, mưa rét, bão lụt, mọi người đều tập trung công sức đẩy nhanh tiến độ thi công đảm bảo đúng yêu cầu của Thủ tướng. Cán bộ công nhân trong 2 năm đó đều sống trong các lán trại tạm bợ, hoặc ở nhờ nhà dân, không kể muỗi đốt, rắn cắn, sốt rét và kể cả hy sinh tính mạng. Lực lượng hậu cần vận chuyển lương thực, thực phẩm cho hàng vạn người lao động trên các vùng đồi núi, sông suối vô cùng khó khăn gian khổ. Tuy nhiên, những động viên kịp thời bằng vật chất và tinh thần của Chính phủ, các bộ, ban ngành, sự quyết tâm của cán bộ, công nhân trên đại công trường, cuối cùng, công trình đường dây 500 kV mạch 1 Bắc - Nam đã hoàn thành đúng kế hoạch” - ông Ngãi chia sẻ. 


  • 28/01/2017 08:20
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 13368