Khai thác thủy điện vừa vào nhỏ: Hướng đi nào bền vững?

Theo đánh giá của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, nước ta còn nhiều tiềm năng phát triển thủy điện vừa và nhỏ, bổ sung sản lượng điện thiếu hụt trong những năm tới. Tuy nhiên, để khai thác nguồn điện này một cách bền vững, đảm bảo hài hòa các lợi ích, thì không phải là chuyện đơn giản.

Tiềm năng còn gần 4.000 MW

Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết, hiện nay, các nguồn năng lượng hóa thạch như than, khí đốt… ngày càng cạn kiệt, điện hạt nhân đã tạm dừng. Để đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đến năm 2020, ngành Điện cần bổ sung gần 100 tỷ kWh điện, năm 2030 bổ sung 300 tỷ kWh.

Cũng theo ông Ngãi, tổng công suất các nguồn thủy điện hiện nay khoảng 18.000 MW với sản lượng khoảng 70 tỷ kWh/năm. Các nguồn thủy điện lớn đến nay hầu như đã khai thác hết. Theo số liệu của Bộ Công Thương, trong quy hoạch tổng thể, có 824 dự án thủy điện. Trong đó, đã khai thác 343 dự án (tổng công suất 17.987 MW); đang thi công 165 dự án (tổng công suất 3.348 MW); đang nghiên cứu 260 dự án (tổng công suất 3.050 MW); còn lại 56 dự án chưa có chủ trương đầu tư. 

“Theo tính toán, nếu tiến hành khai thác các dự án thủy điện vừa và nhỏ nêu trên, tổng công suất sẽ đạt gần 4.000 MW, cung cấp được khoảng 15 tỷ kWh/năm, bổ sung phần điện năng thiếu hụt” - ông Ngãi cho biết. 

Ưu thế và hạn chế

Ông Phan Duy Phú - Chuyên gia thủy điện (Bộ Công Thương) cho biết, phát triển thủy điện vừa và nhỏ có những ưu điểm nổi trội. 33 tỉnh trên toàn quốc có tiềm năng phát triển; việc xây dựng hệ thống hồ thủy điện trên các sông suối sẽ góp phần làm chậm lũ, giảm lũ và góp phần cải tạo cảnh quan, môi trường sinh thái, đồng thời tham gia cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt của người dân vào mùa khô, không làm cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên, cũng không làm biến đổi các dòng chảy sau khi nước chạy qua tuabin.

“Đặc biệt, các nhà máy thủy điện cũng đóng góp vào ngân sách nhà nước ngày càng cao thông qua các khoản như thuế VAT, phí dịch vụ môi trường rừng, thuế tài nguyên nước, thuế thu nhập doanh nghiệp... giúp tạo đà cho phát triển công nghiệp tại các địa phương. Với những lợi thế đó, việc xây dựng các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ đã nhận được sự đồng thuận cao từ phía nhân dân và chính quyền địa phương” - ông Phú cho biết.

Tuy nhiên, trong giai đoạn 2010-2014, do việc xây dựng thủy điện vừa và nhỏ diễn ra ồ ạt, nên đã nảy sinh nhiều bất cập. Một số dự án của các nhà đầu tư tư nhân đã làm ảnh hưởng đến môi trường rừng, xả lũ không đúng quy trình. Công tác nghiên cứu, lập quy hoạch về thủy điện vừa và nhỏ ở một số địa phương chủ yếu chỉ dựa vào đề xuất của các doanh nghiệp, chưa có nghiên cứu tổng thể về khai thác tiềm năng thủy điện. Việc quản lý chất lượng của các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương; của chủ đầu tư từ các khâu, khảo sát, thiết kế đến thi công còn tồn tại nhiều bất cập như, khảo sát địa chất không đầy đủ, thiết kế chưa tuân thủ đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, quá trình thi công chưa bảo đảm an toàn… dẫn đến những sự cố phát sinh khó lường. 

Nhà máy Thủy điện Cốc San (tỉnh Lào Cai) công suất 29,7 MW, tổng vốn đầu tư 49,9 triệu USD

Hướng đi nào?

Theo ông Trần Viết Ngãi: Đến nay, các dự án thủy điện vừa và nhỏ đã vận hành ổn định hơn. Nhiều chủ đầu tư đã hoàn thành hoặc đang thực hiện việc trồng lại rừng. Đặc biệt, các nhà máy đã thực hiện nghiêm túc quy trình xả lũ theo đúng quy định của các cấp có thẩm quyền, không gây ra ngập lụt phía hạ du. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu để triển khai các dự án có tiềm năng và có hiệu quả, nhằm cấp điện cho vùng sâu, vùng xa, giảm gánh nặng cho hệ thống điện quốc gia.

Thống nhất quan điểm cần tận dụng triệt để nguồn thủy điện vừa và nhỏ, ông Phan Duy Phú cũng cho rằng, cần tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, làm tốt các khâu, quản lý quy hoạch, xây dựng, vận hành và khai thác các công trình thủy điện, tiến tới phát triển thủy điện một cách bền vững trên cơ sở hài hòa giữa yêu cầu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia với việc cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp, giữa yêu cầu về phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường.

Đồng thời, các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ cũng cần nghiêm túc tuân thủ các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn đập, đảm bảo môi trường, quản lý chất lượng công trình một cách chặt chẽ từ khâu thiết kế, giám sát thi công, quy trình vận hành hồ chứa; bồi thường, hỗ trợ, di dân, tái định cư, trồng rừng và chi trả dịch vụ môi trường rừng tại các dự án thủy điện.

Cụ thể hơn, tại Lào Cai, tỉnh có nhiều dự án thủy điện vừa và nhỏ, đến nay, đã có 46 nhà đầu tư trong và ngoài nước khảo sát, lập dự án đầu tư 76 công trình thủy điện với tổng công suất đặt 1.132 MW. Nhưng để khai thác tối đa, hiệu quả tiềm năng nguồn điện này, theo ông Phan Văn Cương - Phó Giám đốc Sở Công Thương Lào Cai, địa phương cần lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực quản lý; trong quá trình thẩm định dự án phải tiến hành kiểm tra cụ thể từng nội dung, chú trọng kiểm tra thực tế tại hiện trường… 

Ông Cương cũng kiến nghị, Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành liên quan cần tăng cường hướng dẫn và tạo điều kiện giúp đỡ Lào Cai, tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thủy điện cho phù hợp với tình hình phát triển đồng thời đẩy nhanh tiến độ thi công các đường dây 220 kV, nhằm kịp thời truyền tải hết công suất phát của các nhà máy thủy điện trên địa bàn. 


  • 22/10/2017 03:29
  • Theo TCĐL chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 11503