Ông Trần Thanh Hải, Phó Giám đốc PC Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, bình quân, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có khoảng 2.000 - 2.600 giờ nắng/năm, với cường độ bức xạ trung bình khá cao, khoảng 5,47 kWh/m2/ngày, đặc biệt là từ tháng 1 đến tháng 5 hàng năm. Phát huy lợi thế này, từ tháng 7/2016, PC Bà Rịa - Vũng Tàu đã lắp đặt và đưa vào sử dụng hệ thống điện mặt trời (ĐMT) nối lưới tại văn phòng Công ty.
Cũng theo ông Hải, nguồn điện mặt trời sử dụng vào mục đích dân sinh chủ yếu có công suất nhỏ. Để phát huy hiệu quả, PC Bà Rịa - Vũng Tàu đã tiến hành hòa lưới trực tiếp từ nguồn điện mặt trời (không tích trữ), phù hợp với nhu cầu sử dụng ngày càng nhiều điện vào giờ hành chính, chủ yếu phục vụ nhu cầu thắp sáng, hệ thống máy lạnh, máy tính...
Đặc biệt, việc sử dụng hệ thống điện mặt trời hòa lưới trực tiếp không cần bộ tích điện, suất đầu tư cũng như chi phí bảo dưỡng thấp, độ bền cao, bảo hành lâu dài và dễ dàng nâng cấp mở rộng hệ thống. Ngoài ra, khi hòa lưới trực tiếp còn có thể loại bỏ được các vật liệu gây ô nhiễm môi trường như chì, lithium...
Hệ thống điện mặt trời của PC Bà Rịa - Vũng Tàu được thiết kế và lắp đặt trên nóc tòa nhà văn phòng, với tổng diện tích mái là 1.164m2, công suất 140 kWp. Hệ thống hoạt động theo nguyên lý, các tấm pin NLMT sẽ nhận bức xạ mặt trời và chuyển hóa thành nguồn điện một chiều (DC). Thông qua bộ biến đổi điện DC/AC, nguồn điện DC được chuyển đổi thành nguồn điện xoay chiều 220 V/ 50 Hz (AC) cùng pha, cùng tần số, kết nối với lưới điện (điểm hòa lưới). Từ điểm hòa lưới, dòng điện AC đi đến các bảng tủ điện để cung cấp cho các phụ tải sử dụng hoặc phát lên lưới điện.
Ông Trần Thanh Hải cho biết, do hệ thống điện mặt trời hòa lưới trực tiếp là hệ thống mở (công suất phát của hệ thống không phụ thuộc vào công suất tải sử dụng), nên khi công suất điện mặt trời phát bằng công suất tiêu thụ, văn phòng sẽ nhận điện hoàn toàn từ nguồn điện mặt trời. Khi công suất từ nguồn điện mặt trời nhỏ hơn công suất tiêu thụ (do thiếu nắng, vào ban đêm...), Văn phòng sẽ nhận thêm nguồn từ điện lưới. Còn khi công suất điện mặt trời lớn hơn công suất tiêu thụ, nguồn điện mặt trời sẽ hòa vào lưới điện quốc gia cung cấp cho khách hàng.
Toàn cảnh hệ thống tấm pin NLMT lắp trên mái của tòa nhà Văn phòng PC Bà Rịa - Vũng Tàu
|
Tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường
Tuy mới đi vào hoạt động, nhưng đến nay, hệ thống điện mặt trời hòa lưới trực tiếp của PC Bà Rịa - Vũng Tàu đã mang lại hiệu quả thiết thực, tiết kiệm đáng kể tiền điện hàng tháng của Công ty.
Cụ thể, từ tháng 7 đến cuối tháng 12/2016, hệ thống điện mặt trời đã phát ra tổng sản lượng 99.150 kWh; trong đó, cung cấp cho văn phòng Công ty là 45.198 kWh, chiếm 60% tổng sản lượng điện nhận của văn phòng PC Bà Rịa – Vũng Tàu trong 6 tháng; góp phần tiết kiệm được 128 triệu đồng tiền điện, tương đương khoảng 21 triệu đồng/tháng. Đồng thời, hệ thống điện mặt trời cũng đã phát lên lưới điện tổng sản lượng 53.952 kWh để cung cấp cho khách hàng.
Không chỉ tiết kiệm tiền điện, hệ thống điện mặt trời nối lưới của PC Bà Rịa - Vũng Tàu còn góp phần giảm tải cho hệ thống điện, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và phù hợp với xu thế phát triển năng lượng tái tạo của thế giới.
Tuy có nhiều ưu điểm, nhưng hệ thống điện mặt trời lại phụ thuộc nhiều vào thời tiết và không sử dụng được vào ban đêm. Bên cạnh đó, hệ thống này không tích trữ và cũng không điều tiết được sản lượng phát. “Ngoài ra, còn một hạn chế nữa là trong trường hợp mất điện lưới, hệ thống hòa lưới (Inverter) cũng buộc phải ngừng hoạt động, đảm bảo an toàn cho lưới điện”, ông Hải cho biết thêm.
Dù vậy, hệ thống điện mặt trời của PC Bà Rịa – Vũng Tàu đã và đang phát huy hiệu quả, thực hiện tốt mục tiêu tạo môi trường làm việc hiện đại, thân thiện với nguồn năng lượng xanh, sạch, đẹp, tiết kiệm và hiệu quả. Đặc biệt, đây cũng là giải pháp cụ thể nhất, góp phần vào việc nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội về sử dụng năng lượng xanh, sạch, an toàn và tiết kiệm.