Hội thảo nằm trong khuôn khổ Chương trình Sẵn sàng Tài chính Khí hậu (CF Ready) do GIZ hợp tác với Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) triển khai, dưới sự ủy quyền của Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ và Bộ Môi trường của Cộng hòa Séc.
Tại Hội thảo, các đại diện đến từ Viện Năng lượng đã trình bày các thành tựu chính và bước tiếp theo để tăng cường sử dụng năng lượng sinh khối tại Việt Nam. Công ty tư vấn quốc tế đến từ Đức - IfaS cũng chia sẻ những đánh giá về ảnh hưởng của các dự án sinh khối đến môi trường, xã hội và nền kinh tế.
Các chuyên gia đều nhất trí rằng, nếu được sử dụng hiệu quả, các nguồn sinh khối sẽ giúp tỉnh An Giang giảm sự phụ thuộc vào những nguồn năng lượng truyền thống, giảm lượng khí thải carbon và ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, quá trình sản xuất năng lượng sinh khối cũng đem lại thu nhập cho các doanh nghiệp, nông trại và hộ gia đình tham gia trong chuỗi cung ứng nguồn sinh khối...
Bà Sonia Lioret, Quản lý dự án Năng lượng tái tạo và Hiệu quả năng lượng của GIZ đánh giá cao tiềm năng phát triển năng lượng sinh khối ở địa phương này. "Hội thảo này là một trong những bước đầu tiên của chúng tôi để giúp tỉnh An Giang xây dựng Quy hoạch Phát triển Năng lượng sinh khối, nhằm sử dụng được tối đa nguồn phụ phẩm sinh khối cho sản xuất năng lượng và thúc đẩy đầu tư của khu vực tư nhân”.
Trước đó, GIZ cũng phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Gia Lai tổ chức một hội thảo về quy hoạch năng lượng sinh khối ở Gia Lai.
Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu tỷ trọng điện năng sản xuất từ sinh khối tăng từ 0,16% trong tổng sản lượng điện năm 2016 lên 1% vào năm 2020 và 2,1% vào năm 2030.