Vận hành lưới điện an toàn, tin cậy
Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Viết Hùng - Phó Trưởng Ban Kỹ thuật - Sản xuất Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đánh giá cao những kết quả về quản lý vận hành, an toàn vệ sinh lao động và công nghệ thông tin của EVNNPC trong năm 2018.
Cũng theo ông Hùng, EVNNPC là tổng công ty điện lực có quy mô lớn nhất của EVN, với khoảng 11 triệu khách hàng sử dụng điện, chiếm 37,3% tổng số khách hàng của EVN. Sản lượng điện thương phẩm của đơn vị này cũng chiếm 33% toàn Tập đoàn. Tổng công ty đã cung ứng điện an toàn, tin cậy với chất lượng ngày càng cao, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân 27 tỉnh, thành phố phía Bắc.
EVNNPC tổ chức ký cam kết thực hiện các chỉ tiêu tổn thất điện năng trong năm 2019 giữa Tổng công ty với các đơn vị
|
Ngoài ra, tỉ lệ tổn thất điện năng của EVNNPC đạt 5,10%, giảm 0,53% so với năm 2017 và giảm 0,41% so với kế hoạch EVN giao; các chỉ số độ tin cậy cung cấp điện đều đạt và vượt kế hoạch: SAIDI là 873 phút, SAIFI là 6,61 lần, MAIFI là 0,7 lần,…
Tổng công ty cũng đã ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác quản lý, vận hành như: Điều khiển xa, TBA không người trực, sửa chữa điện holine, phần mềm quản lý mất điện và tính toán độ tin cậy lưới điện (OMS), quản lý lưới điện trên bản đồ hành chính (GIS), quản lý kỹ thuật nguồn điện và lưới điện (PMIS), quản lý thông tin khách hàng (CMIS 3.0),... góp phần nâng cao năng lực quản trị, tối ưu hóa chi phí, nâng cao năng suất lao động.
Năm 2018, EVNNPC cũng là đơn vị điển hình của Tập đoàn trong công tác an toàn vệ sinh lao động. Toàn Tổng công ty không để xảy ra tai nạn lao động do chủ quan.
Bà Đỗ Thị Nguyệt Ánh - Phó Tổng giám đốc Thường trực EVNNPC trao Giấy khen của Tổng công ty cho đơn vị đạt thành tích xuất sắc trong công tác quản lý vận hành
|
Đẩy mạnh tự động hóa
Bước sang năm 2019 với rất nhiều khó khăn, thách thức của toàn Tập đoàn nói chung, EVNNPC riêng, ông Lê Viết Hùng đề nghị Tổng công ty chủ động phối hợp với các đơn vị điều độ, công ty truyền tải xây dựng kế hoạch vận hành đảm bảo cung cấp điện an toàn, tin cậy.
Với đặc thù địa hình phức tạp, mật độ sét cao, lưới điện còn tồn tại nhiều thiết bị cũ, EVNNPC cũng cần triển khai mạnh mẽ các giải pháp nhằm giảm suất sự cố, đặc biệt là trên lưới điện 110 kV; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác quản lý, vận hành; tự động hóa lưới điện; tăng cường công tác đào tạo các chuyên gia, các kĩ sư chuyên sâu trong lĩnh vực tự động hóa…
Tại Hội nghị, bà Đỗ Nguyệt Ánh - Phó Tổng giám đốc Thường trực EVNNPC cũng thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh những thành quả đã đạt được, công tác quản lý vận hành, an toàn vệ sinh lao động, công nghệ thông tin của EVNNPC vẫn còn những hạn chế nhất định như: Sự cố trên lưới điện vẫn còn cao; mức độ tự động hóa còn thấp...
Nhằm khắc phục những hạn chế này, bà Đỗ Nguyệt Ánh cho biết, năm 2019, EVNNPC sẽ tiếp tục xây dựng các trung tâm điều khiển xa, trạm biến áp không người trực... Đặc biệt, EVNNPC sẽ đẩy mạnh việc ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào mọi hoạt động như: Giải pháp kênh truyền kết nối mạng di động (3G/APN) đối với các thiết bị trên lưới điện trung thế trong việc thu thập, giám sát và đóng/cắt điện năng; số hóa các dịch vụ điện năng, hợp đồng mua bán điện; triển khai kho nợ online và tích hợp hệ thống chấm nợ sử dụng thêm công nghệ QR, vân tay; nâng cấp phần mềm CRM tích hợp và khai thác dữ liệu đo xa phục vụ chăm sóc khách hàng; phần mềm giao nhận điện năng và phần mềm quản lý, điều chỉnh phụ tải điện; mở rộng phần mềm Quản lý lưới điện trên bản đồ (GIS) đối với lưới điện hạ thế…
Với các giải pháp đồng bộ, EVNNPC hướng tới mục tiêu hoàn thành trước 1 năm kế hoạch nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020 trong mọi chỉ tiêu về quản lý – vận hành. Ngoài ra, EVNNPC cũng phấn đấu tuyệt đối không để xảy ra tai nạn lao động, sự cố cháy nổ do lỗi chủ quan; giảm thiểu tai nạn điện trong dân; giảm 50% các điểm vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp; giảm thiểu ảnh hưởng các yếu tố thiên tai, thời tiết cực đoan đối với lưới điện…
Thùy Lê
Share