Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Đồng thời chỉ rõ: “Động lực và nguồn động lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Để khơi dậy tinh thần yêu nước, phát huy ý chí tự lực, tự cường dân tộc, khát vọng phát triển đất nước đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải thật sự thực hiện tốt vấn đề nêu gương.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức quan tâm coi trọng việc nêu gương. Cả cuộc đời giản dị, trong sáng của Người luôn là tấm gương đạo đức mẫu mực, tự giác nêu gương, nói đi đôi với làm. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, nêu gương có vai trò to lớn và là một giá trị trong chuẩn mực đạo đức của người cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, bởi như Người nói: Một tấm gương sống có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền; trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ "cộng sản" mà ta được họ yêu mến; quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức; muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước…
Trong cuộc sống hàng ngày, việc nêu gương luôn được coi là một phương pháp giáo dục hết sức hiệu quả, đặc biệt với các dân tộc phương Đông. Giáo dục Nho giáo trước đây coi tu thân và gương mẫu là vấn đề quan trọng hàng đầu đối với việc giáo dục con người và quản lý xã hội. Người xưa cho rằng giáo dục trước hết phải bằng tấm gương sống của chính mình, rồi sau đó mới bằng lời nói. Trong gia đình, con cái chịu ảnh hưởng trực tiếp từ ông bà, cha mẹ, anh chị. Trong nhà trường, thầy cô phải là gương sáng với học trò. Ở các tổ chức, tập thể, những người lãnh đạo phải làm gương cho cấp dưới.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nêu gương là bản thân mình phải làm gương trong công việc từ nhỏ đến lớn, phải thường xuyên khắc phục những hạn chế khuyết điểm của bản thân. Trong tác phẩm “Đường kách mệnh”, viết từ những năm 20 của thế kỷ trước, và trong các bài nói, bài viết sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Mỗi đảng viên, cán bộ cũng như mỗi người cần nhận thức và giải quyết tốt ba mối quan hệ đối với mình, với người và với công việc. Trong đó, đối với bản thân, không được tự mãn, kiêu ngạo mà luôn học tập, cầu tiến bộ, luôn tự kiểm điểm tự phê bình mình như rửa mặt hằng ngày để phát huy ưu điểm, nhận ra khuyết điểm để sửa chữa. Đối với người, phải có thái độ chân thành, khiêm tốn, thật thà, đoàn kết, và có tình thương yêu, bao dung, độ lượng. Đối với công việc, phải luôn giữ nguyên tắc công tư phân minh, phải để việc công lên trước việc tư, đã nhận việc gì thì không sợ khó, không sợ khổ, phải tận tâm tận lực hoàn thành tốt. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, nêu gương không chỉ hô khẩu hiệu. Khi giáo dục cán bộ làm công tác dân vận, Người căn dặn “Tuyên truyền phải miệng nói tay làm, phải tùy hoàn cảnh mà tổ chức giúp đỡ Nhân dân thật sự, không phải chỉ dân vận bằng diễn thuyết”.
Trong thực tế, có không ít cán bộ, đảng viên, nhất là người giữ vị trí lãnh đạo, quản lý các cơ quan, đơn vị thiếu sự gương mẫu, chỉ dừng lại ở việc “hô hào”, hoặc “nói một đàng, làm một nẻo”, “nói nhiều, làm ít”… Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã thẳng thắn chỉ rõ: “Việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa thường xuyên, một số suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vẫn còn tình trạng nói không đi đôi với làm; không tuân thủ nguyên tắc của Đảng; quan liêu, tham nhũng, lãng phí, cá nhân chủ nghĩa, cơ hội, thực dụng, bè phái, gây mất đoàn kết nội bộ; chưa nêu cao ý thức trách nhiệm trước tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương và nhân dân. Thực hiện quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên chưa trở thành nền nếp, hiệu quả chưa cao”. Trước tình hình đó, cần đề ra một số giải pháp đối với cán bộ, đảng viên như sau:
Một là, đề cao trách nhiệm nêu gương, gương mẫu của tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên và công tác phòng, chống tham nhũng.
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đặt ra yêu cầu: “Thực hiện nghiêm các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương, chức vụ càng cao càng phải gương mẫu, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Đảng viên tự giác nêu gương để khẳng định vị trí lãnh đạo, vai trò tiên phong, gương mẫu, tạo sự lan tỏa, thúc đẩy các phong trào cách mạng. Coi trọng kiểm tra, giám sát trong Đảng kết hợp với phát huy vai trò giám sát của cơ quan dân cử, của Mặt trận Tổ quốc, báo chí và nhân dân đối với cán bộ, đảng viên thực hiện các quy định nêu gương”.
Do đó, cần đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền nhằm nâng cao lập trường, bản lĩnh chính trị, trình độ, trí tuệ, tính chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp, cán bộ cấp chiến lược. Thực hành dân chủ trong Đảng gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương của Đảng.
Công tác phòng, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh ngay trong mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị; đấu tranh ngay trong chính bản thân mỗi con người. Vì vậy, phải nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, nhất là tổ chức cơ sở đảng; nâng cao trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị. Đặc biệt, cần gắn công tác phòng, chống tham nhũng với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và XII.
Hai là, phân công rõ trách nhiệm, quyền hạn đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý và các cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Cần có quy định rõ ràng, cụ thể trong thực hiện nhiệm vụ; chức vụ càng cao, trách nhiệm càng lớn để tránh tình trạng khi cơ quan, tổ chức, đơn vị xảy ra sai phạm, hoặc không hoàn thành nhiệm vụ người đứng đầu né tránh hoặc đùn đẩy trách nhiệm cho tổ chức, tập thể. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Đảng viên gương mẫu trong mọi công việc, liên hệ chặt chẽ với quần chúng, nội bộ thật sự đoàn kết; chấp hành tốt đường lối, chính sách của Đảng, lãnh đạo tốt sản xuất và chiến đấu; một lòng một dạ phục vụ nhân dân, thiết thực chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; đối với Đảng thì củng cố tốt và phát triển tốt”. Vì vậy, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải có tư duy đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; thực hiện tốt nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.
Bên cạnh đó, cần đổi mới mạnh mẽ phân cấp, phân quyền, ủy quyền và nâng cao hiệu quả phối hợp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Củng cố, hoàn thiện hệ thống chính quyền địa phương; phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn giữa Trung ương và địa phương. Tiếp tục đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát quyền lực, ngăn chặn sự lạm quyền, vi phạm kỷ luật, kỷ cương.
Ba là, thực hiện nghiêm, hiệu quả dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân.
Nước ta đang từng bước xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của Nhân dân được phát huy, chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa được mở rộng, tạo điều kiện để người dân ngày càng tham gia sâu sắc vào công việc của Nhà nước, tham gia xây dựng pháp luật, chính sách, hưởng các quyền và lợi ích chính đáng một cách công bằng.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đặt ra yêu cầu: “Thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở. Thực hiện tốt, có hiệu quả phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Do đó, vấn đề bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân, thực hiện hiệu quả dân chủ ở cơ sở có ý nghĩa quan trọng trong việc kiểm tra, giám sát của người dân đối với vấn đề nêu gương của cán bộ, đảng viên một cách hiệu quả, chính xác. Đồng thời, nhằm thực hiện mạnh mẽ vấn đề dân chủ ở cơ sở và triển khai sâu rộng quan điểm của Đảng ta xác định “Nhân dân là trung tâm”, cần ban hành quy chế dân chủ có tính pháp lý, yêu cầu mọi người dân, mọi tổ chức thực hiện; xây dựng cho từng địa phương, xã, phường, tổ chức, đơn vị… phù hợp với đặc điểm của từng loại cơ sở. Mặt khác, các quy chế dân chủ ở cơ sở phải phù hợp với Hiến pháp, pháp luật; rõ tinh thần dân chủ đi đôi với kỷ cương, trật tự; quyền hạn gắn với trách nhiệm, lợi ích gắn với nghĩa vụ; chống quan liêu, mệnh lệnh, tránh tình trạng lợi dụng dân chủ để vi phạm pháp luật.
Bốn là, đổi mới phương thức hoạt động của các cấp ủy, tổ chức đảng.
Để mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu tổ chức, đơn vị luôn tiên phong, gương mẫu, thì vai trò của tổ chức bộ máy của Đảng là rất quan trọng trong hoạt động, triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng trong thực tiễn. Vì vậy, vấn đề xây dựng, kiện toàn về phương thức lãnh đạo của các tổ chức đảng là rất cần thiết. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh khi nói về việc xây dựng tổ chức bộ máy của Đảng ta: “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”.
Cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của một số loại hình tổ chức cơ sở đảng; thực hiện nghiêm quy chế làm việc của cấp ủy cơ sở. Tuy nhiên, việc kiện toàn tổ chức bộ máy của Đảng phải tuân thủ nguyên tắc thống nhất, bảo đảm đoàn kết trong nội bộ; kiện toàn theo hướng từ trên xuống một cách hiệu lực, hiệu quả; thực hiện một cách thận trọng, tránh nóng vội, rộng rãi trong quần chúng nhân dân để huy động tối đa những cá nhân tích cực, nhiệt tình cách mạng, biết quy tụ, đoàn kết trong bộ máy của tổ chức cơ sở đảng.
Năm là, thực hiện nghiêm, chặt chẽ trong công tác cán bộ.
Cán bộ là cái gốc của mọi vấn đề, mọi công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ. Trong thực tiễn cách mạng Việt Nam, việc bố trí, sắp xếp cán bộ có ý nghĩa rất quan trọng, đòi hỏi các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị cần có trách nhiệm cao trong việc đánh giá, bố trí đúng cán bộ, phù hợp với năng lực, sở trường. Vấn đề nêu gương, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên là phụ thuộc vào tinh thần tự giác, chứ không phải gượng ép, bắt buộc. Thường thì những cán bộ, đảng viên luôn tự giác nêu gương là những người có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, dám nghĩ, dám làm vì mục đích chung của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Vì vậy, trong công tác cán bộ cần tuân theo một quy trình thống nhất giữa các khâu, từ phát hiện, tuyển chọn, đào tạo đến bố trí, sử dụng theo những tiêu chí cụ thể, rõ ràng đối với mỗi cơ quan, đơn vị để lựa chọn, phát hiện được những cán bộ đủ đức, đủ tài, “vừa hồng, vừa chuyên”, ngang tầm nhiệm vụ.
Sáu là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; có hình thức khen thưởng và xử lý nghiêm các vi phạm trong vấn đề nêu gương.
Trong những năm qua, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng được tăng cường, có nhiều đổi mới, đạt nhiều kết quả quan trọng. Trong vấn đề nêu gương, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị rất chi tiết, cụ thể mang tính bao quát cho mọi đối tượng cán bộ, đảng viên. Đặc biệt, Quy định số 101-QĐ/TW xác định 7 nội dung như: về tư tưởng chính trị; về đạo đức, lối sống, tác phong; về tự phê bình và phê bình; về quan hệ với nhân dân; về trách nhiệm trong công tác; về ý thức tổ chức kỷ luật; về đoàn kết nội bộ và các Quy định số 55-QĐ/TW, Quy định số 08-QĐi/TW... Do đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với mọi cơ quan, đơn vị, tổ chức và mọi cán bộ, đảng viên phải thực hiện nghiêm những nội dung đã nêu trong các quy định về vấn đề nêu gương.
Bên cạnh đó, cần tập trung kiểm tra, giám sát các tổ chức đảng, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt ở những lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra tiêu cực; nơi người dân có nhiều bức xúc, dư luận quan tâm; nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp, coi trọng giám sát chuyên đề; tăng cường sự phối hợp giám sát của Đảng với giám sát của Nhà nước và của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội để phát huy sức mạnh tổng hợp và nâng cao hiệu lực giám sát, tránh chồng chéo, trùng lặp… sẽ góp phần cho mỗi cán bộ, đảng viên thường xuyên, tự giác trong vấn đề nêu gương. Mặt khác, cần có hình thức biểu dương, khen thưởng kịp thời các cơ quan, tổ chức, đơn vị và những cán bộ, đảng viên luôn tự giác, thường xuyên thực hiện vấn đề nêu gương. Đồng thời, xử lý nghiêm tập thể, cá nhân vi phạm các quy định về nêu gương để răn đe, phòng ngừa.
Bảy là, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền những nội dung trọng tâm của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong đó nhấn mạnh đến vấn đề nêu gương.
Trong phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp của công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ Đại hội XIII đã chú trọng, tập trung xây dựng Đảng về đạo đức để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự chuyển biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định: “Đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên thấy rõ bổn phận và trách nhiệm của mình, luôn vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức và không bị cám dỗ bởi vật chất, tiền tài, danh vọng; đấu tranh có hiệu quả với mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, bệnh quan liêu, cơ hội, cục bộ, bè phái, mất đoàn kết nội bộ. Nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng suốt đời, thường xuyên, “tự soi”, “tự sửa” và nêu cao danh dự, lòng tự trọng của người đảng viên”. Đây là những vấn đề quan trọng và cấp thiết trong giai đoạn cách mạng hiện nay.
Vì vậy, công tác thông tin, tuyên truyền những nội dung, định hướng mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã nêu phải thường xuyên, toàn diện, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, phong phú về nội dung cách thức trong tuyên truyền, nhằm phù hợp với mọi đối tượng người dân, vùng, miền trên cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài; thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên các mạng xã hội; tổ chức giải báo chí hoặc cuộc thi sáng tác ở các địa phương về chủ đề công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; tuyên truyền bằng các phương tiện cổ động trực quan, hội nghị báo cáo viên, tuyên truyền viên; thông qua các ấn phẩm tuyên truyền, trong sinh hoạt Đảng và sinh hoạt của tổ chức chính trị - xã hội góp phần củng cố niềm tin và sức lan tỏa, đồng thuận trong thực hiện.
Vấn đề nêu gương, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị; trách nhiệm càng cao càng phải gương mẫu, đi đầu, phải trở thành việc làm thường xuyên, tự giác trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao cũng như trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày. Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phải tự rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì lợi ích chung của quốc gia, dân tộc; xây dựng các tổ chức cơ sở đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh… góp phần đảm bảo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.