Kinh doanh - Dịch vụ khách hàng ngành Điện: Liên tục đổi mới và hoàn thiện

Thực hiện sứ mệnh “Đáp ứng đầy đủ nhu cầu về điện của khách hàng với chất lượng và dịch vụ ngày càng tốt hơn”, năm 2016, trong lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ khách hàng, EVN đã có nhiều đổi mới, được khách hàng ngày càng hài lòng, tin tưởng.

Chỉ số tiếp cận điện năng tăng 5 bậc

Năm 2016, lĩnh vực kinh doanh điện năng của EVN có nhiều đổi mới đáng kể, được khách hàng và các tổ chức thế giới ghi nhận. Theo báo cáo Môi trường Kinh doanh 2017 (Doing Business 2017) của Ngân hàng Thế giới (World Bank – WB), với chỉ số tiếp cận điện năng năm 2016 tăng 5 bậc, Việt Nam nằm trong nhóm 5/10 quốc gia có chỉ số thay đổi tích cực nhất. Kết quả này đã góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam lên vị trí 82/190 quốc gia, tăng 9 bậc xếp hạng so với năm trước.

Cụ thể, các yếu tố về số thủ tục, chi phí và thời gian tiếp cận điện năng tại Việt Nam năm 2016 đều được cải thiện. Số thủ tục giảm từ 6 xuống còn 5. Chỉ tiêu về chi phí cũng được đánh giá tốt hơn. Đặc biệt, số ngày thực hiện giảm 13 ngày, từ 59 ngày xuống còn 46 ngày. Trong đó, thời gian thực hiện của Điện lực chỉ còn 11 ngày (giảm 4 ngày). Ngân hàng Thế giới nhận định, mức thời gian này đã tiến rất gần nhóm ASEAN 4 và tốt hơn các nước trong khu vực như Indonesia, Timor-Leste, Campuchia, Myanmar, Lào.

Ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng Ban Kinh doanh EVN cho biết, việc nâng cao chỉ số tiếp cận điện năng được EVN quan tâm thực hiện tại tất cả các đơn vị điện lực, phục vụ khách hàng sử dụng điện, giúp khách hàng được trải nghiệm những dịch vụ điện năng tốt hơn. Đồng thời, đây cũng là nỗ lực của toàn Tập đoàn Điện lực Việt Nam nhằm góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo Nghị quyết của Chính phủ.

EVN nỗ lực cung ứng điện với chất lượng tốt nhất 

Theo đó, trong năm 2016, một loạt giải pháp đồng bộ đã được Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện. Đó là, sửa đổi Quy trình cấp điện (Bộ quy trình Kinh doanh), giảm thời gian thực hiện các thủ tục của ngành Điện từ 18 ngày (năm 2014) xuống còn không quá 10 ngày (năm 2016); thực hiện cơ chế “một cửa”; công khai về trình tự, thủ tục, đơn giá, định mức trong khâu cấp điện mới tại các phòng giao dịch khách hàng, website các đơn vị Điện lực…

Đặc biệt, tất cả các đơn vị điện lực đều thực hiện nghiêm phương châm “Điện lực đến với khách hàng”, chủ động cung cấp các dịch vụ trọn gói, phục vụ khách hàng tận nơi theo yêu cầu, hỗ trợ khách hàng tối đa. EVN cũng đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, áp dụng rộng rãi phần mềm Quản lý cấp điện trung áp tại các điện lực, giúp đơn vị quản lý chặt chẽ toàn bộ quy trình cấp điện cho khách hàng trung áp, đồng thời, hỗ trợ khách hàng theo dõi thông tin online về tiến độ thực hiện qua website chăm sóc khách hàng.

Đánh giá về những nỗ lực của EVN, chuyên gia kinh tế Cao Sỹ Kiêm - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia nhận định: Đây là nỗ lực rất đáng ghi nhận, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế đất nước, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Việc chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam được Ngân hàng Thế giới xác định có sự gia tăng qua từng năm đã thể hiện sự đóng góp và năng lực phục vụ của ngành Điện cho nền kinh tế đất nước. Đặc biệt, trong quá trình hội nhập, sự đổi mới của ngành Điện góp phần tạo nên sự đổi mới cho nền kinh tế, nâng cao khả năng hội nhập của Việt Nam với thế giới.

Nâng cao độ tin cậy cung ứng điện

Đóng vai trò chủ đạo trong nhiệm vụ đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, EVN không chỉ nỗ lực cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, mà còn không ngừng nâng cao chất lượng điện năng.

Ngay từ đầu năm, các đơn vị đã tập trung rà soát hệ thống điện, đặc biệt là hệ thống lưới điện hạ áp, xử lý tình trạng quá tải, hoàn thiện các sơ đồ, bổ sung thiết bị đóng, cắt… Đồng thời, các đơn vị đã tăng cường công tác quản lý vận hành, bảo dưỡng thiết bị, ngăn ngừa các sự cố trên lưới điện. 

Bên cạnh đó, sự hoạt động hiệu quả của các Trung tâm Chăm sóc khách hàng cũng giúp đơn vị điện lực nắm bắt nhanh thông tin sự cố điện do khách hàng phản ánh, kịp thời xử lý, không để kéo dài tình trạng gián đoạn cung ứng điện.

Đa dạng hóa hình thức thanh toán tiền điện mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng

Những nỗ lực của ngành Điện đã đem lại sự hài lòng cho các khách hàng sử dụng điện. Ông Trần Tâm – Giám đốc Công ty Tâm Bình Phương (trụ sở tại phường Linh Xuân, quận Thủ Đức, TP. HCM) phấn khởi cho biết: “Nguồn điện an toàn với điện áp ổn định đã giúp Công ty tôi thực hiện sản xuất liên tục ngày, đêm, kể cả vào mùa khô - mùa thiếu điện của miền Nam. Với nguồn năng lượng ổn định, chúng tôi dễ dàng duy trì hiệu quả hoạt động sản xuất, góp phần tăng sản lượng, tăng doanh thu cho Công ty”.

Cũng chung sự hài lòng, ông Khoa Anh Dũng – Phụ trách Cơ điện, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Hải Đăng, phường Thành Công, quận Ba Đình, TP Hà Nội cho biết: “Đã đóng điện được gần 1 năm, TBA của Công ty luôn được cấp điện ổn định, an toàn, chưa hề mất điện không báo trước dù chỉ 1 phút! Tôi đánh giá rất cao chất lượng điện năng do Điện lực cung cấp”.

Không dừng lại ở những kết quả đã đạt được, EVN tiếp tục nỗ lực để thực hiện các mục tiêu tới năm 2020, tỷ lệ tổn thất chỉ còn ≤ 6,5%, độ tin cậy cung cấp điện: SAIDI ≤ 400 phút/năm.

Đa dạng hóa hình thức thu tiền điện

Với mong muốn tạo thuận lợi tối đa cho khách hàng sử dụng điện, năm 2016, các đơn vị điện lực thuộc EVN đã đẩy mạnh việc đa dạng hóa các hình thức thanh toán tiền điện

Anh Nguyễn Xuân Ngọc – một khách hàng sử dụng điện tại phường Phước Long B, quận 9, TP Hồ Chí Minh cho biết, gia đình anh đã sử dụng dịch vụ nộp tiền điện qua ngân hàng hơn 1 năm nay. “Gia đình tôi không cần phải trông chừng đến ngày thu tiền điện, bố trí người ở nhà chờ nộp tiền, cũng không cần phải đi tới điểm giao dịch như trước đây. Chỉ vài thao tác nhanh gọn trên Internet banking là tôi đã hoàn tất việc thanh toán tiền điện. Rất đơn giản, thuận tiện. Tôi đánh giá cao việc ngành Điện đã điện tử hóa dịch vụ khách hàng, giúp chúng tôi dễ dàng sử dụng dịch vụ” – anh Ngọc cho hay. 

Không dừng lại ở các dịch vụ đã cung cấp, năm 2016, có thêm một hình thức thu tiền điện được EVN chính thức triển khai trong toàn Tập đoàn: Thu tiền điện liên tuyến. Theo đó, khách hàng của Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội (EVNHANOI) và Tổng công ty Điện lực TP HCM (EVNHCMC) có thể thực hiện thanh toán tại bất kỳ phòng giao dịch khách hàng hoặc quầy thu nào của các công ty điện lực trực thuộc. Đối với 3 tổng công ty điện lực ở 3 miền Bắc – Trung - Nam, từ cuối năm 2016, khách hàng tại một số tỉnh đã có thể thanh toán tiền điện tại quầy thu tiền bất kỳ của các công ty điện lực trực thuộc.  

Hưởng ứng dịch vụ mới của ngành Điện, gia đình bác Nguyễn Thị Sâm – phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội chia sẻ: “Tôi cũng có tuổi rồi nên không thạo công nghệ, khó thực hiện các dịch vụ thanh toán online. Trước đây, tôi thường phải bỏ ngang công việc để đến nộp tiền điện tại điểm thu gần nhà. Kể từ khi có dịch vụ thanh toán tiền điện liên tuyến, tôi có thể thanh toán tiền điện tại bất kỳ đâu, rất tiện lợi”.

Dự kiến năm 2017, khách hàng có thể thanh toán tiền điện tại bất kỳ quầy thu tiền điện nào trên cả nước. Đây là bước tiến lớn của EVN, nhằm tối đa hóa lợi ích cho khách hàng. Đồng thời, việc đa dạng hóa các hình thức thanh toán tiền điện cũng góp phần giải tỏa áp lực tại quầy giao dịch vào đợt cao điểm, và giúp các đơn vị điện lực giảm bớt biên chế thu ngân viên, tăng năng suất lao động. 

Các hình thức thanh toán tiền điện: 

- Trực tiếp tại phòng giao dịch hoặc các điểm thu, 
- Qua ngân hàng (tại quầy, qua Internet-Mobile Banking), 
- Qua các tổ chức trung gian thu hộ như EC Pay, Payoo, Viettel…

Điểm đánh giá mức độ hài lòng khách hàng (2014 - 2016):

- Năm 2014: 6,9

- Năm 2015: 7,27

- Năm 2016: 7,69

 

 


  • 02/02/2017 10:13
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 12971