Tham gia đoàn công tác liên ngành có Chủ tịch Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam – ông Nguyễn Mạnh Hùng, đại diện Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương), đại diện Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng (Viện Đo lường Việt Nam), cùng đại diện các cơ quan báo chí.
Về phía EVN có Phó Tổng giám đốc EVN - ông Võ Quang Lâm, Trưởng Ban Kinh doanh EVN - ông Nguyễn Quốc Dũng, cùng Phó Tổng giám đốc EVNHANOI - ông Lê Ánh Dương.
Báo cáo đoàn công tác, bà Tô Lan Phương - Trưởng Ban Kinh doanh EVNHANOI cho biết, nắng nóng gay gắt kéo dài liên tiếp đã khiến lượng điện tiêu thụ tại Hà Nội liên tục tăng cao. Trong tháng 6/2020, lượng điện tiêu thụ trung bình ngày là 76,423 triệu kWh, tăng 21,9% so với tháng 5 và 77,8% so với tháng 4 trước đó. Cũng trong tháng 6, 66% số khách hàng sinh hoạt có lượng điện tiêu thụ tăng từ 30% trở lên.
Trong bối cảnh nắng nóng, tổng công ty yêu cầu các công ty điện lực gửi thông báo đối với khách hàng có sản lượng tăng từ 1,3 lần so với tháng liền kề trước. Đồng thời, yêu cầu các điện lực chủ động thực hiện phúc tra lại chỉ số tăng cao trước khi phát hành hóa đơn tiền điện. Việc phúc tra được thực hiện trên Hệ thống thông tin quản lý khách hàng (CMIS) và ngoài lưới.
Đại diện Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng (áo xanh) giám sát, kiểm tra công tác ghi chỉ số tại PC Mê Linh
|
Về hệ thống đo đếm chỉ số điện, EVNHANOI đã triển khai lắp đặt 85% công tơ điện tử, phần còn lại là công tơ cơ. Trong đó, có hơn 70% công tơ điện tử thu thập dữ liệu từ xa.
Khi đăng nhập vào website http://cskh.evnhanoi.com.vn/, những khách hàng đã được lắp đặt công tơ điện tử thu thập dữ liệu từ xa có thể theo dõi lượng điện tiêu thụ hằng ngày (chiếm tỷ lệ hơn 70% khách hàng của EVNHANOI), còn những khách hàng vẫn sử dụng công tơ cơ sẽ xem được ảnh chụp chỉ số tiêu thụ chốt hàng tháng, bà Tô Lan Phương cho hay.
Tất cả các yêu cầu, kiến nghị của khách hàng liên quan đến chỉ số công tơ, hóa đơn tiền điện được tổ chức kiểm tra, xác minh, xử lý trong vòng 24 giờ. EVNHANOI tiếp nhận yêu cầu của khách hàng 24/7 qua tổng đài 19001288, website, ứng dụng CSKH, zalo, email…
Khách hàng Trịnh Trường Thành (bên trái), địa chỉ tại ngõ 64 Vũ Trọng Phụng, TP.Hà Nội, trao đổi với đại diện Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam về việc đã được giải quyết thỏa đáng sau khi gửi yêu cầu tới EVNHANOI
|
Qua kiểm tra thực tế tại hai Công ty Điện lực Mê Linh và Thanh Xuân, Chủ tịch Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam – ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Hội Bảo vệ Người tiêu dùng rất quan tâm tìm hiểu vấn đề ghi chỉ số, lập hóa đơn tiền điện bởi một số người tiêu dùng đã phản ánh hóa đơn tiền điện tăng. Qua kiểm tra ban đầu cho thấy, quy trình kinh doanh của ngành Điện rất chặt chẽ, nhưng sai sót của một số cá nhân khi thực hiện đo, ghi chỉ số đã khiến khách hàng băn khoăn.
Ông Hùng nhận định, vấn đề cốt yếu là do khách hàng còn thiếu thông tin. EVN cần tăng cường truyền thông để khách hàng hiểu về hoạt động kinh doanh của ngành Điện, công tác ghi chỉ số, kiểm định công tơ, cũng như hiểu rõ các tiện ích từ hóa đơn điện tử, tiếp cận các kênh chăm sóc khách hàng ngành Điện….
Bà Đỗ Thị Kiều Trang - Phòng Giá điện và Phí thuộc Cục Điều tiết Điện lực nhận định, thời tiết nắng nóng khiến khách hàng có nhu cầu sử dụng điện nhiều hơn, kết hợp cùng cách tính giá điện bậc thang khiến chi phí tiền điện tăng cao. Tuy nhiên, việc áp dụng giá điện bậc thang là để khuyến khích khách hàng tiết kiệm điện. Hiện nay, Bộ Công Thương đang nghiên cứu điều chỉnh bậc thang giá điện cho phù hợp với thực tế sử dụng điện của khách hàng.
Ông Bùi Trung Dũng – Vụ Đo lường thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng cho biết, qua thực tế kiểm tra, ghi nhận tại PC Thanh Xuân, PC Mê Linh, trường hợp khách hàng đề nghị kiểm tra sự chính xác của công tơ đã được Điện lực và khách hàng phối hợp thực hiện. Kết quả kiểm định cho thấy, công tơ hoạt động chính xác, quá trình kiểm định khách quan và khách hàng đã thống nhất, không có ý kiến gì thêm.
Ông Dũng cũng thông tin thêm, công tơ chỉ được phép đưa vào sử dụng khi đã phê duyệt mẫu và kiểm định đạt yêu cầu kỹ thuật đo lường, dán tem và kẹp chì niêm phong theo đúng quy định hiện hành.
Với công tơ cơ, sau 5 năm sử dụng phải kiểm định lại. Với công tơ điện tử, thời gian kiểm định lại là sau 6 năm. Có nhiều đơn vị tham gia hoạt động kiểm định công tơ và đều phải đáp ứng các yêu cầu, quy trình nghiêm ngặt. “Riêng tại Hà Nội, có ít nhất 8 đơn vị, tổ chức thực hiện kiểm định công tơ, khách hàng có thể lựa chọn để đảm bảo tính khách quan” – ông Dũng cho hay.
Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm phát biểu tại buổi làm việc với đoàn kiểm tra liên ngành
|
Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm cho biết, phương châm của EVN luôn coi khách hàng là trung tâm để phục vụ. Tập đoàn luôn nỗ lực xây dựng niềm tin từ khách hàng. Thực tế hiện nay, trong bối cảnh rất nhiều khó khăn do mất cân đối nguồn điện, tình hình thuỷ văn bất lợi, Tập đoàn đã không ngừng nỗ lực để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của khách hàng.
Về một số sai sót trong ghi chỉ số, lập hóa đơn trong thời gian qua, ông Võ Quang Lâm cho biết đó là sai sót, lỗi của một số cá nhân. Hệ thống đo ghi chỉ số vẫn hoạt động ổn định. Việc trang bị và vận hành công tơ được EVN thực hiện theo đúng Luật đo lường.
Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm cũng cho biết, từ tháng 7 tới đây, Tập đoàn sẽ tăng cường công tác kiểm tra chéo trong việc đo ghỉ chỉ số, lập hóa đơn, hoàn chỉnh hơn quy trình nghiệp vụ kinh doanh. Đồng thời, tiếp tục thực hiện lộ trình hiện đại hóa hệ thống đo đếm một cách hợp lý.
EVN cũng sẽ xây dựng ứng dụng (app) CSKH thống nhất trong Tập đoàn và tăng tính thân thiện của các tiện ích CNTT để khách hàng sử dụng dễ dàng, thuận tiện, tích cực thông tin, truyền thông hai chiều tới khách hàng.