Mục tiêu tiết kiệm 8 - 10% tổng tiêu thụ năng lượng thương mại toàn quốc trong giai đoạn 2019 - 2030

Đó là một trong những mục tiêu của Chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 đang được Bộ Công Thương xây dựng.

Hội thảo Xây dựng Chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030, do Bộ Công Thương phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức, sáng 22/6, tại Hà Nội.

“Chúng tôi kỳ vọng Chương trình này sẽ đạt được mục tiêu về tiết kiệm năng lượng trong toàn xã hội, giảm cường độ năng lượng của nền kinh tế nước ta, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh, giảm phát thải khí nhà kính và phát triển bền vững. Đồng thời, sẽ có những đóng góp to lớn trong việc thực hiện cam kết của Việt Nam về giảm phát thải khí nhà kính tại Thỏa thuận Paris năm 2015”, bà Nguyễn Thị Lâm Giang - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho biết. 

Theo đó, Chương trình được thiết kế để tăng cường thực thi Luật sử dụng năng lượng sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thông qua việc triển khai đồng bộ, nghiêm túc các giải pháp quản lý và kỹ thuật, trong đó, tập trung vào các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng có khả năng gây ô nhiễm môi trường, giao thông vận tải và xây dựng; đẩy mạnh việc thực hiện lộ trình dán nhãn năng lượng bắt buộc, loại bỏ các trang thiết bị lạc hậu tiêu tốn nhiều năng lượng,... 

Theo nội dung Dự thảo Chương trình, giai đoạn 2019-2030 sẽ tiết kiệm 8-10% tổng tiêu thụ năng lượng thương mại toàn quốc, tương đương 50-60 triệu TOE; giảm tối thiểu 8% suất tiêu hao năng lượng của các ngành sử dụng nhiều năng lượng...

Ông Trịnh Quốc Vũ – Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm Năng lượng và Phát triển bền vững chia sẻ, trong Chương trình đang được xây dựng, Bộ Công Thương sẽ mạnh dạn đưa ra những đề xuất về cơ chế khuyến khích đối với các cơ sở sản xuất sử dụng năng lượng trọng điểm cũng như doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhằm giúp các đơn vị trong các ngành nghề kinh tế khác nhau nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng.

“Các cơ chế có thể là thiết lập Quỹ hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa để tiết kiệm năng lượng; hay thúc đẩy thị trường dịch vụ năng lượng ESCO phát triển, nhằm từng bước xây dựng một thị trường tiết kiệm năng lượng bền vững vận hành theo cơ chế thị trường, thu hút được sự tham gia của khu vực tư nhân và nước ngoài, tăng cường hợp tác công – tư vào trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng”, ông Vũ cho hay.

Tại Hội thảo, các chuyên gia WB cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả từ các quốc gia trên thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ..., nhằm giúp Việt Nam rút ra các bài học trong quá trình triển khai.


  • 22/06/2018 03:02
  • Thùy Lê
  • 527887