Mang tiện ích đến với khách hàng
Ông Lê Minh Quốc Việt, Giám đốc PC Bình Dương, cho biết ngành điện đã ứng dụng số trong tất cả các hoạt động sản xuất, kinh doanh của hệ thống phần mềm dùng chung và cơ bản thống nhất nghiệp vụ trên từng lĩnh vực hoạt động, đáp ứng công tác quản lý về các lĩnh vực, như: Kinh doanh, tài chính kế toán, vật tư tài sản, quản lý kỹ thuật, quản lý nhân sự, quản trị văn phòng...
Hiện nay, việc vận động khách hàng sử dụng điện tiếp cận nền tảng số của ngành điện thông qua các ứng dụng tiện ích như chăm sóc khách hàng (CSKH) trên Zalo của Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) và ứng dụng app EVNSPC CSKH)... Tính đến tháng 4-2024, toàn PCBD có gần 599.593 khách hàng, trong đó có 348.021 khách hàng đăng ký sử dụng ứng dụng CSKH trên Zalo, chiếm 58,04% và 214.651 khách hàng sử dụng ứng dụng EVNSPC CSKH trên thiết bị di động thông minh, chiếm 35,80% số khách hàng sử dụng điện trên địa bàn.
Khách hàng đã thực hiện cài đặt các ứng dụng tiện lợi, cụ thể trong lĩnh vực dịch vụ, kinh doanh, khách hàng thông qua những ứng dụng, như: Cấp điện điện tử, hợp đồng điện tử, ghi chỉ số và lập hóa đơn, tra cứu công nợ… Ngoài ra, 100% khách hàng sử dụng điện thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt thông qua các ứng dụng như ví điện tử, chuyển khoản, ủy nhiệm thu, trích nợ tự động…
Đáp ứng mục tiêu xây dựng xã hội số, kinh tế số
Thời gian qua, ngành Điện Bình Dương không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ, hoàn thiện và đa dạng các ứng dụng tiện ích, đặc biệt là các kênh CSKH trực tuyến. Cụ thể, đối với 2 loại hình dịch vụ là cấp điện mới từ lưới điện hạ áp và thay đổi chủ thể hợp đồng mua bán điện bằng nhiều hình thức tiếp nhận, như: Tổng đài 19001006 và 19009000; website CSKH trực tuyến, cskh.evnspc. vn, Email, Zalo, ứng dụng CSKH trên thiết bị di động, Cổng dịch vụ công quốc gia… Đến nay, tỷ lệ khách hàng giao dịch trực tuyến 2 loại hình dịch vụ trên qua các kênh của ngành điện và qua Cổng dịch vụ công quốc gia đạt 100%.
Việc xây dựng nền tảng số của ngành điện nói chung và của PCBD được triển khai đồng bộ với giải pháp tối ưu, tiết kiệm chi phí, phù hợp với yêu cầu phát triển công nghệ thông tin, như: Hệ thống thông tin tập trung, hệ thống mạng cáp quang tốc độ cao với các thiết bị truyền dẫn dung lượng lớn, hệ thống lưu trữ với tính năng sẵn sàng cao, hệ thống bảo mật thông tin từng bước được hoàn thiện, bảo đảm tính bảo mật cao. Đặc biệt, ngành điện đã áp dụng công nghệ ảo hóa cho hệ thống máy chủ, đem lại nhiều lợi ích như tăng tính di động; việc quản lý và chia sẻ tài nguyên tốt hơn, đáp ứng yêu cầu xã hội số, kinh tế số.
Đến nay, PC Bình Dương đã hoàn thành việc triển khai đến khách hàng sử dụng dịch vụ trực tuyến, số khách hàng tham gia giao dịch trực tuyến đạt 99,47%, 100% hồ sơ công việc trong lĩnh vực kinh doanh, CSKH được xử lý trên mạng theo phương thức điện tử, số hóa. Từ đó, giải quyết kịp thời các yêu cầu, kiến nghị của khách hàng.
Theo ghi nhận từ khách hàng sử dụng điện, kênh cung cấp dịch vụ của ngành điện lực đơn giản, nhanh chóng và khách hàng có thể tìm hiểu, nắm rõ thêm các quy định liên quan đến yêu cầu cần giải quyết, tiết kiệm thời gian. PC Bình Dương tiếp tục tiếp cận và vận dụng những thành tựu của khoa học, đẩy mạnh nền tảng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh và điều hành một cách sâu rộng, hiệu quả góp phần hoàn thành xuất sắc mọi chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, đáp ứng mọi nhu cầu về điện cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Từ năm 2022 đến cuối tháng 4-2024, tổng số hồ sơ tiếp nhận trực tuyến dịch vụ cấp điện mới từ lưới điện hạ áp là 54.917 hồ sơ, trong đó tiếp nhận qua các kênh dịch vụ điện lực 36.530 hồ sơ, chiếm tỷ lệ 66,5% và qua Cổng dịch vụ công quốc gia là 18.387 hồ sơ, chiếm tỷ lệ 33,5%. Tổng số hồ sơ tiếp nhận trực tuyến dịch vụ thay đổi chủ thể, hợp đồng mua bán điện là 19.097 hồ sơ, trong đó qua các kênh dịch vụ điện lực là 16.791 hồ sơ, chiếm tỷ lệ 87,9% và qua Cổng dịch vụ công quốc gia là 2.306 hồ sơ, chiếm tỷ lệ 12,1%. |
Link gốc