Khuyến nghị chính sách phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam

Hội nghị quốc tế về Đề xuất lộ trình phát triển Điện gió ngoài khơi Việt Nam và khuyến nghị chính sách cho Việt Nam do Bộ Công Thương, Đại sứ quán Đan Mạch, Cục Điện lực Đan Mạch và Ngân hàng Thế giới đồng tổ chức, diễn ra từ ngày 22-23/9, tại Hà Nội.

Hội nghị được tổ chức trực tiếp ở Hà Nội và trực tuyến giữa Hà Nội, Copenhagen (Đan Mạch) và một số điểm cầu khác trên thế giới.

Trong ngày đầu tiên của Hội nghị, các chuyên gia đã trình bày những nghiên cứu về đánh giá khả năng truyền tải; năng lực chuỗi cung ứng nội địa; những cơ hội, thách thức trong việc phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam; kinh nghiệm về chính sách, hệ thống quản lý ngành từ các nước có ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi phát triển…

Hội nghị thu hút sự quan tâm của đông đảo chuyên gia, nhà đầu tư trong nước và quốc tế

Đặc biệt, Cục Năng lượng Đan Mạch và Ngân hàng Thế giới đã trình bày những khuyến nghị về lộ trình phát triển điện gió ngoài khơi ở Việt Nam. Theo 2 tổ chức này, mục tiêu công suất rõ ràng, dài hạn và tăng dần là điều kiện tiên quyết để Chính phủ điều phối chính sách và tạo niềm tin cho ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi, từ đó thu hút đầu tư dài hạn vào cơ sở hạ tầng, chuỗi cung ứng và công nghệ. Khung pháp lý phù hợp và Hợp đồng mua bán điện khả thi về tài chính phù hợp với thông lệ quốc tế là chìa khóa bù lại những rủi ro thị trường mới và giúp mở cửa cho đầu tư vốn ở mức cần thiết để xây dựng một ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi chín muồi ở Việt Nam.

Ngoài ra, cần chỉ định một cơ quan của Chính phủ làm đầu mối duy nhất và đơn giản hóa quy trình cấp phép cho các dự án điện gió ngoài khơi, nhằm đảm bảo các dự án hoàn thành đúng thời gian đã định; cho phép triển khai một vài dự án thí điểm trên quy mô lớn theo giai đoạn để kích hoạt ngành công nghiệp này.

Ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cho biết, kết quả của Hội nghị sẽ là thông tin đầu vào quan trọng cho việc hình thành các mục tiêu chính sách trong Quy hoạch Điện VIII - cơ sở chính sách quan trọng để phát triển ngành năng lượng của Việt Nam cho giai đoạn 10 năm tới và tầm nhìn đến năm 2045.

Khi Việt Nam xác định sẽ chuyển đổi ngành năng lượng theo hướng xanh, điện gió ngoài khơi chắc chắn là một trong những lựa chọn hiệu quả nhất. Điều này đã được chứng minh ở nhiều nước trên thế giới, bao gồm cả Đan Mạch. Ngành công nghiệp điện gió phát triển sẽ không chỉ là nguồn cung cấp năng lượng sạch và góp phần giảm nhẹ biến đổi khí hậu mà còn tạo ra một số lượng lớn việc làm cho người dân địa phương; đồng thời tạo ra nền kinh tế biển mới và thu hút nguồn đầu tư lớn, ông Kim Højlund Christensen -  Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam chia sẻ.

Hội nghị cũng đề cập đến một loạt các vấn đề được quan tâm trong phát triển điện gió ngoài khơi, từ góc nhìn của các nhà phát triển dự án đến chuỗi cung ứng và mối quan tâm của các nhà đầu tư. Các trao đổi thảo luận trong hội nghị đã cung cấp một bức tranh toàn cảnh về tương lai của điện gió ngoài khơi Việt Nam.

Với tiềm năng to lớn, ước tính khoảng 160GW trong vòng 5-100km tính từ bờ, Việt Nam có điều kiện thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi. Các nghiên cứu do Cục Năng lượng Đan Mạch và Ngân hàng Thế giới thực hiện dự báo, từ nay đến năm 2030, Việt Nam có thể đưa vào vận hành 10 W điện gió ngoài khơi.


  • 22/09/2020 06:06
  • Mai Hương
  • 19232