Kiểm tra thực tế thi công, Phó Tổng giám đốc EVN Phạm Hồng Phương ghi nhận sự nỗ lực của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (chủ đầu tư), Ban QLDA các công trình điện miền Bắc (đơn vị thay mặt chủ đầu tư quản lý dự án) và các nhà thầu.
Đường dây 220kV Nậm Sum - Nông Cống có vai trò quan trọng góp phần đảm bảo cung ứng điện từ mùa khô năm 2024 cho miền Bắc nói riêng và cho hệ thống điện quốc gia nói chung. Phó Tổng giám đốc EVN Phạm Hồng Phương yêu cầu EVNNPT chỉ đạo Ban QLDA các công trình điện miền Bắc và các nhà thầu khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thi công dự án, đảm bảo hoàn thành vào tháng 1/2024. Thời gian qua, mặc dù có chuyển biến tích cực nhưng một số hạng mục vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, gây nguy cơ chậm tiến độ.
Ông Phạm Hồng Phương - Phó Tổng giám đốc EVN (thứ 2 từ phải sang) kiểm tra công trường dự án Đường dây 220kV Nậm Sum - Nông Cống đoạn qua tỉnh Nghệ An
|
Lãnh đạo EVN cũng yêu cầu EVNNPT chỉ đạo Ban QLDA các công trình điện miền Bắc phối hợp với các nhà thầu kịp thời thỏa thuận các biện pháp tổ chức thi công, có giải pháp phù lại tiến độ đã bị chậm; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để bàn giao mặt bằng kịp thời cho nhà thầu thi công…
EVNNPT cần chỉ đạo đơn vị tiếp nhận vận hành phối hợp với Ban QLDA các công trình điện miền Bắc, nhà thầu để tổ chức nghiệm thu, phục vụ công tác kéo dây và nghiệm thu đóng điện. Các nhà thầu bố trí đủ nguồn lực tài chính, tiếp tục tăng cường nhân lực, máy móc, thi công đồng bộ các hạng mục trên phạm vi công việc của từng gói thầu..
Đặc biệt, EVNNPT chỉ đạo Ban QLDA các công trình điện miền Bắc bám sát các cấp có thẩm quyền để hoàn thành việc phê duyệt hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng rừng trước ngày 20/12/2023; tổ chức, điều hành việc cung cấp vật tư thiết bị, thi công các hạng mục công việc đồng bộ trên toàn tuyến đáp ứng tiến độ, chất lượng yêu cầu.
Với những vướng mắc, phát sinh vượt thẩm quyền, EVNNPT cần kịp thời báo cáo EVN để có giải pháp tháo gỡ - ông Phạm Hồng Phương nhấn mạnh.
Theo báo cáo của EVNNPT, đường dây 220kV Nậm Sum - Nông Cống đoạn trên lãnh thổ Việt Nam có tổng chiều dài 130km, với 99 khoảng néo, 299 vị trí móng cột, từ điểm đấu nối G1 tại biên giới Việt Nam – Lào đến TBA 220kV Nông Cống hiện hữu. Đường dây đi qua 2 tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa. Đến nay, dự án đã bàn giao mặt bằng 250/299 vị trí móng cột và 20/99 khoảng néo. Về công tác thi công, dự án đã hoàn thành đúc móng 230/299 vị trí; hoàn thành dựng cột xong 174/299 vị trí và kéo dây được 2/99 khoảng néo.
Thời gian qua, mặc dù được sự hỗ trợ, tạo điều kiện của chính quyền các địa phương và các cấp có thẩm quyền nhưng dự án vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc trong công tác chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và bồi thường giải phóng mặt bằng. Cụ thể, dự án chưa được phê duyệt chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên đối với các vị trí móng cột và cho phép tác động vào rừng tự nhiên để mở đường phục vụ thi công. Các địa phương chưa có chính sách về giá bồi thường, hỗ trợ cho nhà, công trình và cây cối/hoa màu trong hành lang tuyến,...