Kinh nghiệm về tái cơ cấu doanh nghiệp và chuyển đổi số tại Tập đoàn Lưới điện Phương Nam Trung Quốc

Tái cơ cấu tổ chức và chuyển đổi số tại Tập đoàn Lưới điện Phương Nam Trung Quốc (CSG) là nội dung chính được chia sẻ tại hội thảo trực tuyến giữa CSG và Tập đoàn Điện lực Việt Nam vừa qua. Trong dịp này, CSG đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm triển khai hiệu quả hai nhiệm vụ quan trọng này.

Ảnh minh hoạ.

Tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước và tổ chức giám sát tài sản do Nhà nước sở hữu

Từ tháng 3/2003, Quốc vụ viện Trung Quốc đã thành lập Ủy ban Giám sát và Quản lý tài sản thuộc sở hữu Nhà nước (SASAC) với các nhiệm vụ chính liên quan đến giám sát và điều tiết tài sản thuộc sở hữu nhà nước, hướng dẫn, đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp, đồng thời giám sát việc thực hiện các chính sách quốc gia về an toàn sản xuất trên cơ sở các quy định liên quan của doanh nghiệp. 

Trong đó, tài sản nhà nước được giám sát theo hướng tập trung quản lý vốn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, tăng cường toàn diện công tác xây dựng Đảng, chuyển đổi trọng tâm quản lý từ quản lý doanh nghiệp sang quản lý vốn nhà nước.

Tập đoàn CSG, trên cơ sở định hướng tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước như trên đã định vị chiến lược trở thành doanh nghiệp tiên phong trong tái cơ cấu doanh nghiệp. Cụ thể, CSG đã tiến hành cải cách toàn diện, xây dựng kế hoạch triển khai tổng thể phù hợp với kế hoạch hành động 3 năm cải cách các doanh nghiệp nhà nước, triển khai các nghiên cứu thực tế và củng cố hệ thống, đồng bộ quy trình, ưu tiên các hệ thống cải cách chính.

CSG đã đi đầu trong việc cải cách biểu giá truyền tải và phân phối với việc thành lập đại lý mua bán điện theo hình thức cổ phần, thực hiện thanh quyết toán và vận hành thử nghiệm thị trường điện giao ngay. 

CSG cũng đã thành lập và cải tiến hệ thống doanh nghiệp hiện đại. Mỗi công ty con ở các cấp khác nhau đã thành lập đầy đủ hội đồng quản trị tiêu chuẩn với đa số giám đốc bên ngoài (external director) và thực hiện đầy đủ quyền hạn và chức năng của hội đồng quản trị. Các ủy ban đặc biệt và các cơ quan làm việc trực thuộc hội đồng đã được cải tiến nhằm thúc đẩy khả năng thực thi quyền hạn và thực thi nhiệm vụ của các giám đốc này. Thực hiện phân quyền phân biệt trong hệ thống để làm cho hoạt động quản trị công ty con linh hoạt và hiệu quả hơn.

Một bước đột phá đã được CSG thực hiện là ba doanh nghiệp, hai dự án của CSG đã được trao danh hiệu "Điểm chuẩn", Công ty Công nghệ CSG được đánh giá là doanh nghiệp tiêu chuẩn cấp AA cho "Cải cách doanh nghiệp nhà nước nghiên cứu khoa học".

Chuyển đổi số và xây dựng lưới điện số tại CSG

Chia sẻ về định hướng chuyển đổi số của CSG, theo ông Wu Xiaochen - Trưởng ban chuyển đổi số của tập đoàn này, CSG luôn coi chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, là chiến lược phát triển và coi đây là một con đường chiến lược quan trọng để hỗ trợ quá trình chuyển đổi CSG thành doanh nghiệp "ba vai trò” (cơ quan vận hành lưới điện thông minh, người tích hợp chuỗi giá trị và đơn vị cung cấp dịch vụ hệ sinh thái năng lượng).

Năm 2020, CSG đã ban hành Kế hoạch hành động về quản lý và thay đổi kinh doanh đối với chuyển đổi số và xây dựng lưới điện kỹ thuật số của CSG. Theo đó, CSG xác định công nghệ số thúc đẩy các thay đổi của xã hội, tăng năng suất lao động, từ đó dẫn dắt sự thay đổi các ngành công nghiệp, do đó, doanh nghiệp phải kết hợp được công nghệ số với nền kinh tế, đẩy mạnh tiêu dùng online, thanh toán trên mobile và làm việc từ xa.

Coi công nghệ số là yếu tố dẫn dắt cuộc cách mạng năng lượng, CSG đã tiến hành xây dựng lưới điện kỹ thuật số bằng việc sử dụng các công nghệ số thế hệ mới như điện toán đám mây, big data, IoT, mobile internet, trí tuệ nhân tạo và block chain làm các yếu tố dẫn dắt cốt lõi; sử dụng dữ liệu làm yếu tố sản xuất chính; mạng lưới năng lượng hiện đại, hệ thống thông tin thế hệ mới làm phương tiện vận chuyển để thúc đẩy chuyển đổi lưới điện hiện tại sang kỹ thuật số và thông minh. 

Trong những năm gần đây, việc xây dựng lưới điện kỹ thuật số tại CSG đã được đẩy mạnh với CSG Cloud, trung tâm dữ liệu cơ sở, IoT theo khu vực, nền tảng AI và nền tảng blockchain được hoàn thiện. CSG cũng đã hiện thực hóa triển khai toàn diện thế hệ công nghệ số mới trong tất cả các liên kết của lưới điện và tất cả các quy trình kinh doanh, đồng thời thúc đẩy việc triển khai chuyên sâu tại các công ty lưới điện cấp tỉnh và địa phương. Theo kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của CSG, dự kiến lưới điện số và quá trình chuyển đổi số của CSG sẽ hoàn thành vào năm 2025.

 

Tập đoàn Lưới điện Phương Nam Trung Quốc - CSG: 

- Liên tục 15 năm được Ủy ban quản lý vốn nhà nước Quốc Vụ Viện Trung Quốc đánh giá đạt mức A về hiệu quả kinh doanh.

- 17 năm nằm trong danh sách 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới, hiện tại đang xếp vị trí thứ 91.

- Trong bảng xếp hạng 10 đơn vị tốt nhất về độ tin cậy cung ứng điện trên toàn quốc, có 6 đơn vị trực thuộc CSG.

- Thời gian mất điện bình quân/khách hàng tại 9 thành phố khu vực Quảng Đông - Hồng Kông - Ma Cao là 1,88 giờ, thời gian mất điện bình quân/khách hàng tại thành phố Thâm Quyến là 32,4 phút, mức gần như tốt nhất thế giới.

- Tích cực ứng dụng kỹ thuật số trong toàn bộ hệ thống lưới điện như triển khai xây dựng “Lưới điện 5G + thông minh”, sử dụng các thiết bị như trực thăng, drone, thiết bị giám sát online để thực hiện quản lý số đường dây truyền tải trên toàn hệ thống, sử dụng robot để nâng cao năng suất công việc...

Cơ hội hợp tác giữa CSG và EVN

Trong thực tế, EVN và CSG có nét tương đồng về lĩnh vực, quy mô hoạt động; mỗi tập đoàn đều thực hiện đầy đủ các khâu trong quá trình sản xuất, truyền tải, phân phối và kinh doanh điện năng, phục vụ số lượng khách hàng rất lớn và địa bàn trải rộng. Tại buổi làm việc của hai bên, EVN cũng đề nghị phía CSG hỗ trợ, hợp tác với EVN trong một số lĩnh vực. Cụ thể, sau năm 2025 hai bên đồng nghiên cứu phát triển lưới điện cao áp một chiều. Hiện nay, Việt Nam đã có lưới điện xoay chiều nhưng trong thời gian tới không còn nhiều điều kiện để phát triển thêm, do đó, việc nghiên cứu xây dựng lưới điện cao áp một chiều là cần thiết.

Bên canh đó, tỷ lệ xâm nhập của năng lượng tái tạo vào lưới điện Việt Nam rất lớn. Theo Quy hoạch phát triển điện quốc gia, đến năm 2045, tỷ lệ công suất điện mặt trời và điện gió trong hệ thống sẽ chiếm từ 40-50%. Do đó EVN đề xuất phối hợp cùng CSG nghiên cứu các chế độ vận hành lưới điện trong điều kiện lượng công suất năng lượng tái tạo chiếm tỷ trọng lớn;

Đối với lĩnh vực chuyển đổi số, do hai tập đoàn có nhiều tương đồng trong các lĩnh vực hoạt động, EVN đã đề xuất tổ chức một nhóm nghiên cứu về quá trình và thành tựu chuyển đổi số của CSG, với mục tiêu hỗ trợ EVN chuyển đổi số thành công vào năm 2022 và chuyển đổi thành doanh nghiệp số vào năm 2025. Ngoài ra, các Ban chuyên môn của EVN cũng sẽ chủ động kết nối với các Ban/đơn vị của CSG để hình thành các nhóm công tác, giao lưu, chia sẻ thông tin theo lĩnh vực chuyên môn, chủ động tổ chức các cuộc họp định kỳ hoặc theo vấn đề cần giao lưu học hỏi để học tập kinh nghiệm và các thông lệ tốt nhất của CSG, áp dụng vào thực tế công việc của EVN.


  • 21/12/2021 03:20
  • Đình Ngà
  • 9528