Những thông số đầy hứa hẹn từ bài phân tích và đánh giá của trang tin Triển vọng Năng lượng thế giới (WEO) đã mô tả và dự báo về hệ thống năng lượng vào năm 2030, thời điểm các công nghệ năng lượng sạch đóng vai trò lớn hơn đáng kể so với thời điểm hiện tại.
Cụ thể, số lượng ô tô điện hoạt động trên toàn thế giới tăng gần gấp 10 lần; các trang trại điện mặt trời tạo ra nhiều điện hơn toàn bộ hệ thống điện của Hoa Kỳ hiện nay; thị phần của năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện toàn cầu đạt gần 50%, tăng từ mức khoảng 30% hiện nay và đầu tư vào các dự án điện gió ngoài khơi mới sẽ tăng gấp ba lần so với đầu tư vào các nhà máy nhiệt điện than và khí đốt mới.
Tất cả những mức tăng dự kiến được đưa ra dựa trên các thiết lập chính sách hiện tại của các chính phủ trên thế giới. Nếu các quốc gia thực hiện cam kết về năng lượng và khí hậu quốc gia đúng thời hạn theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu thì tiến trình phát triển của năng lượng sạch còn nhanh hơn nữa.
IEA cho biết vẫn cần các biện pháp mạnh mẽ hơn nữa để duy trì mục tiêu hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C trước dự báo lượng phát thải carbon dioxide (CO2) liên quan đến năng lượng toàn cầu sẽ đạt đỉnh vào năm 2025. Nếu thuận lợi, tỷ lệ nhiên liệu hóa thạch trong nguồn cung cấp năng lượng toàn cầu, vốn chiếm khoảng 80% trong nhiều thập kỷ, sẽ giảm xuống còn 73% vào năm 2030.
Để đảm bảo những số liệu trong Báo cáo Triển vọng Năng lượng Thế giới 2023 của IEA thành hiện thực, WEO đã đề xuất một chiến lược toàn cầu nhằm đưa thế giới đi đúng hướng vào năm 2030, bao gồm năm điểm chính.
Đó là: Tăng gấp ba lần công suất các nguồn năng lượng tái tạo toàn cầu; Tăng gấp đôi tốc độ cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng; Giảm 75% lượng khí thải mêtan từ hoạt động sử dụng nhiên liệu hóa thạch; Các cơ chế tài chính đổi mới, quy mô lớn nhằm tăng gấp ba lần đầu tư vào năng lượng sạch ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển; Các biện pháp nhằm đảm bảo giảm việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch một cách có trật tự, bao gồm cả việc chấm dứt phê duyệt mới đối với các nhà máy điện than.
Một trang trại điện gió và điện mặt trời tại Đức (ảnh Andreas Gücklhorn)
|
IEA cho biết các dự án khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) mới đi vào hoạt động từ năm 2025 sẽ bổ sung hơn 250 tỷ mét khối mỗi năm vào năm 2030, tương đương với khoảng 45% tổng nguồn cung LNG toàn cầu, điều này giảm bớt lo ngại về giá và nguồn cung khí đốt, nhưng cũng có nguy cơ tạo ra tình trạng dư thừa nguồn cung, do tốc độ tăng trưởng nhu cầu khí đốt toàn cầu đã chậm lại đáng kể so với năm 2010.
WEO khẳng định tiềm năng phát triển mạnh mẽ của điện mặt trời trong thập kỷ này. Năng lượng tái tạo dự kiến sẽ đóng góp 80% công suất phát điện mới đến năm 2030 theo các chính sách hiện hành, trong đó năng lượng mặt trời chiếm hơn một nửa mức tăng trưởng này.
“Dự kiến sẽ có hơn 1.200 GW tấm pin quang điện được sản xuất mỗi năm, giúp đạt mục tiêu triển khai 800 GW công suất điện mặt trời mới vào cuối năm 2030 nếu các kịch bản dựa trên các chính sách hiện nay diễn ra suôn sẻ”, IEA cho biết.