Lên Xín Mần, nghe chuyện “Điện ông Sò”!

Dự án định canh, định cư tập trung cho đồng bào dân tộc thiểu số ở thôn Tân Sơn, xã Tả Nhìu, huyện Xín Mần, Hà Giang sắp hoàn thành. Tháng 3/2017, điện lưới quốc gia đã về đến Tân Sơn. Trong niềm vui này, nhiều người dân thôn Tân Sơn vẫn không thể nào quên câu chuyện “Điện ông Sò”.

Vừa đến Tân Sơn, chúng tôi ghé vào nhà chị Cháng Thị Coi. Thấy chúng tôi chăm chú quan sát đường dây và ổ cắm điện còn mới tinh, chị Coi xởi lởi: “Điện Nhà nước làm cho đấy, tốt lắm”. Như để minh họa thêm, chị Coi với tay bật quạt, bật điện. Ánh điện bừng sáng, cậu con trai vỗ tay cười khanh khách. 

Chị Coi chia sẻ, mấy năm trước chúng tôi toàn dùng “Điện ông Sò”, không có “Điện ông Sò” không biết xoay xở thế nào, vì ở đây không gần nguồn nước suối, muốn dùng thủy điện nhỏ cũng không thể…

Khái niệm “Điện ông Sò” chúng tôi lại được nghe khi ghé vào nhà ông Sùng Sào Minh. Ông Minh cho biết, gia đình ông mới chuyển về Tân Sơn được hơn 2 năm. Khi đó, lưới điện quốc gia chưa có, ông Sò là người đã giúp ông kéo điện về dùng. Điện tuy yếu, nhưng cũng bớt đi những buổi tối phải mò mẫm trong ánh đèn dầu tù mù.

Những câu chuyện đó đã đưa chúng tôi đến gặp “nhân vật chính” ngoài đời - ông Vương Chính Sò. Trong thôn, từ già đến trẻ nhỏ, ai cũng biết ông!

Trong căn nhà 2 tầng khang trang, xây dựng kiên cố, ông Sò pha ấm trà Shan tuyết mời khách, rồi thủng thẳng kể: “Năm 2006, Tân Sơn lúc đó chỉ có gia đình ông và vài ba hộ nữa. Đường vào Tân Sơn là đường mòn, chỉ có thể cuốc bộ, thanh niên trai tráng mới dám đi xe máy. Đường không có, điện cũng không, cuộc sống rất vất vả. Tân Sơn lại mới có vài ba hộ, biết khi nào điện lưới mới tới nơi, tôi đã nung nấu ý định tự kéo điện về để sử dụng…”

Điện lưới quốc gia đã về thôn mới Tân Sơn

Vốn là công nhân kĩ thuật của Điện lực Xín Mần, ông Sò mày mò, tính toán để làm sao có thể xin kéo điện về Tân Sơn. Để có đủ lực, ông rủ các hộ Thèn Khái Dỉn, Vàng Lao Khún cùng tham gia. Ban đầu, ông kéo điện từ chợ Cốc Pài, vắt qua đỉnh núi về Tân Sơn. Do đường dây dài, nguồn điện lại ở xa nên tổn thất điện rất lớn, giá mỗi số điện tăng cao. Dùng một thời gian, ông Sò và các hộ nhận thấy, nếu cứ kéo dài tình trạng này sẽ không ổn.

Bàn đi tính lại, ông quyết định, kéo điện từ thôn Cốc Sọc (xã Thèn Phàng, huyện Xín Mần), vượt qua sông Chảy, chỉ dài gần 1 km. Bản thân ông Sò cũng chủ động đứng ra làm hợp đồng mua bán điện với Điện lực Xín Mần. “Có mấy hộ ở quây quần với nhau nên thương nhau và nghe nhau lắm. Ai cũng mong có điện nên khi tôi hô hào là các hộ đều tích cực tham gia chôn cột, kéo dây”, ông Sò nhớ lại. 

Năm 2011, Dự án ổn định dân cư định canh định cư bắt đầu được thực hiện tại Tân Sơn. Nhiều gia đình từ 9 thôn khác thuộc xã Tả Nhìu lần lượt chuyển về đây định cư. Lúc này, điện lưới quốc gia vẫn chưa có. Thấy nhà ông Sò có điện, các hộ đến xin ông Sò cho dùng chung. 

Nhìn cảnh các hộ mới chuyển đến, nhà cửa còn tuềnh toàng, đàn con nhỏ nheo nhóc, tối tối quây quần bên cái đèn dầu tù mù…, ông Sò không nỡ từ chối, lại ra tay giúp các hộ kéo điện về nhà. Đến trước thời điểm có điện lưới quốc gia (tháng 3/2017), 27/51 hộ trong thôn Tân Sơn đã dùng chung đường điện với nhà ông Sò. Công tơ tổng đặt ở phía bên kia sông Chảy. Mỗi gia đình đều có 1 công tơ riêng theo dõi lượng điện tiêu thụ hàng tháng. 

Nhiều năm, ông Sò là người ghi công tơ, thu tiền điện, sửa chữa điện và kiêm cả việc đi nộp tiền điện… “Tôi có riêng những cuốn sổ theo dõi sử dụng điện. Tính toán tỉ mỉ từng tháng, cộng trừ nhân chia giá điện Nhà nước bán, trừ tổn thất, khấu hao sao cho không ai bị thiệt thòi. Khổ nỗi là do đường điện dài, nhiều hộ sử dụng chung, nên có khi nhà ở cuối nguồn phải nấu cơm từ 3 giờ chiều, vì đến 5-6 giờ chiều, điện yếu không nấu được. Được cái là nhà nào cũng có điện thắp sáng”, ông Sò bộc bạch.

Ông Vương Chính Sò say sưa kể chuyện kéo điện cho người dân thôn Tân Sơn

Về chuyện thu tiền điện, ông Sò cho biết, hộ dùng nhiều khoảng 150.000 đồng/tháng, còn lại chỉ 15.000 – 30.000 đồng. Đến ngày hẹn nộp, có hộ đến nhà ông Sò nộp, có hộ ông Sò phải đến tận nhà thu, nhưng vẫn không được vì gia đình bận đi nương, hoặc khất khi nào bán được thúng ngô, con gà sẽ trả sau. Thường thì ông Sò cứ ứng tiền ra nộp cho Điện lực, thu tiền của bà con sau. 

“Chuyện đi sửa điện cũng khá vất vả. Mùa hè, có khi mỗi tuần nhảy aptomat đôi ba lần. Tôi vốn là thợ kĩ thuật, nên chuyện đó không thành vấn đề. Từ ngày có điện lưới quốc gia, tôi thành người “thất nghiệp”. Thất nghiệp nhưng mà vui, vì các hộ trong thôn giờ ai cũng có điện, điện khỏe, giá lại rẻ” - ông Sò cười lớn. 

Bây giờ, điện lưới quốc gia đã về tới Tân Sơn. Ông Nông Văn Thắng - Phó giám đốc Điện lực Xín Mần cho biết, công trình đường dây 0,4 kV cấp điện cho thôn Tân Sơn bắt đầu được khởi công từ tháng 9/2016, với chiều dài 1,8 km. 

Việc công trình được nghiệm thu hoàn thành, bàn giao, đấu nối cấp điện cho thôn Tân Sơn không chỉ góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án ổn định dân cư định canh định cư, mà còn góp phần cải thiện đời sống của các hộ trong thôn. Nhiều gia đình đã mua được máy xay xát, ti vi, máy thái cỏ… Ngay đầu thôn Tân Sơn, xưởng xẻ gỗ của ông Lỳ Khai Phùng cũng bắt đầu hoạt động, mở ra hướng đi mới cho người dân Tân Sơn... 

Về Tân Sơn hôm nay, chạy xe trên con đường bê tông phẳng phiu, bên những hàng cột điện kiên cố, dưới những đường dây điện chạy dài…, lại nhớ chuyện về “điện ông Sò” mà bà con vẫn nhắc. Tin rằng, thôn mới Tân Sơn rồi sẽ có nhiều đổi thay, bởi nơi ấy có những con người như ông Vương Chính Sò. 


  • 09/06/2017 02:22
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 12447