Kỹ năng số một để thành công

Theo Bonnie Low-Kramen - tác giả, chuyên gia về lãnh đạo và xây dựng môi trường làm việc, sự tự tin là kỹ năng số một để thành công.

Chia sẻ với CNBC, vị nữ chuyên gia cho biết sự tự tin là chìa khóa để một người có thể đưa ra “các quyết định có tầm ảnh hưởng lớn” tại nơi làm việc, là kỹ năng cần phải có của những người thành công. Đây đồng thời là kỹ năng mềm đã giúp thúc đẩy sự nghiệp của nhiều nhà lãnh đạo hiện tại, từ Tim Cook của Apple cho đến Warren Buffett.

Ảnh minh họa.

“Sự tự tin là một kỹ năng quan trọng và là điều làm nên sự khác biệt lớn nhất tại nơi làm việc. Người có sự tự tin cao dù năng lực thấp hơn sẽ giành được công việc trước người có năng lực cao hơn nhưng sự tự tin thấp”, Low-Kramen viết hồi tháng 2 trong cuốn sách của bà mang tên Staff Matters: People-Focused Solutions for the Ultimate New Workplace (tạm dịch: Nhân sự quan trọng: Giải pháp tập trung vào con người cho nơi làm việc xuất sắc).

Bà Low-Kramen cho biết thêm, dù việc xây dựng kỹ năng này cần thời gian, nỗ lực và thời gian đã bỏ ra là hoàn toàn xứng đáng với cảm giác mạnh mẽ cùng dạn dĩ mà một người có được sau đó. Dưới đây là 3 cách hữu ích để xây dựng sự tự tin, theo Low-Kramen.

Ngừng xin lỗi một cách vô tội vạ và không cần thiết

Với nhiều người, lời “xin lỗi” sau một số tình huống cụ thể, ngay cả với những tình huống không cần thiết lời xin lỗi, gần như là một thói quen. Tuy nhiên, việc xin lỗi một cách vô tội vạ khi không thực sự cần thiết có thể phản tác dụng: hạ thấp lòng tự trọng của bạn và khiến người khác xem nhẹ bạn hơn.

Theo Low-Kramen, điều trên đặc biệt đúng với phụ nữ. “Phụ nữ xin lỗi quá thường xuyên và khi chúng tôi làm vậy, điều đó cho thấy sự thiếu tự tin. Thay cho lời xin lỗi, hãy nói cảm ơn. Thay vì nói xin lỗi, chúng ta cần dời lại cuộc hẹn, hãy nói cảm ơn bạn đã cùng tôi sắp xếp lại lịch trình”, bà viết.

Cách tiếp cận trên cho thấy sự chủ động lẫn chắc chắn hơn và giúp lời xin lỗi của bạn gây tác động mạnh mẽ hơn khi được sử dụng trong tình huống phù hợp.

Rèn giũa kỹ năng nói chuyện

Truyền đạt thành công thông điệp của bản thân cho người khác cũng có thể góp phần nâng cao sự tự tin. Nhưng sẽ thật khó để làm được điều này nếu một người nói quá lan man hoặc nói quá nhỏ.

“Nếu bạn đang mắc phải điều này, hãy nói chậm lại, giảm cao độ giọng nói và tăng âm lượng để lời nói của bạn được người khác đón nhận một cách nghiêm túc hơn”, Low-Kramen viết.

“Nói nhanh, nhỏ và ở âm vực cao là hành động phát đi thông điệp rằng bạn đang thiếu tự tin. Nó có thể khiến người nghe cảm thấy rằng bạn chỉ muốn kết thúc cuộc trò chuyện và thông điệp mà bạn muốn gửi gắm không quan trọng mấy”, vị tác giả cho biết.

Dù vậy, không dễ để có thể rèn giũa kỹ năng nói chuyện, đặc biệt là nói trước đám đông. Một nghiên cứu năm 2016 công bố cho thấy, phát biểu trước công chúng có thể khó khăn hơn vì đây là một trong những kỹ năng gieo rắc nỗi sợ lớn nhất tại nơi làm việc: 15-30% số người được khảo sát thực sự sợ điều này.

Một mẹo để giải quyết vấn đề này, theo Simon Sinek - tác giả, diễn giả truyền cảm hứng nổi tiếng, là đan các ngón tay lại với nhau và giữ yên bàn tay của mình. Theo Sinek, việc đan các ngón tay lại giúp anh nói chậm hơn mà không cần phải quá chú tâm để có thể duy trì được tốc độ đó; nhờ vậy, giúp anh tập trung hơn đến bản thân cuộc trò chuyện.

Đạt được mục tiêu đề ra

Trên thực tế, việc đạt được mục tiêu do bản thân đặt ra có thể có tác động tích cực rất lớn đến lòng tự trọng và sự tự tin của bạn, Low-Kramen cho hay. “Quá trình quyết định làm một điều gì đó, như việc học tập để đạt chứng chỉ hay bằng cấp, là một thành tựu có thể định lượng mà không ai có thể tranh cãi hay tước đoạt”, bà viết.

Cần biết rằng, không quan trọng mục tiêu của bản thân là gì, dù nó có thể là hoàn thành một dự án tại nơi làm việc, mong muốn cá nhân hay đơn giản là làm điều gì đó mà chúng ta yêu thích, việc đạt được mục tiêu đã đề ra và làm tốt nó đều dẫn đến hạnh phúc cũng như cải thiện sự tự tin.

Barbara Corcoran - một nữ doanh nhân, triệu phú người Mỹ, từng chia sẻ về việc này. Bà cho biết, ngay từ những ngày đầu khởi nghiệp, bà nhận thấy tất cả đối thủ của mình đều rất biết cách ăn mặc sao cho “ra dáng”. Thế nên, Corcoran đã đặt mục tiêu phải mua cho bằng được một chiếc áo khoác sang trọng sau khi đã kiếm đủ tiền từ công việc môi giới bất động sản của mình, để có thể khoác lên vẻ ngoài tương tự.

Sau khoảng thời gian tích lũy, Corcoran đã có thể mua được cho mình chiếc áo khoác đắt nhất tại cửa hàng Bergdorf Goodman - thương hiệu nổi tiếng sang trọng tại New York, với giá 320 USD. Theo nữ triệu phú, việc đạt được mục tiêu này, dù là nhỏ bé, đã cải thiện đáng kể sự tự tin của bà.

“Chiếc áo khoác mới khiến tôi cảm thấy mình giống như một nhân vật lớn mà tôi mong ước trở thành. Tôi đã mặc chiếc áo khoác của mình trong 4 năm tiếp theo và đó là khoản đầu tư tốt nhất mà tôi từng thực hiện”, bà kể.

Link gốc


  • 05/09/2023 01:59
  • Theo https://doanhnhansaigon.vn/
  • 3706