Tổng Giám đốc EVN Trần Đình Nhân đã giới thiệu tổng quan về EVN và hệ thống điện Việt Nam. Theo đó, năm 2020, tổng công suất lắp đặt của hệ thống điện Việt Nam là 59GW. EVN đang giữ vai trò chính trong đảm bảo cung ứng điện cho đất nước, chiếm khoảng 50% công suất đặt trong tổng công suất nguồn điện của đất nước.
Giai đoạn 2010 – 2019, tốc độ tăng trưởng điện năng bình quân hàng năm tại Việt Nam là 9,7%. Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, sản lượng điện tiêu thụ ước tính đạt khoảng 218 tỷ kWh, tăng 3% so với năm ngoái. Giai đoạn 2021 - 2030, dự kiến, tốc độ tăng trưởng điện khoảng 8% /năm.
EVN đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong việc cải thiện tiếp cận điện năng, với tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện đến năm 2020 là 99,5%, gấp đôi so với 25 năm trước.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam kết nối tới Diễn đàn Kinh doanh Năng lượng ASEAN 2020 từ điểm cầu Hà Nội.
|
Tại diễn đàn, Tổng Giám đốc EVN cũng dành nhiều thời gian để chia sẻ về các giải pháp ngành Điện Việt Nam đã thực hiện để thực hiện mục tiêu giảm phát thải của Chính phủ. Cụ thể, các nhà máy nhiệt điện than của EVN đảm bảo thực hiện công tác môi trường theo quy định của pháp luật môi trường, đầu tư công nghệ tiên tiến trong xử lý phát thải.
Năng lượng tái tạo cũng được Chính phủ Việt Nam khuyến khích, tạo điều kiện phát triển, bao gồm: thủy điện nhỏ, năng lượng sinh khối, điện gió và đặc biệt là điện mặt trời. Tuy nhiên, việc phát triển năng lượng tái tạo cũng gây ra những thách thức nhất định trong công tác vận hành hệ thống điện. Đồng thời, Tổng Giám đốc EVN Trần Đình Nhân cũng thông tin tới các đại biểu các nước về đề án Quy hoạch điện VIII, với một số định hướng nhằm thực hiện mục tiêu phát triển ngành Điện bền vững, thân thiện với môi trường, đảm bảo hiệu quả kinh tế.
* Trong phiên họp thuộc Diễn đàn vào chiều cùng ngày, Phó Tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải cũng đã tham dự bàn tròn trao đổi với các đại biểu ASEAN về chủ đề kết nối lưới điện, tích hợp năng lượng tái tạo tại khu vực.