Lắp đặt máy bơm nước hiệu quả, tiết kiệm điện

Máy bơm nước từ lâu đã trở thành thiết bị không thể thiếu trong nhiều gia đình. Nhưng chọn mua và lắp đặt máy bơm thế nào thì không phải ai cũng nắm rõ.

(Ảnh minh họa)

Lựa chọn máy bơm phù hợp

Các gia đình cần dựa vào các đặc điểm của nguồn nước: Nước máy, nước giếng khoan, độ cao cần bơm, dung tích bể chứa, khoảng cách từ nguồn nước đến nơi sử dụng… để lựa chọn chiếc máy bơm phù hợp.

Dựa vào độ cao bơm nước:

- Từ 5- 6 m, nên chọn máy bơm cánh quạt thông thường.
- Từ 6-8 m, nên chọn máy bơm trục ngang.
- Từ 10 m trở lên, chọn máy bơm giếng sâu và bơm khí nén.

Yêu cầu cần thiết của máy bơm là có thể đẩy nước lên ít nhất 1,5 lần độ cao cần hút, đẩy nước (ngôi nhà cao 10 m, nên chọn loại máy bơm có thể đưa nước lên độ cao khoảng 15 m).

Dựa vào mục đích sử dụng:

Nếu bơm nước từ đường ống vào bể chứa thì nên lựa chọn loại máy bơm chân không.
Nếu muốn đẩy nước lên các tầng cao thì chọn loại máy bơm ly tâm.

Dựa vào vị trí lắp đặt:

Nếu vị trí đặt máy nằm ở cuối đường ống, áp lực nước thấp, nên chọn loại máy bơm Jet (trục ngang) bởi ưu điểm độ bền cao, không cần mồi nước và lưu lượng bơm khá lớn (5m3/h). Trường hợp ngược lại, loại máy bơm ly tâm với hai tác dụng hút, đẩy đã có thể đáp ứng hầu hết nhu cầu của gia đình.

Lưu ý về công suất thiết bị:
- Ngôi nhà cao 2, 3 tầng thì loại bơm công suất 125 – 150 W là đủ nhu cầu sử dụng.
- Ngôi nhà cao từ 4, 5 tầng trở lên thì công suất yêu cầu thấp nhất là 200 W.
Việc lựa chọn thông số của máy bơm có vai trò rất quan trọng vì sẽ tiết kiệm được 10-20% lượng điện năng tiêu thụ của thiết bị. Bên cạnh đó, thông số kĩ thuật phù hợp còn giúp thiết bị hoạt động ổn định, tránh tình trạng quá tải hoặc dư thừa công suất.

Lưu ý lắp đặt máy bơm:

Nên:

Sử dụng máy bơm có động cơ hiệu suất cao để tăng hiệu quả và tiết kiệm chi phí trong thời gian dài sử dụng.

Lắp đặt các máy điều tốc cho máy bơm để việc vận hành thiết bị được ổn định và tiết kiệm 10-50% điện năng.

Lắp đặt hệ thống mồi nước tuân theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất.

Gắn một khóa nhựa ở đầu ống xả của bơm để tiện việc điều chỉnh hoặc sửa chữa máy khi có lỗi kĩ thuật.

Đấu ống hút của máy bơm nên ở vị trí cao hơn mặt đáy và cách xa thành giếng để tránh các va chạm khi thiết bị hoạt động.

Lắp vách ngăn hoặc lưới vào ống hút để tránh tình trạng rác hoặc vật chất hữu cơ làm tắc ống.

Thường xuyên kiểm tra hoạt động của máy bơm để phát hiện hỏng hóc và các lỗi rò rỉ.

Lắp đặt cầu dao bảo vệ và nối đất cho máy bơm để đề phòng trường hợp máy bị rò điện.

Không nên:

Vận hành thiết bị với nguồn điện thiếu ổn định và không phù hợp với công suất của máy.

Lắp đặt thiết bị quá xa nguồn nước và hoạt động trên  bề mặt thiếu ổn định vì máy sẽ bị rung khi vận hành.

Để hở các mối nối ống dẫn nước vì sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động của máy bơm khi vận hành.

Lắp đặt máy bơm với các đường ống có quá nhiều mối nối, đường gấp khúc.

Sử dụng đường ống quá dài và tiết diện ống quá lớn hoặc quá nhỏ so với đường kính ống hút, xả nước của máy bơm vì sẽ làm giảm hiệu suất của máy.

 


  • 14/05/2013 08:53
  • Theo TCĐL chuyên đề TGĐ
  • 33753


Gửi nhận xét