Những hình ảnh lay động mạng xã hội
Còn nhớ, sau đợt lũ lụt lịch sử năm ngoái, tôi may mắn được theo chân Đoàn Thanh niên EVN về với bà con miền Trung. Những gì tôi được nghe người dân thôn Đại Phong, xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy kể lại đó là hình ảnh nhà cửa tan hoang không biết bắt đầu làm lại từ đâu, trong nhà không có gì để ăn, trẻ con ốm không có một viên thuốc để uống,… đi từ đầu làng tới cuối làng không gặp nổi một nụ cười. Ấy vậy mà, khi thấy bóng áo cam, một cụ bà cụ đã hơn 70 tuổi xúc động tay bắt mặt mừng.
Các công nhân của Điện lực Lệ Thủy (Công ty Điện lực Quảng Bình) hỗ trợ người dân ở thôn Đại Phong, xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy chạy lũ và đưa đến nơi trú ẩn an toàn. Ảnh chụp ngày 18/10/2020. Ảnh: ĐVCC.
|
Bà kể, mình và đứa cháu nhỏ đã được một anh thợ điện cõng đến nơi an toàn trong dòng nước lũ. Bà thực sự biết ơn thợ điện lắm. Khoảnh khắc đó, bà chỉ kịp nắm tay cảm ơn, chứ không nhớ nổi mặt người thợ điện ấy. Từ đó, hễ gặp cánh thợ điện là bà coi như người nhà. Nhìn bàn tay hom hem của bà nắm chặt tay anh thợ điện, chúng tôi chẳng ai bảo ai, thầm cảm ơn những đồng nghiệp của mình, vì mỗi bước chân các anh đi qua trong mùa lũ đều để lại nét đẹp bình dị của người EVN! Thật ý nghĩa với hình ảnh các anh thợ điện dầm mình cả ngày trong mưa lũ, ăn vội miếng cơm, chiếc bánh… để chống đói và nhanh chóng di chuyển để lên đường tiếp tục làm nhiệm vụ nhằm cấp điện trở lại sớm nhất cho khách hàng và không quên mang theo bên mình những lương thực thiết yếu đưa đến với bà con vùng lũ...
Hay khi cơn bão số 2 gây mưa lớn trên diện rộng tại Thủ đô Hà Nội, Trung tâm dạy nghề và đào tạo việc làm Thương Thương (xã Nam Phong, huyện Phú Xuyên) bị tốc mái tôn xưởng may, khiến nhiều người khuyết tật đứng trước nguy cơ phải tạm dừng công việc. Những người thợ điện Thủ đô đã có mặt kịp thời, hỗ trợ kinh phí và nhân công giúp Trung tâm lợp lại mái tôn… Những mái tôn mới trên ngôi nhà ấm áp tình người thợ áo cam của Điện lực Phú Xuyên đã phần nào khắc họa một góc hình ảnh đẹp về những người thợ điện.
Mới đây, anh Nguyễn Hữu Thắng - Công nhân Đội Dịch vụ khách hàng, Công ty Điện lực Quốc Oai trên đường đi làm đã dũng cảm cứu người bị đuối nước tại thôn Thế Trụ, xã Nghĩa Hương, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội. Khi thấy người dân hô hoán có người bị tai nạn ngã xuống hồ nước bên cạnh đường giao thông, anh đã tức tốc chạy tới và phát hiện một người đàn ông trung tuổi đang trong tư thế nằm úp mặt xuống dưới hồ nước, tình trạng bất tỉnh đang chìm dần. Không chần chừ, anh Thắng đã lao xuống hồ, kịp thời kéo nạn nhân lên khỏi mặt nước và sơ cứu cho nạn nhân.
Trước đó, hẳn độc giả vẫn còn rất ấn tượng với hình ảnh anh Nguyễn Trọng Tân - Công nhân Điện lực Từ Sơn, Công ty Điện lực Bắc Ninh đã lao vào lửa kịp thời cứu sống 4 người trong vụ cháy xảy ra tại khu chợ Dầu, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh năm 2022. Hay hình ảnh gây xúc động mạnh trên mạng xã hội khi người dân ghi lại cảnh anh Nguyễn Trung Thành - công nhân lái xe cẩu Điện lực Sa Pa, Công ty Điện lực Lào Cai tham gia cứu sống hai cháu bé trong đám cháy tại Sa Pa năm 2021. Hình ảnh anh Thành dùng cần cẩu vươn gầu nâng lên ban công tầng 2 và cùng người dân hô hoán cho 2 cháu bé gái biết ngay trước thời khắc các bình gas bắt đầu phát nổ chỉ vài phút đã lay động cư dân mạng trong suốt thời gian dài.
Thậm chí, cảm phục sự dũng cảm của anh, họa sĩ vẽ nổi tiếng mạng xã hội với nick name Anbecks đã vẽ lại hình ảnh chân thực của vụ việc. Bức tranh này đã nhận về 7,9 nghìn lượt “thả tim” của cộng đồng mạng khi đó. Đây chỉ là một số ít trong rất nhiều câu chuyện cứu người của các anh thợ điện. Khi cứu người có lẽ họ chẳng cần đắn đo thiệt hơn, mức độ nguy hiểm đến bản thân, đó chính là lòng tốt vô điều kiện!
Bình dị mà cao quý
Ngày 09/3/2017, tôi từng thực hiện một bài phỏng vấn với nữ thu ngân viên EVN nhặt được 1 tỷ đồng trả lại người mất, nhưng đó là một bài phỏng vấn độc quyền mang tên “Thu ngân viên nhặt được 1 tỷ đồng trả lại người mất. Chị Trần Thị Anh thuộc Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng. Chị Anh nói với tôi rằng chị “rất ngại” tiếp xúc với phóng viên, nhưng vì tôi là phóng viên báo ngành, coi như đồng nghiệp, nên chị đồng ý chia sẻ.
Họa sĩ Anbecks vẽ công nhân Nguyễn Trung Thành, Công ty Điện lực Lào Cai cứu sống hai cháu bé trong đám cháy tại Sa Pa năm 2021.
|
Khi cộng đồng nói về hành động của chị là “quá khó tin”, thì chị lại tâm sự do đặc thù công việc, những đồng nghiệp thu ngân của chị thường xuyên... nhặt được của rơi trả lại cho người mất. Vậy nên, với chị, đó là điều hết sức bình thường. Có lẽ, do trường hợp của chị là số tiền quá lớn nên mới được mọi người quan tâm nhiều như vậy. Chị thực sự mong muốn, những việc làm tốt, những hành động đẹp sẽ ngày càng được nhân lên và chúng ta sẽ không cần phải xem những việc làm như thế là "điều bất ngờ".
Và câu chuyện này cũng được tiếp nối như một “truyền thống” khi mới đây, anh Nguyễn Huy - Phó Trưởng phòng Công nghệ thông tin, Công ty Điện lực Khánh Hòa trả lại gần 200 triệu đồng cho nữ du khách Trương Thị Bé (sinh năm 1977) - Việt kiều Mỹ. Đây là số tài sản mà chị Bé trong lúc đi chơi cùng gia đình vào sáng 10/6 đã đánh rơi, anh Huy nhặt được và nhanh chóng đưa đến cơ quan công an để tìm người trao trả.
Đồng hành với đồng nghiệp mình, tôi còn thấy nhiều lắm những “thần đèn áo cam” như chị Huỳnh Thị Mỹ An - người suốt 14 năm đã hơn 80 lần tham gia hiến máu cứu người; kỹ sư Nguyễn Bình Nam (EVNCPC) - người cặm cụi xây hơn 10 trường học cho học sinh nghèo vùng cao từ nguồn quỹ thiện nguyện do anh xây dựng; hay anh Dương Hoài Nam - công nhân Đội quản lý điện, Công ty Điện lực Tây Hồ đã dũng cảm bắt cướp, giúp người dân không mất đi tài sản quý giá…
Với hành động của mình, những CBCNV áo cam đã làm cho cuộc sống của chúng ta đẹp hơn! Ở thế hệ này, khi hạt giống lòng tốt được trồng lên, tôi tin nó sẽ sản sinh ra vô vàn lòng tốt không điều kiện ở một thế hệ người làm điện trong tương lai, như lời bài hát rap từng được viết cho Anh hùng Lao động ngành Điện Trương Thái Sơn: “Bên cạnh tôi có những người anh em, luôn tự hào về bộ đồng phục mình khoác lên và luôn hãnh diện vì công việc mình mang tên”…
Theo Tạp chí Điện lực Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
Share