Năng lượng tái tạo - Lĩnh vực thu hút đầu tư tại Nigeria

Sử dụng năng lượng tái tạo, mà cụ thể là điện mặt trời đang là xu hướng tại nhiều nước phát triển nhằm ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Ở khu vực châu Phi, lĩnh vực này mới trở nên phổ biến trong những năm gần đây, thu hút nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp và các nhà đầu tư cùng tham gia. Đặc biệt, Nigeria đang trở thành quốc gia đi đầu trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tái tạo tại châu Phi nhằm đáp ứng các mục tiêu về chống biến đổi khí hậu.

Các tấm pin mặt trời được lắp rải rác trên các mái nhà ở Lagos, một thành phố ở Nigeria, nơi đang trải qua quá trình chuyển đổi sang sử dụng điện mặt trời.

Công nghệ khí hậu còn mới ở Châu Phi và rất khó để có được nguồn tài trợ cho các công ty khởi nghiệp nhằm hỗ trợ điện khí hóa khu vực. Tuy nhiên, hệ sinh thái đã thay đổi. Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều công ty cổ phần và tư nhân đầu tư cho các dự án khởi nghiệp về công nghệ khí hậu. Rensource Energy, một start up chuyên cung cấp các gói thuê bao pin và năng lượng mặt trời cho các cá nhân và doanh nghiệp đang được hưởng lợi từ sự gia tăng gần đây về nguồn vốn đầu tư.

Ông OJEABULU – Giám đốc điều hành công ty Rensource Energy cho biết: “Nếu bạn đang sử dụng nguồn nguyên liệu hóa thạch, nguồn năng lượng chính ở khu vực này, bạn sẽ khiến rất nhiều khí carbon bị thải ra trong quá trình sử dụng và điều đó không tốt cho bầu khí quyển của chúng ta. Điều mà những doanh nghiệp như chúng tôi đang cố gắng làm là giải quyết vấn đề đó bằng cách sử dụng năng lượng sạch và bền vững, ở quy mô tương đương với những gì lưới điện cung cấp.”

Nigeria đang trở thành quốc gia đi đầu trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tái tạo tại châu Phi nhằm đáp ứng các mục tiêu về chống biến đổi khí hậu

Ông Ojeabulu cho biết ban đầu rất khó để tìm được những nhà đầu tư ủng hộ tài chính cho dự án của họ. Họ đã cố gắng thuyết phục các nhà đầu tư rằng mình đang đầu tư vào một mô hình kinh doanh tốt.

Ông OJEABULU – Giám đốc điều hành công ty Rensource Energy cho biết: “Có những khó khăn khi chúng tôi mới bắt đầu, nhưng sau đó chúng tôi đã nhận được nhiều sự ủng hộ từ những người tin rằng điện mặt trời sẽ trở thành một ngành công nghiệp như hiện nay. Những sự đầu tư về không gian, tiến bộ công nghệ đã giúp giảm chi phí vận hành.”

Theo dữ liệu từ Quỹ tài trợ châu Phi, lục địa này cần 277 tỷ USD hàng năm để đáp ứng các mục tiêu về khí hậu cho đến năm 2030. Các chuyên gia cho rằng để giải phóng nguồn tài chính và lấp đầy khoảng trống này, các nước châu Phi cần giải quyết các rủi ro như mất ổn định tiền tệ vốn đang cản trở các nhà đầu tư. Đồng thời, các nhà đầu tư cũng được khuyến khích mở rộng phạm vi quan tâm sang các lĩnh vực công nghiệp liên quan đến khí hậu khác như phòng chống lũ lụt, quản lý thiên tai và quản lý nhiệt, cũng như sử dụng các phương thức tài trợ đa dạng.

Ông Ojeabulu cho biết nguồn tài trợ cho công nghệ khí hậu hiện bị hạn chế hơn khi ngành này mở rộng và phát triển. Ông OJEABULU – Giám đốc điều hành công ty Rensource Energy cho biết: “Vào năm 2015, mọi việc dễ dàng hơn nhiều. Chúng tôi được nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm tài trợ bởi họ rất quan tâm đến lĩnh vực năng lượng tái tạo. Đưa ra chiến lược vào thời điểm đó có thể nhận được nguồn vốn lớn và được tạo điều kiện để phát triển. Tuy nhiên, hiện tại, việc gia nhập lĩnh vực này khó khăn hơn do chuỗi giá trị được mở rộng. Chúng tôi đã chứng kiến nhiều doanh nghiệp thành công và cả những doanh nghiệp không thành công.”

Tuy nhiên, con số đầu tư cho lĩnh vực công nghệ khí hậu - bao gồm các doanh nghiệp về năng lượng tái tạo, loại bỏ carbon, phục hồi đất và quản lý nước và chất thải - rất hấp dẫn. Năm ngoái, các công ty khởi nghiệp công nghệ khí hậu trên lục địa này đã huy động được 1,04 tỷ USD, tăng 9% so với năm trước và gấp ba lần số tiền họ huy động được trong năm 2019.

Ông OJEABULU – Giám đốc điều hành Công ty Rensource Energy cho biết: “Tài trợ của khu vực tư nhân ở khí hậu châu Phi vẫn còn khá thấp. Nhưng có sự tăng trưởng rõ ràng. Và tôi tin rằng trong khoảng thập kỷ tới, chúng ta sẽ bắt đầu thấy những thay đổi đó.”

Theo báo cáo của Sáng kiến Chính sách Khí hậu, từ năm 2019 đến năm 2020, nguồn tài trợ của khu vực tư nhân chỉ chiếm 14% tổng nguồn tài chính khí hậu của Châu Phi, thấp hơn nhiều so với các khu vực như Đông Á và Thái Bình Dương ở mức 39%, Mỹ Latinh và Caribe ở mức 49%.

Các chuyên gia cho biết, mức đóng góp thấp ở châu Phi là do các nhà đầu tư đổ tiền vào các lĩnh vực mà họ quen thuộc hơn, như công nghệ năng lượng tái tạo và tránh công nghệ thích ứng với biến đổi khí hậu, như phòng chống lũ lụt và rác thải. Tuy nhiên, hiện các nhà đầu tư cũng bắt đầu hiểu được lợi ích kinh tế của việc thích ứng với biến đổi khí hậu và các giải pháp khi họ thu được lợi tức từ khoản đầu tư của mình.

Link gốc


  • 06/05/2024 03:16
  • Theo antv.gov.vn
  • 4377