Kiểm soát và tận dụng tro xỉ từ các nhà máy nhiệt điện than

Cùng với việc kiểm soát quá trình xả thải, xỉ, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, các nhà máy nhiệt điện than (NMNĐT) thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam còn tận dụng tro, xỉ thải ra từ các nhà máy điện làm vật liệu xây dựng.

Kiểm soát ô nhiễm từ tro, xỉ

Cùng với sự phát triển các NMNĐT, một yêu cầu được đặt ra là phải làm tốt công tác bảo vệ môi trường; trong đó, việc xử lý thải, xỉ được xã hội rất quan tâm.

PGS.TS Trương Duy Nghĩa - Chủ tịch Hội KHKT Nhiệt Việt Nam cho rằng, để người dân yên tâm, các NMNĐT cần chứng minh được tro, xỉ khi đưa ra bãi thải không phải là chất thải nguy hại; đảm bảo không phát tán các kim loại nặng ra môi trường. Trong quá trình vận chuyển chất thải phải che, đậy, phủ bạt kín, tránh phát tán bụi ra môi trường...

Theo báo cáo của EVN, hiện nay các NMNĐT trực thuộc Tập đoàn đều đang xử lý tốt lượng tro, xỉ, đảm bảo không phát tán, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến người dân khu vực xung quanh. Riêng NMNĐ Duyên Hải 1 đang được dư luận quan tâm về công tác bảo vệ môi trường, kết quả phân tích thành phần tro, xỉ và bùn thải do Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 (QUATEST 3) thực hiện cho thấy, tro, xỉ của các Nhà máy chỉ là chất rắn công nghiệp thông thường, các thành phần nguy hại đều nằm trong giới hạn cho phép (theo QCVN 07:2009/BTNMT và QCVN 50:2013/BTNMT). 

Đánh giá về kết quả xử lý tro, xỉ của NMNĐ Duyên Hải 1, PGS.TS Phùng Chí Sỹ - Tổng thư kí phụ trách khu vực phía Nam, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho biết, Nhiệt điện Duyên Hải 1 đã thực hiện nghiêm túc các quy định về bảo vệ môi trường. Theo kết quả quan trắc tại khu vực quanh Nhà máy, hiện nay chưa có hiện tượng phát tán bụi từ bãi thải tro, xỉ.

Theo ông Âu Nguyễn Đình Thảo - Phó giám đốc Công ty Nhiệt điện Duyên Hải, để tro, xỉ không phát tán ra môi trường, tro bay được thu gom trong Nhà máy, đưa vào 3 silo bằng hệ thống đường ống kín. Sau đó, tro và xỉ được vận chuyển từ silo ra bãi thải xỉ bằng xe tải chuyên dụng, được phủ kín. Trước khi xả xuống xe chuyển ra bãi thải, tro, xỉ đều được phun nước tạo ẩm (15-20%) và phủ kín để tro, xỉ bụi không phát tán ra môi trường. Bên cạnh đó, bãi thải xỉ được lu lèn và thường xuyên phun nước, tạo ẩm để tránh tro, xỉ phát tán khi có gió lốc. Khi tro, xỉ được lu lèn đạt đến độ cao cho phép, Nhà máy sẽ triển khai phun vữa xi măng để phủ kín bề mặt. 

Sử dụng tro, xỉ các NMNĐ làm nguyên liệu sản xuất gạch không nung là giải pháp lâu dài

Giải pháp lâu dài

Theo PGS.TS Phùng Chí Sỹ, nếu không có biện pháp sử dụng tro, xỉ, sau một thời gian khối lượng tro, xỉ bị chất đống cao sẽ khó kiểm soát ô nhiễm bụi do bị gió cuốn vào không khí. Vì vậy, vấn đề quan trọng hiện nay là phải tìm kiếm công nghệ sử dụng tro, xỉ làm vật liệu xây dựng.

Nhiều nước trên thế giới đã sử dụng tro, xỉ trong nhiều lĩnh vực như: Làm đê kè, nền đường, phụ gia xi măng, bê tông, gạch không nung, chất độn cho polyme, chất dẻo PE...  Có đến 75-90% lượng tro xỉ trên thế giới được xử lý, tái sử dụng... 

Ở Việt Nam, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các NMNĐT trực thuộc EVN đã ký hợp đồng với các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng tro xỉ làm đập thủy điện RCC như Thủy điện Sơn La, Trung Sơn; làm phụ gia nguyên liệu trong sản xuất vật liệu xây dựng như bê tông, gạch không nung...

Cụ thể, NMNĐ Phả Lại bán được trên 400.000 tấn tro, xỉ/năm, chiếm khoảng 65 – 70% tổng khối lượng tro, xỉ thải ra; NMNĐ Hải Phòng 1, 2 bán được khoảng 15% lượng tro, xỉ/năm; NMNĐ Ninh Bình bán toàn bộ tro, xỉ cho một doanh nghiệp để sản xuất vật liệu xây dựng... Vừa qua, Công ty Nhiệt điện Duyên Hải cũng đã kí hợp đồng sử dụng tro xỉ làm gạch không nung với 3 doanh nghiệp, tổng khối lượng thu mua khoảng 1.260.000 tấn tro, xỉ/năm; Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ lượng tro xỉ của NMNĐ Vĩnh Tân 2 trong cả vòng đời Nhà máy để sản xuất VLXD, gạch không nung, kết cấu bê tông lấn biển với Công ty CP Đầu tư Mãi Xanh...

Mặc dù đã nỗ lực đẩy mạnh việc sử dụng tro, xỉ, tuy nhiên so với lượng tro, xỉ thải ra hàng năm của các NMNĐT, số lượng được sử dụng hiện còn khiêm tốn. Vì vậy, Bộ Xây dựng đã soạn thảo, trình Chính phủ Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các NMNĐ, nhà máy hóa chất phân bón để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng giai đoạn 2016-2020. Dự thảo đặt ra mục tiêu đến năm 2020, xử lý, sử dụng đạt 60% lượng tro, xỉ, thạch cao làm vật liệu xây dựng, vật liệu san lấp, vật liệu làm đường giao thông; đến năm 2030, con số này là 90%; các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng gần nguồn tro, xỉ phải sử dụng tro, xỉ đã đảm bảo yêu cầu kỹ thuật làm nguyên liệu, phụ gia thay thế cho nguyên liệu tự nhiên trong sản xuất...

Theo dự báo, đến năm 2020, lượng tro, xỉ thải ra từ các NMNĐ than đạt khoảng 30 triệu tấn. Trong khi đó, các bãi chứa xỉ của các nhà máy lại hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu. Chính vì vậy, việc nghiên cứu các giải pháp sử dụng tro, xỉ của các NMNĐT là thực sự cấp thiết. 

Hiện EVN cũng đang phối hợp với Viện Khoa học Công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng) nghiên cứu sử dụng tro, xỉ của các nhà máy thuộc Trung tâm Điện lực Duyên Hải làm vật liệu gia cố nền móng, công trình. Dự kiến, sẽ triển khai thí điểm trong năm 2017 và sau đó nhân rộng ra, ứng dụng cho các NMNĐT trong toàn Tập đoàn... 

PGS.TS Trương Duy Nghĩa: “Để biến tro, xỉ trở thành nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng, cần sự vào cuộc mạnh của Chính phủ, bởi đó là một quá trình liên hoàn, chỉ ngành Điện hay ngành VLXD không làm được.


 


  • 15/11/2016 10:02
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 9675