Năm 2021, cả nước cần chủ động ứng phó trước diễn biến phức tạp, khó lường của thiên tai

Quyết tâm thật cao để hạn chế thấp nhất thiệt hại của thiên tai trong năm 2021; đặt nhiệm vụ bảo vệ tài sản, tính mạng của người dân lên hàng đầu,... Đó là một số thông tin được nhấn mạnh tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cửu nạn vừa diễn ra.

Sáng 4/6, Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021 diễn ra dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam tham dự tại đầu cầu Bộ NN&PTNT.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021, điểm cầu chính tại trụ sở Chính phủ.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh, xu thế về biến đổi khí hậu diễn ra nhanh và phức tạp, nguy cơ xảy ra thiên tai ngày càng gia tăng, bất thường, gây thiệt hại ngày càng nghiêm trọng tới sản xuất kinh doanh và tính mạng của người dân.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia, các tháng còn lại của năm 2021 khả năng xuất hiện khoảng 12-14 cơn bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) hoạt động trên khu vực Biển Đông, dự báo có 5 - 7 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Vì vậy, đặt ra yêu cầu phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai trong thời gian tới cần phải được quan tâm toàn diện hơn, đặc biệt “trong điều kiện chúng ta vừa phòng, chống dịch COVID-19 mà trường hợp bão xảy ra thì phòng, chống bão đặt ra như thế nào?”. Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải chủ động chuẩn bị kịch bản ứng phó cho tình huống này.

Đối với các cơ quan Trung ương, cần tập trung nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, theo dõi, giám sát thiên tai, bảo đảm kịp thời, chính xác. Cần đặc biệt ưu tiên đầu tư cho công tác nghiên cứu về thiên tai, hệ thống dự báo khí tượng thủy văn, hệ thống theo dõi, giám sát thiên tai.

Đối với tình huống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cụ thể, phải theo dõi thật chặt chẽ diễn biến, dự báo đúng tình hình, chỉ đạo ứng phó thật kịp thời; khắc phục khẩn trương, có hiệu quả với mục tiêu giảm thiệt hại về người và “lấy sự an toàn của người dân làm thước đo cho kết quả hoạt động của phòng, chống thiên tai”. Bảo vệ tính mạng người dân được đặt lên hàng đầu.

Ngành Điện chủ động phòng, chống thiên tai

Theo Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN EVN, để chủ động phòng, chống, ứng phó kịp thời, có hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, Tập đoàn đã yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm túc phương châm bốn tại chỗ: chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ. Các đơn vị thuộc Tập đoàn kiện toàn Ban Chỉ huy, Đội xung kích PCTT&TKCN và rà soát, hiệu chỉnh quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ trong Ban Chỉ huy. Kiểm tra, sửa chữa các hư hỏng công trình và thiết bị vận hành, đảm bảo hoàn thành trước mùa mưa lũ.

Đặc biệt trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Tập đoàn yêu cầu các đơn vị lập danh sách các nguồn lực phải huy động để ứng phó thiên tai; bổ sung kịch bản, phương án phòng, chống thiên tai trong điều kiện có dịch bệnh COVID-19 và có trường hợp nghi nhiễm COVID-19; chuẩn bị dụng cụ, trang thiết bị, thuốc men, khẩu trang y tế, xịt khử khuẩn, đồ bảo hộ y tế,... đảm bảo an toàn cho các lực lượng được huy động tham gia công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

Năm 2020, thiên tai tác động đến nước ta dồn dập và đặc biệt khốc liệt với 16/22 loại hình thiên tai, trong đó có 14 cơn bão và một áp thấp nhiệt đới; 265 trận dông, lốc sét; 120 trận lũ quét, sạt lở đất; 90 trận động đất; hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển. Đối với ngành Điện, các đơn vị điện lực đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn góp phần nhanh chóng khôi phục cấp điện trở lại cho các khách hàng. Đối với các cơn bão, áp thấp nhiệt đới có cường độ không lớn đã được kiểm tra, khôi phục cấp điện trở lại ngay sau khi bão tan; đối với cơn bão mạnh thời gian kiểm tra, khôi phục thường từ 1-3 ngày, đối với khu vực ngập sâu, chia cắt đã được khôi phục cấp điện trở lại khi nước rút, thông tuyến.

Tại các Trung tâm chỉ huy công tác Phòng chống thiên tai và điểm cứu hộ cứu nạn đặc biệt nghiêm trọng đã được đơn vị điện lực hỗ trợ đặt máy phát Diezel (nếu chưa trang bị); điều động lực lượng, phương tiện, thiết bị tham gia hỗ trợ công tác tìm kiếm cứu nạn. Các đơn vị điện lực đã tham gia phối hợp cứu trợ, ủng hộ vật chất, lương thực, thực phẩm cho nhân dân; hỗ trợ lắp đặt miễn phí, sửa chữa hệ thống điện sau công tơ, thay thế các thiết bị điện bị ngập lụt hư hỏng như công tắc, ổ cắm, tủ bảng, dây điện, bóng đèn cho các gia đình đặc biệt khó khăn, các trường học bị thiệt hại sau thiên tai.


  • 04/06/2021 05:00
  • Ngân Hà
  • 4177