Trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng hiện nay, khi rất nhiều các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam đang nỗ lực thực hiện các biện pháp cắt giảm phát thải khí nhà kính hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, giảm phát thải đã trở thành yêu cầu bắt buộc đối với doanh nghiệp. Giảm phát thải không chỉ nhằm giảm thiểu tác hại tới môi trường và hướng tới phát triển bền vững mà còn để đáp ứng tiêu chuẩn xanh của quốc gia nhập khẩu.
Phát biểu tại Diễn đàn “Phát thải ròng bằng 0 (NetZero 2050): Từ cam kết đến hành động”, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường cho rằng, kể “từ khi có COP26, đến nay, về cơ bản chính sách của chính phủ đã có hành động cụ thể, giao cho các bộ ngành liên quan với các chương trình hành động cụ thể. Đó là hành động về mặt chính cách, tuy nhiên quá trình thực hiện còn gặp nhiều khó khăn. Việt Nam là một trong những nước cam kết đi đầu trong chương trình hành động này. Quan trọng nhất là cam kết hành động của nhà quản lý, doanh nghiệp, các đơn vị liên quan”.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng, Việt Nam cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 là xu thế để hướng tới phát triển "xanh."
Vì thế, trách nhiệm của cộng đồng và doanh nghiệp trong việc thực hiện mục tiêu trên là vấn đề đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Việt Nam cùng thế giới chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu. Đây cũng là những hành động thiết thực nhằm thực hiện chính sách cũng như chỉ đạo của Đảng và Nhà nước.
Nói thêm về vấn đề này, ông Lương Quang Huy, Trưởng phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone (Cục Biến đổi khí hậu) cho biết theo Nghị định 06/2022-NĐ-CP và Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, có 3 điều về ứng phó với biến đổi khí hậu giao Chính phủ quy định chi tiết về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Theo đó, mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định. Trong đó, lộ trình chia theo 2 giai đoạn từ nay đến hết năm 2025 và từ năm 2026 đến hết năm 2030. Từ năm 2026 đến hết năm 2030 sẽ thực hiện các biện pháp thực hiện giảm nhẹ phát thải theo kế hoạch.
Để thực hiện các quy định trên, hơn 1.900 doanh nghiệp (thuộc các ngành công thương, xây dựng, giao thông vận tải, tài nguyên và môi trường) sẽ phải cung cấp số liệu hoạt động, thông tin liên quan phục vụ kiểm kê khí nhà kính của cơ sở của năm trước kỳ báo cáo theo hướng dẫn của bộ quản lý lĩnh vực trước ngày 31/3/2023.
Trước đó, ngày 30/3 Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) phối hợp cùng Quỹ xúc tác tài chính xanh ASEAN (ACGF) đã tổ chức Hội thảo giải pháp phát triển Đông Nam Á (SEAD) năm 2023 với chủ đề “Hình dung về một ASEAN có mức phát thải ròng bằng 0” tại Bali.
Hội thảo quy tụ khoảng 500 đại biểu tham dự trực tiếp và hơn 5.000 đại biểu tham dự trực tuyến, thảo luận về những cách thức thiết thực nhằm đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 trong khu vực.
Với thông điệp "Imagining a Net-Zero ASEAN - Hướng tới một ASEAN có mức phát thải ròng bằng 0", Hội thảo tập trung vào các nội dung: Việc triển khai các công nghệ mới nhằm giảm thiểu và thích ứng với khí hậu; phương án bảo đảm các thành phố có khả năng thích ứng với khí hậu; xanh hóa và tái định hình chuỗi giá trị toàn cầu; xu hướng sử dụng năng lượng sạch; bảo đảm người nghèo và người dễ bị tổn thương được hưởng lợi từ Net-Zero ASEAN; giảm thiểu tác động của khí hậu đối với sức khỏe; Net zero và nền kinh tế xanh; du lịch thân thiện với khí hậu.
Theo Chủ tịch ADB Masatsugu Asakawa, biến đổi khí hậu là vấn đề cấp bách nhất mà Đông Nam Á đang phải đối mặt và điều quan trọng là các nước phải hợp tác cùng nhau để xây dựng các giải pháp sáng tạo nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của khu vực sang trung hòa carbon, đồng thời đảm bảo tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, bền vững và bao trùm.
Trong đó, ADB đã tăng cường vai trò là Ngân hàng Khí hậu châu Á và Thái Bình Dương. Tham vọng của ADB là cung cấp 100 tỷ USD tài chính khí hậu từ năm 2019 đến năm 2030, đồng thời triển khai các nền tảng “thay đổi cuộc chơi” để mở rộng quy mô tài chính khí hậu.
Tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), ADB cùng các đối tác đã khởi động Quan hệ Đối tác Đông Nam Á về cơ chế chuyển đổi năng lượng (ETM) nhằm đẩy nhanh việc sớm ngừng hoạt động đối với các nhà máy nhiệt điện chạy than; hỗ trợ lắp đặt các nguồn năng lượng tái tạo; cũng như giúp đảm bảo quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng để bảo vệ người nghèo và những người dễ bị tổn thương.
Theo Báo cáo kiểm kê khí nhà kính quốc gia gần đây nhất do Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện năm 2016, tổng lượng khí thải cả nước là 316 triệu tấn CO2 tương đương, và dự kiến sẽ tăng lên 928 triệu tấn CO2 tương đương vào năm 2030 và 1,5 tỷ tấn CO2 tương đương vào năm 2050 theo kịch bản phát triển thông thường.
Kể từ năm 2000, lượng khí thải từ các hoạt động năng lượng (bao gồm giao thông vận tải, công nghiệp và dân cư) tăng nhanh, chiếm 65% tổng lượng khí thải vào năm 2016. So với các nước láng giềng trong khu vực Đông Nam Á, cường độ phát thải trên một đơn vị GDP của Việt Nam khá cao, khoảng 0,35 kg CO2 /1USD.
|
Link gốc