IEA kêu gọi các nước tăng tốc triển khai năng lượng tái tạo

Một báo cáo mới đây của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho thấy thế giới có thể bỏ lỡ mục tiêu 11.000 GW công suất năng lượng tái tạo toàn cầu vào cuối thập kỷ này, như đã thỏa thuận tại COP28. Đồng thời dự đoán rằng năng lượng mặt trời sẽ trở thành nguồn năng lượng tái tạo được lắp đặt lớn nhất thế giới, vượt qua thủy điện.

IEA cho biết tốc độ triển khai cần phải tăng tốc ở hầu hết các khu vực và các quốc gia, bao gồm Liên minh châu Âu, Mỹ và Ấn Độ. Báo cáo lưu ý sự cần thiết phải triển khai nhiều hơn ở Đông Nam Á, Trung Đông, Bắc Phi và Châu Phi cận Sahara. Đồng thời xác định việc mở rộng năng lượng tái tạo của Trung Quốc là rất quan trọng, quốc gia này hiện đang trên đà vượt mục tiêu năm 2030 gấp 2,5 lần.

Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol cho biết: “Bằng cách thực hiện các mục tiêu đã thống nhất tại COP28 - bao gồm tăng gấp ba lần năng lượng tái tạo và tăng gấp đôi cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng vào năm 2030 - các quốc gia trên toàn thế giới có cơ hội lớn để đẩy nhanh tiến trình hướng tới một hệ thống năng lượng an toàn hơn, giá cả phải chăng và bền vững hơn”. “Báo cáo này nêu rõ rằng mục tiêu tăng gấp ba lần là đầy tham vọng nhưng có thể đạt được - chỉ khi các chính phủ nhanh chóng biến lời hứa thành kế hoạch hành động”.

Dự đoán năng lượng mặt trời sẽ trở thành nguồn năng lượng tái tạo được lắp đặt lớn nhất thế giới. Nguồn ảnh: Internet

Báo cáo cho biết, việc bổ sung năng lượng tái tạo hàng năm đã tăng gấp ba lần kể từ khi Thỏa thuận Paris được ký kết vào năm 2015. IEA cho rằng điều này là do hỗ trợ chính sách, tính kinh tế theo quy mô và tiến bộ công nghệ.

IEA dự đoán rằng nếu các quốc gia đạt được tham vọng của mình vào năm 2030, công suất năng lượng mặt trời được lắp đặt sẽ vượt qua thủy điện để trở thành nguồn công suất tái tạo được lắp đặt lớn nhất thế giới.

Báo cáo đã xác định những thách thức chính đối với việc triển khai năng lượng tái tạo, bao gồm thời gian chờ cấp phép kéo dài, đầu tư không đủ vào cơ sở hạ tầng lưới điện, nhu cầu tích hợp nhanh chóng và hiệu quả về mặt chi phí của các nguồn năng lượng tái tạo có thể thay đổi, chi phí tài chính cao, đặc biệt là ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Đồng thời kêu gọi giảm chi phí tài chính để cải thiện khả năng vay vốn của các dự án tái tạo và hỗ trợ các dự án trong giai đoạn tiền phát triển.

Tháng 4 vừa qua, IEA cũng đã kêu gọi tăng gấp sáu lần khả năng lưu trữ năng lượng toàn cầu để giúp thế giới đạt được các mục tiêu vào năm 2030.


  • 21/06/2024 05:51
  • PV (Theo pv-magazine.com)
  • 2743