Kinh nghiệm từ cơ sở

Hàng loạt giải pháp tăng năng suất lao động (NSLĐ) được các đơn vị trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện đã mang lại kết quả tích cực. PV Tạp chí Điện lực đã ghi lại ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm và cả những trăn trở trong quá trình triển khai thực hiện Đề án tăng NSLĐ tại một số đơn vị.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Tổng giám đốc EVNHCMC: Tiến tới mục tiêu không còn nhân viên thu tiền điện

EVNHCMC đã xây dựng chương trình quản lý nguồn và lưới điện (PMIS), hệ thống đo đếm dữ liệu điện kế từ xa (MDMS), các ứng dụng hệ thống thông tin địa lý lưới điện (GIS) với 6 bản đồ phục vụ quản lý kỹ thuật, quản lý vận hành và chương trình giám sát công nhân sửa chữa điện.

Tổng công ty đã sử dụng thiết bị di động trong ghi số điện, thu tiền điện và tác nghiệp ngoài hiện trường. Đặc biệt, EVNHCMC đã đa dạng hóa hình thức thanh toán tiền điện, khuyến khích khách hàng thanh toán qua các kênh giao dịch điện tử, không dùng tiền mặt như, SMS/Mobile Banking, Internet Banking, ví điện tử… Đến nay, Tổng công ty đã phối hợp với 22 ngân hàng và 8 đối tác thu hộ tiền điện trên địa bàn TP.HCM, tỉ lệ thu qua ngân hàng và các điểm thu ngoài đạt 80,25% về khách hàng, tương ứng với 86,8% về doanh thu, trong đó, 60,51% số khách hàng thanh toán qua các hình thức điện tử.

Kết quả, ngành Điện TP.HCM đã giảm bớt lực lượng lao động, nhất là nhân viên thu ngân tại nhà khách hàng. Nhân lực thu tiền điện trước đây khoảng 500 người sẽ được Tổng công ty bố trí đào tạo lại, chuyển đổi ngành nghề khác phù hợp và tiến đến không còn nhân viên thu tiền điện. 

Ông Lê Duy Anh Tuấn, Phó Trưởng ban Tổ chức - Nhân sự, Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC): Bố trí lao động hợp lý

Cùng với các giải pháp về khoa học công nghệ, EVNCPC còn đặc biệt chú trọng đến khâu tổ chức lại sản xuất, bố trí lao động hợp lý. Hiện nay, các trạm 110 kV trong Tổng công ty đã bắt buộc phải giảm số lao động từ 11 người xuống còn 8 người/trạm. Thời gian qua, EVNCPC đã kiên quyết không thành lập Điện lực mới, đồng thời mở rộng diện luân chuyển cán bộ, có cơ chế khuyến khích phát hiện cán bộ giỏi, có quy hoạch và đào tạo bài bản. Cho tới nay, EVNCPC là đơn vị đầu tiên và duy nhất trong Tập đoàn tổ chức thi tuyển trực tiếp chức danh Phó giám đốc Công ty Điện lực, tạo động lực, cơ hội cho CBCNV phấn đấu nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, thể hiện năng lực của mình, góp phần nâng cao NSLĐ.

Để hoàn thành chỉ tiêu NSLĐ do Tập đoàn giao, EVNCPC cũng gặp những khó khăn khách quan. Theo kế hoạch năm 2017, NSLĐ của EVNCPC tính theo chỉ tiêu điện thương phẩm/lao động là 1,57 triệu kWh/người, lộ trình đến năm 2020 sẽ là 2,27 triệu kWh/người. Nhưng do ảnh hưởng của bão lũ, mức tăng trưởng của điện thương phẩm của Tổng công ty năm 2017 dự kiến chỉ đạt khoảng 7 - 8%/năm, sản lượng điện cấp cho quản lý tiêu dùng sụt giảm, sản lượng điện cho công nghiệp - xây dựng lại không tăng như kỳ vọng. Tuy nhiên, chúng tôi xác định, việc nâng cao NSLĐ là cả quá trình, do đó sẽ kiên trì thực hiện các giải pháp, hướng tới hoàn thành mục tiêu Đề án nâng cao hiệu quả SXKD và NSLĐ vào năm 2020. 

Ông Nguyễn Hữu Phiên, Giám đốc Công ty Nhiệt điện Duyên Hải, Tổng công ty Phát điện 1: Tuyển chọn nguồn nhân lực chất lượng cao ngay từ đầu vào

Trong năm 2017, Công ty Nhiệt điện Duyên Hải đặt mục tiêu, điện thương phẩm/người tại Nhà máy 1 là 9,58 triệu kWh/người, tại Nhà máy 2 là 12,22 triệu kWh/người. Yếu tố quan trọng góp phần tăng NSLĐ, nâng cao hiệu quả sản xuất chính là chất lượng nguồn nhân lực. Theo đó, ngay từ khâu tuyển dụng, Công ty đưa ra những yêu cầu khắt khe nhằm tuyển được những lao động có năng lực, chuyên môn tốt nhất. Sau khi tuyển chọn, các kỹ sư đều được đào tạo tại chỗ theo chức danh, hoặc gửi đi thực tập tại các nhà máy như Nhiệt điện Uông Bí, Nhiệt điện Vĩnh Tân 2…Ngoài ra, đã có hơn 100 lượt CBCN vận hành, sửa chữa thiết bị được đưa đi đào tạo, nâng cao trình độ, tay nghề ở nước ngoài.

Quy trình sản xuất điện tại 2 nhà máy của Công ty cũng có những đặc thù riêng. Vào cao điểm mùa nắng nóng, các tổ máy liên tục phải vận hành đầy tải. Việc sửa chữa, bảo dưỡng cũng phải tiến hành liên tục. Áp lực công việc đòi hỏi Công ty phải bố trí kế hoạch sản xuất một cách hợp lý, phân chia ca, kíp sao cho phù hợp, hiệu quả nhất. Đồng thời, Công ty cũng kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động, từ đó, có chế độ đãi ngộ thỏa đáng, khen thưởng động viên kịp thời. 

 

 

Ông Tạ Việt Hùng - Trưởng ban Kỹ thuật - Sản xuất EVNNPT: Ứng dụng KHCN là then chốt, nhưng… không dễ

Để đạt được mục tiêu tăng năng suất lao động, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đã đề ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn gặp phải nhiều khó khăn, thách thức như, nhân lực hiểu biết về KHCN còn thiếu và yếu. EVNNPT quản lý vận hành lưới điện trong phạm vi cả nước, nhưng chưa có phòng ban chuyên trách về KHCN. Tại các đơn vị của EVNNPT, cán bộ phụ trách khoa học thường  phải kiêm nhiệm. 

Nghiên cứu là một quá trình liên tục, đòi hỏi có nhiều thời gian tìm kiếm và nghiên cứu tài liệu. Tuy nhiên do quá bận rộn với khâu tác nghiệp sản xuất, hầu hết cán bộ không đủ thời gian thu thập tài liệu và nghiên cứu ứng dụng. Để triển khai một đề tài nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất cần có thời gian dài chuẩn bị và đòi hỏi nguồn kinh phí lớn với một cơ chế tài chính đặt thù.

Ngoài ra, việc triển khai thử nghiệm trong điều kiện vẫn phải đảm bảo sản lượng là rất khó, đôi khi là không thể. Trong khi đó, EVNNPT thiếu (không có) phòng thí nghiệm. Các chương trình, dự án ứng dụng KHCN triển khai còn chậm do phải tuân thủ các trình tự thủ tục đầu tư. 
 


  • 08/12/2017 04:25
  • Theo TCĐL chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 6050