Khi nhân vật lịch sử... chép sử ngành Điện

Dù đã ở tuổi 83, nhưng dường như Anh hùng Lao động Thái Phụng Nê - Nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng chưa có ngày nào nghỉ ngơi thực sự. Ông vẫn đều đặn tới cơ quan Tập đoàn Điện lực Việt Nam lúc 8h sáng, vẫn say mê nghiên cứu hàng chồng tài liệu phủ kín mặt bàn làm việc, vẫn dẻo dai với những chuyến đi dọc dài đất nước để thực hiện nhiệm vụ: Xây dựng bộ sách về lịch sử ngành Điện.

Lưu giữ cho thế hệ sau

Cuộc hẹn của Tiến sĩ Thái Phụng Nê dành cho tôi sau khi ông vừa hoàn thành trọng trách được Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam uỷ thác là Thường trực Ban Biên tập bộ sách Điện lực Việt Nam - Quá trình phát triển. Đây là một ấn phẩm đồ sộ, tái hiện toàn bộ quá trình 125 năm kể từ khi điện xuất hiện tại nước ta và trọng tâm là 65 năm hào hùng của ngành Điện lực Việt Nam (1954 - 2019).

Năm 2017, sau khi đã hoàn thành vai trò cố vấn xây dựng Nhà Truyền thống ngành Điện lực Việt Nam giai đoạn 1 cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tiến sĩ Thái Phụng Nê khi ấy đã tha thiết đề đạt lại nguyện vọng “xin” Tập đoàn cho ông được… “nghỉ hưu”. Nhưng rồi, như ông đã từng khẳng định: “Khi nào công việc còn cần đến, thì tôi chưa nghỉ”, thế nên trước lời mời của lãnh đạo Tập đoàn, ông tiếp tục “xắn tay” vào thực hiện bộ sách này.

Tiến sĩ Thái Phụng Nê cho hay: “Thực tế, cho tới hôm nay, vẫn chưa có một cuốn sách nào ghi chép lại một cách hệ thống, xuyên suốt và tương đối đầy đủ về các mặt phát triển của ngành, phân tích cả về kinh tế lẫn kỹ thuật, thành tựu lẫn hạn chế. Vì vậy, việc xây dựng một bộ sách về lịch sử ngành Điện là rất cần thiết”. Được biết, từ nhiều năm trước ông đã trăn trở về việc cần có một tư liệu tổng quan, chính xác và khoa học để những ai muốn tìm hiểu về lịch sử của ngành Điện có thể dễ dàng tra cứu.

Với mục tiêu kết nối quá khứ và hiện tại, gìn giữ truyền thống ngành Điện để truyền lại cho thế hệ mai sau, công tác triển khai bộ sách được lãnh đạo Tập đoàn đặc biệt quan tâm. Ban biên tập của cuốn sách gồm 22 người, trong đó Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam là Trưởng ban. Nhiệm vụ đầu mối tổng hợp nội dung, soát lỗi, thiết kế, in ấn, được giao cho Trung tâm Thông tin Điện lực đảm nhiệm. Tổng thời gian thực hiện bộ sách mất gần 2 năm với sự cống hiến, nỗ lực rất lớn của Ban biên tập, các chuyên gia, tổ giúp việc và Trung tâm Thông tin Điện lực. 

Trong bộ sách này, ngoài nhiệm vụ Thường trực Ban biên tập (giúp Trưởng Ban biên tập điều phối toàn bộ quá trình thực hiện), Tiến sĩ Thái Phụng Nê còn trực tiếp đảm nhiệm biên soạn phần tổng quan quá trình hình thành và các thời kỳ phát triển. Đó không đơn giản chỉ là thu thập, tổng hợp, tinh lọc thông tin, mà ông còn dày công nghiên cứu, phát hiện và tự đặt ra cho mình trách nhiệm “chuẩn xác lại các thông tin, sự kiện lịch sử ngành Điện” để những thế hệ sau được sử dụng nguồn tư liệu tin cậy, chính xác.

Anh hùng Lao động Thái Phụng Nê

Đơn cử, nhiều ấn phẩm, tư liệu về ngành Điện xuất bản trước đây đã có sự nhầm lẫn về nhà máy nhiệt điện đầu tiên tại Việt Nam. Có tư liệu khẳng định đó là Nhà máy điện Cửa Cấm tại Hải Phòng (công suất 6,3MW). Nhưng khi lần theo dấu vết lịch sử, đặc biệt là thu thập được chứng cứ quan trọng về bức ảnh Nhà đèn Vườn Hoa Hải Phòng (được một thành viên của Hội Hữu nghị Việt - Pháp thành phố Hải Phòng tìm thấy tại Thư viện Lịch sử thành phố Paris - Pháp), tiến sĩ Thái Phụng Nê đã khẳng định được Nhà đèn Vườn Hoa Hải Phòng (750kW) mới là nhà máy nhiệt điện đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, phát điện năm 1894. Còn Nhà máy điện Cửa Cấm phát điện năm 1925.

“Tiếp cận thận trọng, quan sát kỹ lưỡng và trung thành với lịch sử” - đó là quan điểm của Tiến sĩ Thái Phụng Nê khi ông tìm thấy những chi tiết, sự kiện lịch sử còn mâu thuẫn so với thông tin đã được công bố trước đó.

Chẳng hạn, Nhà máy Thủy điện Ankroet (tên gọi khác là Thủy điện Suối Vàng) trong một thời gian dài đã được coi là nhà máy thủy điện đầu tiên ở Việt Nam. Nhà máy này do thực dân Pháp xây dựng từ năm 1942, tại Đà Lạt. Nhưng các tài liệu nghiên cứu đã dẫn ông tới hai nhà máy thủy điện Tà Sa, Nà Ngần (tỉnh Cao Bằng), được xây dựng từ những năm 1927 - 1928 trong giai đoạn thực dân Pháp tiến hành khai thác thuộc địa lần thứ hai.

Ở tuổi ngoài tám mươi, ông Thái Phụng Nê vẫn quả quyết ngồi xe ô tô vượt qua quãng đường gần 300km quanh co đèo dốc lên tỉnh miền núi Cao Bằng, trực tiếp vào tận nơi thực địa và tìm nhân chứng. Sau đó, ông lại “bay” vào Đà Lạt, đối chiếu thông tin với Nhà máy Thủy điện Suối Vàng. “Lúc đó, cũng có nhiều ý kiến tranh luận, phản bác quan điểm của tôi” - Tiến sĩ Thái Phụng Nê cười khi nhớ lại chuyện cũ. Với những bằng chứng mà ông thu thập được, các thủy điện Tà Sa, Nà Ngần mới đích thực là những nhà máy thủy điện đầu tiên được xây dựng ở nước ta.

Đoàn kết nội bộ - Nội lực của ngành Điện

Tới nay, ngành Điện lực Việt Nam đã trải qua 65 năm xây dựng và phát triển, còn Tiến sĩ Thái Phụng Nê cũng đã gắn bó với ngành tới… 55 năm. Ông Thái Phụng Nê là thế hệ lãnh đạo đầu tiên kể từ khi Tổng công ty Điện lực Việt Nam (nay là Tập đoàn Điện lực Việt Nam) được thành lập năm 1994. Ông chính là một phần của những trang lịch sử hào hùng, là một trong những “cây đại thụ” góp phần tạo nên những thành tích vẻ vang của ngành.

Ở tuổi 83, ông tự nhận sức khỏe đã kém đi nhiều, vì vậy mỗi ngày chỉ có thể làm việc khoảng… 7 tiếng. Từ vị trí là một trong những “nhân vật chính” trong lịch sử ngành Điện, ông trở thành “người chép sử”. Lý do của ông thật đơn giản: “Khi mình còn sức khỏe, mình phải làm việc”.  

AHLĐ Thái Phụng Nê (hàng đầu, thứ 2 từ phải sang), giới thiệu với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng về tiến độ thi công Thủy điện Sơn La năm 2006 - Ảnh tư liệu

Trong thời gian này, ông tiếp tục đảm nhiệm vai trò cố vấn xây dựng giai đoạn 2 của Nhà Truyền thống ngành Điện lực Việt Nam. Ông vẫn cho thấy một khả năng làm việc phi thường. Cùng với những “cộng sự” trẻ tuổi, người cán bộ lão thành vẫn bền bỉ, dẻo dai đồng hành trong những hành trình từ Bắc vào Nam, kỳ công nghiên cứu, ghi chép, thu thập hiện vật, tư liệu lịch sử trưng bày. “Để mỗi người có dịp tới thăm quan Nhà Truyền thống của Tập đoàn Điện lực Việt Nam có thể thấy được những bước phát triển của EVN, những nỗ lực trong việc đảm bảo nhu cầu năng lượng cho sự phát triển của đất nước, thực hiện lời dạy của Bác Hồ của năm xưa” - Tiến sĩ Thái Phụng Nê chia sẻ.

Mỗi lần được trò chuyện với ông, tôi đều cảm nhận được niềm tự hào lớn lao về ngành Điện trong mỗi lời ông kể. “Tôi cũng đã chứng kiến ngành Điện khởi điểm từ con số 0 cho tới ngày hôm nay đã đạt được những thành tựu rất lớn. Thành tựu ấy có được là nhờ quyết tâm mạnh mẽ của hàng chục vạn con người để hoàn thành mọi nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước giao. Rất nhiều mồ hôi, thậm chí máu của người thợ điện đã đổ xuống để giữ cho dòng điện luôn sáng. Chúng ta tự hào là người ngành Điện” - ông cho biết.

Với những người trẻ trong ngành, Anh hùng Lao động Thái Phụng Nê nhắn nhủ: "Không có khi nào ngành Điện được thong thả đâu! Con đường phía trước còn nhiều khó khăn, còn nhiều việc phải làm. Chúng ta không được tự mãn”. Vì vậy, ông mong mỏi CBNV ngành Điện sẽ luôn phát huy truyền thống vẻ vang, đảm bảo cho ngành Điện đạt được mục tiêu luôn “đi trước một bước”. Ông cũng nhẹ nhàng nhắc nhở: “Đoàn kết nội bộ chính là nội lực của ngành Điện, là truyền thống của ngành Điện, bởi vậy phải luôn luôn giữ vững và phát huy!”.

 Anh hùng Lao động Thái Phụng Nê:

- Sinh năm 1936, tại Phú Yên.

- Sau khi tốt nghiệp phổ thông, ông được cử đi Liên Xô học tại Trường Đại học Xây dựng Matxcơva, chuyên ngành Thủy công.

- Năm 1964, bảo vệ luận án Phó Tiến sĩ và trở về nước.

-  Gắn liền với các công trình thủy điện: Thác Bà (7 năm), Hòa Bình (14 năm), Ialy, Thác Mơ, Hàm Thuận - Đa Mi.

- Năm 2001, là Phái viên của Thủ tướng Chính phủ, theo dõi thi công công trình Thủy điện Sơn La, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Nhà nước Dự án Thủy điện Sơn La - Lai Châu.

- Năm 2013, vinh dự được nhận Huân chương Bắc đẩu Bội tinh cấp Hiệp sĩ (Huân chương cao quý nhất của Cộng hòa Pháp).

- Từ năm 2014 đến nay, là Cố vấn cao cấp của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Bộ sách Điện lực Việt Nam - Quá trình phát triển (xuất bản Tháng 12/2019):

- Tập nội dung (628 trang), có 6 phần, gồm: Mở đầu; Tổng quan quá trình hình và phát triển qua các thời kỳ; Tổ chức và quản lý ngành Điện; Hệ thống điện và các lĩnh lực liên quan; Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện chức năng, nhiệm vụ; Những bài học kinh nghiệm.

- Tập Phụ trương tư liệu (192 trang) gồm: Một số văn bản pháp lý trong lĩnh vực điện lực; các quy hoạch bậc thang thủy điện; danh mục các nhà máy nhiệt điện (than, tuabin khí, dầu)...


  • 17/12/2019 09:40
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 11601