Ảnh minh họa
|
Tại Hội thảo “Xây dựng cơ chế thu hồi, xử lý bóng đèn compact thải bỏ tại Việt Nam” do Viện Chiến lược, Chính sách Tài Nguyên & Môi trường (Bộ TN&MT) vừa tổ chức, bà Lloly - Yana de Jesus, chuyên gia quốc tế đến từ Philipines đã chia sẻ mô hình thu hồi bóng đèn thải hiệu quả ở một số nước trên thế giới mà Việt Nam có thể tham khảo.
Theo bà Lloly, với những tính chất đặc thù như: Dễ vỡ, trọng lượng nhỏ, không còn giá trị tồn dư khi hỏng, chi phí thu gom và tái chế lớn hơn giá trị sản phẩm…, việc thu gom và tái chế bóng đèn thải rất khác so với các sản phẩm điện tử khác, do đó, cần phải có giải pháp và mô hình vận hành đặc biệt.
Nếu như ở Việt Nam, bây giờ mới bắt đầu áp dụng cơ chế EPR - áp trách nhiệm của các nhà sản xuất, nhập khẩu đối với các sản phẩm thải loại có tính độc hại - thì ở nhiều quốc gia trên thế giới như Pháp, Hàn Quốc, Đài Loan…, cơ chế này đã được thực hiện từ khá lâu với những mô hình vận hành đặc biệt.
Pháp: Chỉ một tổ chức duy nhất được xử lý bóng đèn thải
Việc xử lý bóng đèn thải loại được thực hiện thông qua một tổ chức duy nhất được Chính phủ kiểm định - Récylum. Đây là một tổ chức phi lợi nhuận, được bốn nhà sản xuất bóng đèn (General Electric, Philips, Havells Sylvania và OSRAM) thành lập vào năm 2005.
Để thực hiện nhiệm vụ tái chế, Récylum ký hợp đồng với Paprec - Một trung tâm thu gom chuyên nghiệp - để lấy bóng đèn thải từ các điểm thu gom khác nhau. Sau đó, vận chuyển các sản phẩm này đến các cơ sở tái chế.
Ngoài ra, Récylum còn thực hiện hiệu quả các chiến dịch truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân, các nhà phân phối, bán lẻ vào việc thu gom các sản phẩm bóng đèn thải.
Hiện Pháp đã thiết lập được hơn 4.000 điểm thu gom đô thị và hơn 5.000 điểm thu gom khác… Tỷ lệ thu gom đạt khoảng 30%.
Hàn Quốc: Áp chỉ tiêu tái chế bắt buộc cho nhà sản xuất
Với luật thúc đẩy tiết kiệm và tái chế tài nguyên được ban hành vào năm 1991, Bộ Môi trường Hàn Quốc yêu cầu các nhà sản xuất phải trực tiếp chịu trách nhiệm về chất thải của các sản phẩm thông qua chỉ tiêu tái chế bắt buộc (MRT).
Theo đó, Pháp luật Hàn Quốc đã thành lập hệ thống hoàn trả tiền đặt cọc của nhà sản xuất (đến năm 2003 đổi thành trách nhiệm của các nhà sản xuất). Bộ Môi trường sẽ thu khoản tiền đặt cọc trước từ các nhà sản xuất trên mỗi sản phẩm cho các chi phí tái chế. Tổng công ty Tái chế Hàn Quốc (KORECO) có nhiệm vụ quản lý quỹ này và theo dõi tình trạng tái chế.
Mỗi năm, các nhà sản xuất phải đáp ứng chỉ tiêu tái chế bắt buộc (MRT), nếu không sẽ phải trả chi phí thực tế của mỗi sản phẩm sản phẩm cộng với khoản phụ phí 30%.
Tính đến cuối năm 2011, tỷ lệ thu gom và tái chế bóng đèn của Hàn Quốc đạt mức 31,0%.
Đài Loan: Chương trình tái chế “4 trong 1”
Vào năm 1997, Cục Bảo vệ Môi trường Đài Loan (EPAT) đã thành lập Chương trình tái chế “4 trong 1”, thông qua Đạo luật Xử lý chất thải. Chương trình này là sự phối hợp có hệ thống “4 thành phần”: Cộng đồng dân cư, các ngành công nghiệp tái chế, chính quyền địa phương và Quỹ tái chế.
Quỹ tái chế là điểm nhấn của chương trình tái chế “4 trong 1”. Chi phí để vận hành Quỹ tái chế do các nhà sản xuất và nhập khẩu cung cấp, đổi lại họ sẽ không phải chịu trách nhiệm về việc tái chế các sản phẩm của mình.
Quỹ này do Ban Quản lý Quỹ tài nguyên (REMB) thuộc EPAT quản lý… và được sử dụng để hỗ trợ các đơn vị tham gia tái chế, nhằm thuyết phục, vận động các đơn vị này tích cực tham gia vào các chương trình tái chế. Mức trợ cấp dựa trên một số yếu tố như: Chi phí hàng năm của thành phố quy định về xử lý chất thải; giá trị tái chế, hoặc tái sử dụng của các sản phẩm…
Quyết định 50/QĐ-TTg được Thủ tướng Chính phủ ban hành vào ngày 9/8/2013, quy định về thu hồi và xử lý các sản phẩm thải bỏ. Theo Quyết định này, từ ngày 1/1/2015, nhiều thiết bị điện tử, điện dân dụng và công nghiệp hết hạn sử dụng hoặc thải bỏ (trong đó có bóng đèn compact, huỳnh quang) sẽ phải thu hồi và xử lý. |