Không để thiếu than cho phát điện: Bài toán khó cần lời giải

Sản lượng khai thác than trong nước suy giảm, việc nhập khẩu lại gặp khó khăn do khan hiếm nguồn cung và giá than quá cao. Trước thực trạng này, các đơn vị phát điện trong EVN có những giải pháp nào để đảm bảo nguồn nhiên liệu cho sản xuất điện?

Khó khăn hiện hữu

25,9 triệu tấn than, đó là con số ước tổng nhu cầu cần thiết cho vận hành các nhà máy nhiệt điện than của Tập đoàn Điện lực Việt Nam năm 2023. Tuy nhiên, tới đầu năm nay, theo các hợp đồng than đã ký kết giữa EVN với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng công ty Đông Bắc, lượng than đã ký kết mua bán mới chỉ đạt 24,75 triệu tấn. Khối lượng than còn thiếu là 1,425 triệu tấn. Điều này đồng nghĩa, nếu không có nguồn nhiên liệu bổ sung thì một số tổ máy nhiệt điện của EVN có thể sẽ phải dừng phát điện.

Thực tế, nguy cơ thiếu than đã hiện hữu từ cuối năm trước. Đơn cử, Nhà máy Nhiệt điện (NMNĐ) Thái Bình thường xuyên ở trạng thái căng thẳng lo nhiên liệu. Trong một số ngày cuối tháng 11 và toàn bộ tháng 12 năm 2022, lượng than tồn kho của nhà máy này chỉ duy trì ở mức 10.000 tấn (đáp ứng khoảng 02 ngày vận hành đầy tải 2 tổ máy), do đó nhà máy thậm chí đã phải dừng 1 tổ máy để dự phòng. Tại Công ty Nhiệt điện Duyên Hải (Tổng công ty Phát điện 1), trong mùa khô từ tháng 2 đến tháng 6 năm 2023, khối lượng than tiêu thụ của NMNĐ Duyên Hải 1 dự kiến khoảng 1,96 triệu tấn, nhưng khối lượng than theo hợp đồng mới chỉ đạt 1,82 triệu tấn… 

Khu vực cầu cảng than của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2

Theo Ban Kỹ thuật - Sản xuất EVN, tính chung lượng than tồn kho vào đầu năm 2023 của toàn bộ các nhà máy trong EVN rất thấp (557.000 tấn than), tương đương 47% định mức than tồn kho tối thiểu và chỉ bằng 41% lượng than tồn kho so với đầu năm 2022. 

Có nhiều nguyên nhân khách quan dẫn đến tình trạng khan hiếm nguồn than. Mặc dù Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc rất tích cực phối hợp cùng EVN trong việc cung cấp than, tuy nhiên khó khăn xuất phát từ việc các nhà khai thác than không thể tăng được sản lượng than sản xuất trong nước, do giới hạn các giấy phép khai thác than. Thị trường than thế giới lại đầy biến động do ảnh hưởng xung đột địa chính trị. Cuối năm 2022, giá than nhập khẩu cao gấp 6 lần so với đầu năm 2020, và gấp khoảng hơn 3 lần so với đầu năm 2021. Giá than cao, nguồn cung hạn chế, khiến việc nhập khẩu nhiên liệu để pha trộn than cũng khó khăn, tăng chi phí nhiên liệu.

Chủ động lo nguồn than

Để đảm bảo than cho sản xuất điện, giải pháp đầu tiên là EVN và các đơn vị tiếp tục chủ động làm việc với TKV và Tổng công ty Đông Bắc để đàm phán tăng khối lượng than cấp cho điện, đồng thời kiến nghị với các Bộ, ngành tạo điều kiện cho TKV và Tổng công ty Đông Bắc tăng sản lượng sản xuất than. 

Cùng với đó, Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân đã yêu cầu người đứng đầu các tổng công ty, đơn vị phát điện trong EVN phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, trực tiếp chỉ đạo công tác này. Các chủ đầu tư các nhà máy phải tự chủ thu xếp các nguồn than hợp pháp theo quy định từ các doanh nghiệp, ngoài nguồn từ TKV và Tổng công ty Đông Bắc, đảm bảo giá than cạnh tranh và hiệu quả. 

Tại Tổng công ty Phát điện 1, Tổng giám đốc Nguyễn Hữu Thịnh đã trực tiếp tới làm việc tại từng nhà máy điện ngay đầu năm 2023. Đối với những “điểm nóng” nhiên liệu như tại Công ty Nhiệt điện Duyên Hải, Tổng giám đốc EVNGENCO 1 yêu cầu công ty cần tiếp tục theo dõi, đánh giá việc cung cấp than hằng ngày, kịp thời đưa ra các giải pháp tăng năng suất bốc dỡ than, đôn đốc cấp than để đảm bảo vận hành an toàn các tổ máy. 

Ông Trương Hoàng Vũ - Tổng giám đốc Tổng công ty Phát điện 2 cho biết, nhiên liệu cho phát điện là vấn đề mà lãnh đạo Tổng công ty, lãnh đạo các nhà máy phải trăn trở hàng ngày. Tại Công ty CP Nhiệt điện Hải Phòng thuộc EVNGENCO 2, trước dự báo thiếu khoảng 330.000 tấn than cho sản xuất năm 2023, Tổng công ty đã chủ động tổ chức các gói thầu cung cấp than, ngoài các hợp đồng nguồn than từ TKV và Tổng công ty Đông Bắc. 

Thực tế, đối với nhiên liệu than cho phát điện, chỉ nỗ lực và sự chủ động từ phía EVN và các đơn vị là chưa đủ. Những khó khăn trong cấp than cho phát điện cũng đã được Tập đoàn kịp thời báo cáo Bộ Công Thương; và rất cần các bộ, ngành sớm tạo điều kiện, cho phép EVN cùng các đơn vị liên quan thực hiện các giải pháp khả thi, với mục tiêu đảm bảo đủ than cho phát điện, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. 

Bộ trưởng Bộ Công Thương:

Trong mọi tình huống phải bảo đảm đủ nguồn than cho sản xuất điện
“Trong mọi tình huống, các tập đoàn (TKV, EVN, PVN), các tổng công ty và chủ đầu tư các nhà máy điện, đạm phải bảo đảm đủ nguồn cung than cho sản xuất điện, đạm để phục vụ phát triển kinh tế đất nước và sinh hoạt của người dân; không được để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung than (kể cả việc thiếu hụt, đứt gãy cục bộ).

Các bên liên quan thực hiện nghiêm túc các cam kết tại hợp đồng mua bán than cho sản xuất điện, đạm đã ký. Doanh nghiệp cung cấp than chịu trách nhiệm toàn diện nếu không cung cấp đủ than theo cam kết dẫn tới thiếu than cho sản xuất điện và đạm trong nước. Ngược lại, các doanh nghiệp sử dụng than cũng phải chịu trách nhiệm nếu không thực hiện đúng hợp đồng mua than.

Các tập đoàn, tổng công ty, chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện than, nhà máy đạm chủ động, tích cực và đẩy mạnh các hoạt động hợp tác, tìm kiếm đối tác, bạn hàng xuất khẩu than trên thế giới…” 

(Trích chỉ đạo của Bộ trưởng tại buổi làm việc với EVN, PVN, TKV; các tổng công ty phát điện, các công ty, chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện về tình hình cấp than và nhập khẩu than cho sản xuất điện, đạm - ngày 3/3/2023)


  • 31/03/2023 02:52
  • Theo Tạp chí Điện lực quý I/2023
  • 4221