“Kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN”- Tiêu chuẩn khắt khe
Ông Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), Chủ tịch Hội đồng Đăng bạ kỹ sư ASEAN của Việt Nam cho biết, kể từ khi tham gia Liên đoàn kỹ sư ASEAN (AFEO), VUSTA luôn tích cực nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của nhiều nước về quy trình, tiêu chuẩn, tiêu chí đăng bạ kỹ sư chuyên nghiệp.
Để đạt được Chứng chỉ “Kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN”, các kỹ sư phải có bằng đại học khoa học/công nghệ được công nhận trong nước; phải có ít nhất 7 năm kinh nghiệm làm việc trong môi trường kỹ thuật, trong đó có ít nhất 2 năm chủ nhiệm các đề tài, công trình thuộc lĩnh vực kỹ thuật điện quan trọng; sử dụng thành thạo ít nhất một ngoại ngữ (tốt nhất là tiếng Anh); đáp ứng yêu cầu về đạo đức và phát triển nghề nghiệp… Các ngành kỹ thuật có thể đăng bạ kỹ sư chuyên nghiệp gồm 45 lĩnh vực (xây dựng, cầu đường, điện, năng lượng...).
Khi đã đăng bạ thành công (được công nhận Kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN), thông tin của các kỹ sư này được cập nhật trên hệ thống cơ sở dữ liệu toàn cầu Danh bạ kỹ sư ASEAN. “Việc đăng ký và được cấp chứng chỉ kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN giúp các kỹ sư có nhiều lợi thế khi đấu thầu các dự án có liên quan đến nước ngoài, có yếu tố quốc tế” – nguyên Phó Chủ tịch VUSTA cho biết.
Đại diện Hội đồng đăng ba kỹ sư ASEAN của Việt Nam trao Chứng chỉ cho kỹ sư được công nhận Kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN.
|
Đối với Việt Nam, từ năm 2004, Hội đồng Đăng bạ Kỹ sư Chuyên nghiệp ASEAN của Việt Nam đã thí điểm đăng bạ cho 19 kỹ sư đầu tiên. Đến nay, đã có 322 kỹ sư đủ tiêu chuẩn đã được tiến hành đăng bạ “Kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN” thuộc nhiều ngành nghề trong đó có điện lực, điện tử viễn thông, xây dựng, cơ khí, công nghệ thông tin…; riêng EVN đã có tới 179 kỹ sư. EVNHCMC hiện là đơn vị đứng đầu về số kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN trong EVN, với 148 kỹ sư được đăng bạ.
Chia sẻ cảm xúc sau khi vinh dự được vinh danh kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN, ông Lê Hoàng Nam, chuyên viên Ban Kiểm toán nội bộ và giám sát tài chính (thuộc Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh) cho biết, trong quá trình thực hiện đăng bạ, mỗi kỹ sư đều được đơn vị tạo điều kiện hỗ trợ tối đa về vật chất, tinh thần nhằm hoàn tất các điều kiện đăng bạ kỹ sư ASEAN.
“Trong các tiêu chí để có thể đăng bạ thành công, năng lực chuyên môn là điều kiện khó nhất. Vì vậy, ngoài tinh thần nỗ lực của bản thân thì các ứng viên luôn nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của các đơn vị trong việc tham gia các quá trình thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, nhằm tự rèn luyện, tự nâng cao trình độ, tích lũy đủ các điều kiện” – tân kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN chia sẻ.
Thành công đến từ đâu?
Theo ông Trần Khiêm Tuấn – Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh (EVNHCMC), đơn vị có số lượng kỹ sư được đăng bạ ASEAN nhiều nhất EVN cho biết, việc đăng bạ chứng chỉ “Kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN” là một trong những nội dung được Ban lãnh đạo Tổng công ty hết sức chú trọng, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Tổng công ty.
Ngay từ năm 2016, EVNHCMC đã xây dựng Đề án “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của EVNHCMC giai đoạn 2016 – 2020”. Theo đó, Tổng công ty đã thực hiện nhiều quy chế nhằm bồi dưỡng, phát triển đội ngũ các kỹ sư trẻ tài năng, chuyên gia, công nhân lành nghề và kỹ sư ASEAN trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao, có tác phong làm việc chuyên nghiệp, đủ sức tiếp cận công nghệ tiên tiến, là lực lượng nòng cốt, đảm bảo sự phát triển bền vững, vươn lên ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực..
Cụ thể, các kỹ sư của EVNHCMC được đào tạo chuyên sâu theo từng lĩnh vực mũi nhọn, như: Công nghệ thông tin, lưới điện thông minh (smart grid), hạ tầng đo đếm tiên tiến (AMR/AMI), hệ thống thông tin địa lý (GIS), thị trường điện, quản lý dự án…; đồng thời được tham gia các dự án quan trọng để nâng cao năng lực, trình độ và kinh nghiệm, hội đủ điều kiện để được Liên đoàn các tổ chức kỹ sư ASEAN phê chuẩn công nhận. Sau khi đăng bạ thành công, các kỹ sư ASEAN sẽ được Tổng công ty tạo điều kiện tham gia các diễn đàn, hội nghị quốc tế, tham gia học tập và chia sẻ kinh nghiệm với các công ty điện lực quốc tế, được cử đi đào tạo nâng cao trình độ (thạc sĩ, tiến sĩ), được ưu tiên tiếp cận công nghệ mới, tham gia các dự án khoa học công nghệ và chuyển giao của EVNHCMC.
GS.VS.TSKH Trần Đình Long - Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam đánh giá, kết quả này chứng tỏ nỗ lực không ngừng của EVN và các đơn vị trong lĩnh vực đầu tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đồng thời là minh chứng cho sự lớn mạnh, trưởng thành và nâng cao uy tín của ngành Điện Việt Nam ở khu vực.
Theo Phó Tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt, trong quá trình phát triển của Tập đoàn. “Trong những năm qua, cùng với quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp, EVN đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh và tăng năng suất lao động, trong đó có việc tìm kiếm các cơ hội nâng cao trình độ cho đội ngũ CBCNV, người lao động EVN. Chính vì vậy, trình độ, tay nghề của người lao động đã được nâng lên đáng kể, năng suất lao động tính theo sản lượng điện thương phẩm năm sau luôn cao hơn năm trước” – ông Ngô Sơn Hải cho biết.
Đặc biệt, cuối năm 2017, Đảng ủy Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/ĐU về “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực của EVN đạt chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của Tập đoàn thời kỳ CMCN 4.0”. Cùng với đó, là sự phù hợp với lộ trình tái cơ cấu Tập đoàn và yêu cầu của Chính phủ về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, họat động hiệu lực, hiệu quả, xây dựng EVN trở thành một trong những Tập đoàn Điện lực hàng đầu trong khu vực ASEAN.
Đánh giá vai trò quan trọng của đội ngũ kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN của ngành Điện trong lộ trình chuyển đổi số và ứng dụng thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong hoạt động sản xuất – kinh doanh của EVN, theo Phó Tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải, thời gian tới EVN và các đơn vị sẽ tiếp tục đổi mới và đồng bộ công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực theo hướng coi trọng phát triển năng lực và phẩm chất của người lao động; chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ quản lý kỹ thuật - vận hành, công nhân lành nghề…
Đặc biệt, Tập đoàn sẽ tăng cường số lượng, chất lượng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng về công nghệ mới, kỹ thuật hiện đại, đào tạo kỹ sư tài năng, chuyên gia kỹ thuật trong các lĩnh vực mũi nhọn như, quản lý hệ thống điện, truyền tải, sửa chữa nhiệt điện, tự động hóa, công nghệ thông tin… ở trong nước và ngoài nước, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của Tập đoàn.
Theo Tạp chí Điện lực chuyên đề Quản lý & Hội nhập
Share