Nan giải “bài toán” vốn cho cấp điện nông thôn ở Cà Mau

35 tỷ đồng là vốn Ngân sách nhà nước dành cho Dự án “Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Cà Mau” trong 2 năm 2016 – 2017. Làm thế nào để triển khai Dự án đạt hiệu quả, với mục tiêu đến năm 2020 hầu hết các hộ dân có điện? PV Thế giới điện đã có cuộc trao đổi với ông Thiều Văn Minh – Phó Giám đốc Công ty Điện lực Cà Mau (PC Cà Mau).

Ông Thiều Văn Minh

PV: Ông có thể cho biết tình hình thực hiện Dự án “Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia, tỉnh Cà Mau giai đoạn 2015 – 2020”? 

Ông Thiều Văn Minh: Năm 2016, Dự án đã được cấp 20 tỷ đồng từ Ngân sách nhà nước, còn lại là vốn đối ứng của ngành Điện. Ngay sau khi được cấp vốn, PC Cà Mau đã ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống lưới điện cho 10 xã thuộc huyện U Minh và huyện Thới Bình, thuộc vùng sâu, vùng xa chưa có điện. 

Đến cuối tháng 2/2017, tổng số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia là 1.511 hộ, đưa tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện ở tỉnh Cà Mau lên hơn 98%. Năm 2017, Cà Mau cũng đã được duyệt cấp 15 tỷ đồng từ vốn Ngân sách. Cùng với vốn đối ứng của ngành Điện, PC Cà Mau sẽ tiếp tục ưu tiên cho những khu vực chưa có điện, hoặc những nơi đang xây dựng nông thôn mới, được đầu tư theo hình thức cuốn chiếu, kéo dây đến đâu có điện đến đó, giúp người dân sớm được hưởng lợi từ Dự án.

PV: Là miền cực Nam của Tổ quốc với hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, PC Cà Mau gặp khó khăn gì khi triển khai Dự án, thưa ông?

Ông Thiều Văn Minh: Đặc thù của tỉnh Cà Mau là hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, giao thông đường thủy là chủ yếu… Các hộ dân chưa có điện lại nằm rải rác ở các thôn, ấp, xa trung tâm thị trấn, thị tứ… Vì vậy, việc vận chuyển thiết bị, vật tư cho đến thi công đều gặp rất nhiều khó khăn. Kéo theo đó, thời gian thi công dài, chi phí đầu tư tương đối lớn. Tuy nhiên, PC Cà Mau đã lập kế hoạch chi tiết, cụ thể, bố trí đủ nhân lực, vật tư, thiết bị triển khai Dự án. 

Theo kế hoạch, có khoảng 31.095 hộ dân được hưởng lợi từ Dự án. Bên cạnh đó, các hộ dân còn được lắp đặt miễn phí 1 bảng điện, 1 bóng đèn compact. Tuy nhiên, Dự án kéo dài qua nhiều năm, nên trong quá trình triển khai cũng phát sinh một số hộ dân mới do việc di cư hoặc tách hộ, làm ảnh hưởng đến tiến độ cũng như quy mô đầu tư.

PV: Vậy Công ty Điện lực Cà Mau có đề xuất gì để Dự án triển khai đạt hiệu quả trong thời gian tới? 

Ông Thiều Văn Minh: Hiện nay, còn nhiều hộ ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh Cà Mau chưa có điện. Trong khi đó, vốn Ngân sách Nhà nước cấp cho Dự án còn quá ít so với yêu cầu. Nếu tình trạng này tiếp tục tiếp diễn từ nay đến năm 2020, PC Cà Mau rất khó hoàn thành Dự án. Vì vậy, Trung ương và các bộ, ngành liên quan cần sớm nghiên cứu ưu tiên, kịp thời bố trí đủ vốn cho ngành Điện thực hiện Dự án.

Về phía ngành Điện, cũng cần có cơ chế ưu tiên hơn nữa đối với người dân vùng sâu, vùng xa để họ sớm được sử dụng điện lưới quốc gia. Hiện nay, tại các khu vực chưa có điện, người dân sử dụng điện theo dạng “câu đuôi”, “chia hơi” nhiều. Đây là hình thức hộ gia đình có điện lưới quốc gia đồng ý cho hộ dân khác gần đó kéo điện về phục vụ sinh hoạt, gây nên tình trạng mất an toàn lưới điện.

Mặc dù PC Cà Mau và các đơn vị đã tăng cường tuyên truyền, vận động, thậm chí xử phạt hành chính đối với các hộ gia đình vi phạm, nhưng chưa mang lại hiệu quả thiết thực. Để giải quyết dứt điểm tình trạng này, PC Cà Mau mong muốn được cấp vốn, đảm bảo cho người dân vùng sâu, vùng xa sớm được sử dụng điện lưới quốc gia một cách an toàn, hiệu quả.

PV: Xin cảm ơn ông! 

Dự án Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia, tỉnh Cà Mau giai đoạn 2015 - 2020:

- Cơ quan chủ quản đầu tư: Bộ Công Thương;
- Cơ quan điều phối Dự án: Tập đoàn Điện lực Việt Nam;
- Chủ đầu tư: Tổng công ty Điện lực miền Nam;
- Tổng mức đầu tư: 892,358 tỷ đồng, trong đó:
+ 85% vốn từ Ngân sách Trung ương: 758,504 tỷ đồng;
+ 15% vốn của chủ đầu tư: 133,854 tỷ đồng.
- Mục tiêu: 
+ Cấp điện cho khoảng 31.095 hộ dân nông thôn thuộc 567 thôn, ấp;
+ Cấp điện cho 57 trạm bơm tưới quy mô vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
- Địa điểm xây dựng: 76 xã thuộc 8 huyện.
- Quy mô:
+ Số trạm biến áp: 1.207 trạm;
+ Chiều dài đường dây trung áp: Gần 860 km;
+ Chiều dài đường dây hạ áp: Gần 1.850 km.


  • 10/07/2017 04:10
  • Theo TCĐL Chuyên đề Thế giới điện
  • 12370