Khô hạn ảnh hưởng như thế nào đến vận hành hệ thống điện?

Cung cấp tới 1/3 sản lượng điện của toàn hệ thống, nhưng các hồ thủy điện đang thiếu nước trầm trọng do khô hạn khốc liệt xảy ra từ đầu năm tới nay. evn.com.vn đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quốc Chính, Phó Trưởng ban Kỹ thuật – Sản xuất (EVN) xoay quanh vấn đề này.

Ông Nguyễn Quốc Chính - Phó Trưởng ban Kỹ thuật - Sản xuất (EVN)

PV: Thưa ông, cơn bão số 3 vừa đổ bộ vào các tỉnh miền Bắc có giải tỏa được “cơn khát” cho các hồ chứa thủy điện trong khu vực này hay không?

Ông Nguyễn Quốc Chính: Bão số 3 và hoàn lưu bão gây mưa ở các tỉnh phía Nam đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ nên dòng chảy về các hồ thủy điện không có ảnh hưởng nhiều.

Ở miền núi phía Bắc, chỉ hồ Thủy điện Hòa Bình có lưu lượng nước về hồ tăng nên mực nước hồ tăng thêm được gần 2 mét so với trước bão. Còn lại, các hồ khác như Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang, Thác Bà, lượng nước về hồ thay đổi không đáng kể.

Ở Bắc miền Trung, hồ thủy điện Bản Vẽ (Nghệ An) được cải thiện mực nước đáng kể. Trước bão, hồ đang ở mực nước chết. Sau bão, mực nước hồ tăng lên được 14m.

Tuy nhiên, nhiều hồ thủy điện ở miền Trung, Nam Trung Bộ vẫn trong tình trạng khô hạn và thấp hơn trung bình nhiều năm. Nhiều hồ đang ở xấp xỉ mực nước chết. 9 hồ đang ở mực nước chết. Dự báo, nắng nóng còn tiếp diễn ở những khu vực này trong thời gian tới.

PV: Các hồ thủy điện khô hạn ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng huy động nguồn điện của hệ thống như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Quốc Chính: Tổng công suất đặt của hệ thống điện quốc gia đến nay là trên 50.000 MW. Thủy điện chiếm khoảng 1/3 công suất đặt này, tương ứng sản lượng cũng chiếm 1/3 toàn hệ thống. Tuy nhiên, đây là những con số trên lý thuyết khi các hồ chứa thủy điện tích đầy nước và phát được hết công suất thiết kế.

Thực tế, các hồ chứa đang khô hạn, chắc chắn không thể phát được hết công suất theo thiết kế, cùng với đó, lưu lượng nước về hồ thấp hơn mức tính toán của EVN sẽ ảnh hưởng đến sản lượng điện sản xuất của thủy điện.

PV: Không chỉ khiến thủy điện thiếu nước, khô hạn cũng đã gây ra nhiều vụ cháy rừng và có thời điểm ảnh hưởng tới công tác truyền tải điện. Ông có thể cho biết rõ hơn về vấn đề này?

Ông Nguyễn Quốc Chính: Thời gian qua, nhiều tỉnh miền Trung liên tiếp xảy ra cháy rừng do khô hạn, điển hình như ở Hà Tĩnh, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi,… Đã có thời điểm cháy rừng gây ảnh hưởng tới hệ thống truyền tải 500 kV Bắc – Nam (ngày 28/6). Điều này ảnh hưởng lớn đến việc truyền tải điện từ miền Bắc vào cung cấp cho miền Nam và ngược lại.

Vì vậy, EVN mong mong muốn các địa phương phối hợp với các đơn vị truyền tải, điện lực kiểm soát nguy cơ cháy rừng để tránh gây ảnh hưởng đến hệ thống điện quốc gia.

Công nhân Công ty Truyền tải điện 2 thu dọn thực bì dưới hành lang tuyến đề phòng cháy rừng ảnh hưởng đến hệ thống điện

PV: Với tình trạng khô hạn này, liệu EVN có thực hiện được cam kết cung cấp đủ điện trong năm 2019 không, thưa ông?

Ông Nguyễn Quốc Chính: Do thủy điện gặp khó khăn, EVN đã và tiếp tục huy động các dạng nguồn khác để đáp ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội, bao gồm cả nguồn điện chạy dầu giá cao. Theo kế hoạch, trong năm 2019 có thể phải huy động đến 3 tỷ kWh điện chạy dầu với giá thành lên đến 5.000 đồng/kWh nên sẽ ảnh hướng lớn đến kết quả sản xuất kinh doanh của Tập đoàn.

Năm nay, EVN vẫn đảm bảo cung ứng đủ điện. Tuy nhiên, theo tính toán, đến năm 2021 có thể xảy ra thiếu nguồn điện. Do đó, EVN mong muốn khách hàng cần tăng cường sử dụng điện tiết kiệm điện, hợp lý để giảm công suất đỉnh và giảm tổng điện năng tiêu thụ.

Cùng với đó, đề nghị Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Đông Bắc, Tổng công ty Khí Việt Nam cung cấp nguồn than/khí ổn định cho các nhà máy để đảm bảo vận hành hiệu quả.

PV: Xin cảm ơn ông!