Lính truyền tải điện Tây Nguyên: Vững vàng bám trụ ngày, đêm

Gắn bó máu thịt với những cung đường hiểm trở, những bữa cơm ăn vội giữa núi rừng hoang vu, những cái rét cắt da, cắt thịt mùa đông… lính truyền tải điện các tỉnh Tây Nguyên luôn tự hào vì đã góp phần đảm bảo an toàn lưới điện truyền tải.

Quen với nắng gió Tây Nguyên

Theo chân lính Truyền tải Điện Đắk Lắk và Gia Lai, Công ty Truyền tải điện 3 đi kiểm tra, phát quang tuyến đường dây truyền tải điện, chúng tôi mới thực sự thấm thía sự vất vả, gian nan của những người lính truyền tải Tây Nguyên. 

Sau hơn 2 giờ vượt nhiều lũng sâu và đường núi quanh co, chúng tôi đã đến được gần vị trí phát quang trên tuyến đường dây 500 kV Pleiku - Di Linh, đoạn nằm trên đỉnh núi thuộc xã Đắk Nuê, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk. Do hôm trước trời mưa, đường trơn trượt, xe ô tô không thể vào được vị trí, đoàn chúng tôi phải leo bộ lên vị trí cột. Mới leo được 1/3 quãng đường, tôi đã thấm mệt, thế mà lính truyền tải với đồ nghề nặng trĩu trên vai vẫn vừa đi, vừa chuyện trò rôm rả. 

Anh Võ Ngọc Ninh - công nhân Đội Truyền tải điện Lắk chia sẻ, lưới điện truyền tải ở Tây Nguyên trải dài qua nhiều khu vực đồi núi cao, rừng sâu và vực thẳm. Do vậy, với anh em truyền tải điện, vượt qua các con sông, con suối, thung lũng; băng qua các cánh rừng hay leo lên đỉnh núi chỉ là “chuyện thường ngày ở huyện”. 

“Vất vả lắm, nhưng chúng tôi đã quen với những con đường hiểm trở, quen với nắng gió cao nguyên. Lính truyền tải điện luôn coi gian nan nhẹ tựa lông hồng” - anh Ninh hóm hỉnh bổ sung.

Lên đến đỉnh núi, trong khi tôi đã “mệt bở hơi tai”, thì các anh em công nhân lại tiếp tục với công việc của mình: Phát cây, tỉa cành, kiểm tra, bảo dưỡng tuyến... Nhìn các anh thoăn thoắt làm việc, tôi mới hiểu, vì sao họ lại được gọi bằng cái tên rất thân thương và pha chút tự hào: “Lính truyền tải”. 

Các tỉnh Tây Nguyên có đặc thù là gió nhiều, nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm lớn và do ảnh hưởng của thời tiết khiến dây dẫn dễ bị chùng xuống, độ võng không đảm bảo đúng yêu cầu kỹ thuật... Do vậy, công nhân truyền tải điện ở Tây Nguyên thường xuyên bám tuyến, bám đường dây; phát quang hành lang tuyến; ngày, đêm bám núi, bám rừng kiểm tra đột xuất lưới điện; duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa những khiếm khuyết trên đường dây... 

Với những người lính truyền tải điện, bữa cơm ăn vội ngay chân cột điện, hay những bữa ăn trưa đạm bạc chan mưa, chan nắng giữa núi rừng hoang vu không còn là việc lạ; những vết rách da thịt trong những lần băng rừng, vượt suối... đã trở thành những kỷ niệm theo năm tháng hành nghề. Trên hết, sau những vất vả, gian nan, lính truyền tải điện ở Tây Nguyên lại có thể tự hào với vai trò đảm bảo cho lưới điện truyền tải điện vận hành an toàn, hiệu quả.

Công nhân PTC3 phát quang hành lang tại vị trí 474 đường dây 500 kV Pleiku - Di Linh

Gần dân, dân tin

Lưới điện truyền tải ở các tỉnh Tây Nguyên đi qua nhiều địa hình đồi núi, sông suối phức tạp. Đặc biệt là đi qua các bản làng có hầu hết là người dân tộc thiểu số, khu vực dân di canh, di cư... Việc vận động, tuyên truyền để người dân hiểu và tích cực tham gia bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp mất nhiều thời gian và công sức. Chính vì vậy, lính truyền tải không chỉ phải làm tốt chuyên môn mà còn phải biết làm tốt công tác dân vận.

“Phải biết bám dân, dựa vào dân để bảo vệ hành lang an toàn lưới điện”, anh Đỗ Trường Sơn - Đội trưởng Đội Truyền tải điện Chư Pảh, Truyền tải điện Gia Lai chia sẻ. 

Anh Sơn còn nhớ như in tình cảm đầm ấm mà người dân dành cho anh em Truyền tải điện khi tiến hành nâng cao đường dây, căng lại độ võng đường dây 500 kV mạch 1 Pleiku – Đắk Nông vào năm 2015. 

Theo đó, do địa hình phức tạp, hiểm trở, vị trí đặt máy tời nằm trên nương rẫy của người dân trong bản. Lúc đầu, người dân sợ nát hoa màu nên phản đối. Phải mất rất nhiều thời gian, anh em mới có thể thuyết phục người dân hiểu và thông cảm. 

Anh kể lại: “Bà con dân tộc ở đây, khi đã đồng ý thì rất nhiệt tình. Thấy anh em làm qua cả trưa mà không kịp ăn cơm, bà con còn mang củ mỳ, nước ra phục vụ vì: “Thấy các chú làm vất vả quá ta thương, hãy nghỉ tay ăn chút rồi làm, sao mà làm cả trưa vậy thì sức người chịu sao nổi”. Rồi mọi người chung tay khiêng vác đồ giúp anh em công nhân. Được sự giúp đỡ của bà con, chúng tôi quên hết mệt mỏi, quên cả cái đói, cái nắng giữa trưa hè gay gắt, hoàn thành công việc sớm hơn dự kiến. Bữa cơm chiều hôm đó có cả củ mỳ, làm cho tình cảm giữa người dân bản với lính truyền tải điện thêm đầm ấm”. 

Ông Đinh Văn Cường - Giám đốc Truyền tải điện Gia Lai cho biết, bằng những việc làm rất cụ thể, thiết thực như kéo sửa đường dây điện, thay bóng đèn chiếu sáng cho dân… lính truyền tải đã tạo được lòng tin và ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân địa phương. Từ đó, đơn vị đã phát tờ rơi, tổ chức các buổi họp, gặp gỡ, chiếu phim tư liệu,… tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia bảo vệ các công trình điện.

Cũng theo ông Cường, “Lính truyền tải Tây Nguyên rất vất vả, để anh em yên tâm công tác, lãnh đạo đơn vị không chỉ trang bị đầy đủ thiết bị nghe nhìn, xây dựng cơ sở vật chất, khuyến khích, động viên anh em kịp thời mà còn phải sống với anh em bằng cái tâm, cái tình, chăm lo cho anh em như cho chính những người thân trong gia đình mình”.

Vất vả, gian nan không thể kể hết, nhưng với những người lính truyền tải điện nơi miền Cao nguyên đầy nắng gió này, lòng yêu nghề, tình cảm của bà con dân bản, sự quan tâm kịp thời của lãnh đạo Công ty là động lực giúp họ trụ vững, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp “truyền tải điện - truyền niềm tin”, góp phần đảm bảo điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng cho đất nước. 


  • 10/03/2017 03:18
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 12133